Làm gì để nhanh có thai sau sảy thai

Làm gì để nhanh có thai sau sảy thai? Lời khuyên từ chuyên gia

Sảy thai là nỗi đau lớn không chỉ về mặt tinh thần, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, khiến mẹ gặp nhiều khó khăn trong những lần mang thai tiếp theo. Vậy làm gì để nhanh có thai sau sảy thai? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ những bước quan trọng cần thực hiện trong việc chăm sóc cơ thể đang tổn thương dựa trên lời khuyên của các chuyên gia hàng đầu ngành sản phụ khoa. 

Hiểu rõ về nguyên nhân và sức khỏe sau sảy thai

Trước khi giải đáp câu hỏi “Làm gì để nhanh có thai sau sảy thai?”, mời bạn tìm hiểu một số thông tin liên quan đến biến cố này.

Tại sao sảy thai xảy ra?

Sảy thai có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: [1]

  • Vấn đề về nhiễm sắc thể: Những bất thường về nhiễm sắc thể thường xảy ra trong quá trình thụ tinh hoặc trong giai đoạn phát triển bào thai, khi các tế bào phân chia và nhân lên nhiều lần. Trường hợp này gây ra khoảng 50% tổng số ca sảy thai trong 3 tháng đầu (tối đa 13 tuần) của thai kỳ. 
  • Sức khoẻ của mẹ: Mẹ đang đối diện với nhiều vấn đề sức khoẻ như: hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), thiếu hụt hormone progesterone, đái tháo đường, tăng huyết áp, nhiễm trùng (rubella, toxoplasmosis…)… có nguy cơ sảy thai cao. 
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi như: thuốc trị mụn chứa Isotretinoin, thuốc trị loét dạ dày Misoprostol, thuốc kháng sinh Tetracyclin và Quinolon…
  • Môi trường sống: Sảy thai có thể xảy ra nếu mẹ bầu tiếp xúc với nhiều tác nhân có hại như: thuốc lá, uống rượu bia, hoá chất nguy hiểm, môi trường ô nhiễm hoặc chịu nhiều áp lực khi làm việc. 
Uống rượu bia thường xuyên là một trong những nguyên nhân gây sảy thai. 
Uống rượu bia thường xuyên là một trong những nguyên nhân gây sảy thai.

Sảy thai ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của người phụ nữ:

  • Về mặt thể chất: Mẹ bị mất máu, rối loạn kinh nghiệm, tăng nguy cơ nhiễm trùng, luôn cảm thấy mệt mỏi. 
  • Về mặt tinh thần: Nhiều phụ nữ sau sảy thai luôn cảm thấy có lỗi và tự dằn vặt bản thân, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, lo lắng kéo dài, đặc biệt là khi chuẩn bị cho lần mang thai sắp tới. 

Sức khỏe sinh sản sau sảy thai

Cơ thể người phụ nữ thường thay đổi sau khi sảy thai như: chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh, đau bụng kinh trầm trọng hơn, hoặc mất kinh tạm thời. Niêm mạc tử cung của mẹ có thể bị tổn thương, dẫn đến nguy cơ dính tử cung, khó thụ thai trong tương lai. Lúc này, tử cung dễ bị nhiễm trùng, gây sốt, đau bụng dữ dội và chảy máu bất thường. 

Thời gian hồi phục hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: sức khoẻ tổng thể, tuổi tác, cách chăm sóc sau sảy thai… Quá trình hồi phục thể chất thường kéo dài khoảng 1 – 2 tháng, chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu trở lại trong vòng 3 – 6 tuần. [2]

Chu kỳ kinh nguyệt có nhiều bất thường ngay sau sảy thai. 
Chu kỳ kinh nguyệt có nhiều bất thường ngay sau sảy thai.

Làm gì để nhanh có thai sau sảy thai?

Vậy làm gì để nhanh có thai sau sảy thai? Dưới đây là các bước chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần mà bạn không thể bỏ qua:

Kiểm tra sức khỏe toàn diện

Bạn đừng quên kiểm tra sức khỏe toàn diện theo lịch hẹn của bác sĩ để hiểu rõ nguyên nhân gây sảy thai, cũng như khả năng hồi phục của cơ thể. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra cách điều trị và chăm sóc phù hợp, đề xuất những biện pháp phòng ngừa cụ thể để tránh sảy thai lần sau.  

Các xét nghiệm thường được chỉ định bao gồm:

  • Kiểm tra nội tiết tố: Đo nồng độ các loại hormone như FSH, LH, progesterone và prolactin để đưa ra kết luận về khả năng rụng trứng và sinh sản của cơ thể.
  • Siêu âm tử cung: Đây là cách giúp kiểm tra niêm mạc tử cung, phát hiện các bất thường như: polyp tử cung, dính tử cung, u xơ tử cung.
  • Xét nghiệm nhiễm trùng: Xét nghiệm giúp bác sĩ tìm ra các bệnh lây nhiễm hoặc vi khuẩn có nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ.
  • Xét nghiệm chất lượng trứng và tinh trùng: Chuyên gia khảo sát cả vợ và chồng để biết được nguyên nhân sảy thai có phải do yếu tố di truyền hoặc sức khỏe sinh sản kém hay không.
Siêu âm để kiểm tra khả năng phục hồi của tử cung và chuẩn bị cho lần mang thai mới.
Siêu âm để kiểm tra khả năng phục hồi của tử cung và chuẩn bị cho lần mang thai mới.

Tăng cường sức khỏe thể chất

  • Chế độ ăn uống: Ngoài chế độ ăn đủ chất, mẹ bổ sung thêm axit folic giúp tăng cường khả năng thụ thai, sắt ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, canxi hỗ trợ sức khoẻ của xương và tử cung.
  • Thực phẩm hỗ trợ tăng khả năng sinh sản: Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để bổ sung một số thực phẩm cải thiện sức khỏe sinh sản. Ví dụ: trái câu rau củ tươi giàu chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào trứng; hạt, dầu cá chứa nhiều axit béo omega – 3 có khả năng điều hoà hormone sinh sản. 
  • Thói quen lành mạnh: Tập thể dục đều đặn như: đi bộ, yoga, bơi lội… với cường độ phù hợp để tăng cường tuần hoàn máu đến tử cung. Ngoài ra, đừng quên ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày, tránh căng thẳng, mệt mỏi. Đây là cách giúp cân bằng hormone sinh sản và hạn chế gián đoạn quá trình rụng trứng.

Xây dựng tâm lý tích cực

Căng thẳng, lo âu, trầm cảm là một trong những nguyên nhân gây rối loạn hormone estrogen và progesterone, đồng thời kích thích cơ thể sản sinh nhiều cortisol có khả năng ức chế hoạt động của trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng. Điều này làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt cũng như quá trình rụng trứng. Từ đó, cơ thể hồi phục chậm hơn và bạn mất nhiều thời gian để mang thai lần tiếp theo.

Vì vậy, bạn nên xây dựng tâm lý tích cực bằng cách: tham gia các hoạt động thư giãn (đọc sách, nghe nhạc, trồng cây, đi dạo…), thiền định hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. 

Theo dõi chu kỳ rụng trứng

Bạn theo dõi chu kỳ rụng trứng bằng các phương pháp như: dùng que thử, các ứng dụng theo dõi hiện đại, đo thân nhiệt… Quan hệ nên thực hiện trong khoảng 2 – 3 ngày trước và sau khi rụng trứng, duy trì tần suất 2 – 3 lần/ tuần để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội thụ thai.  

Lưu ý: Bắt đầu quan hệ trở lại ít nhất 2 tuần sau sảy thai để tránh nhiễm trùng. [3]

Không quan hệ ít nhất 2 tuần sau sảy thai. 
Không quan hệ ít nhất 2 tuần sau sảy thai.

Sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản nếu cần

Nếu đã cố gắng 6 – 12 tháng nhưng vẫn chưa có tin vui, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện một số phương pháp hỗ trợ mang thai như: thụ tinh nhân tạo (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), dùng thuốc kích trứng… Cơ thể cần can thiệp y tế trong trường hợp: mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), trên 35 tuổi, tiền sử sảy thai nhiều lần…

Sau sảy thai bao lâu thì trứng rụng?

Trứng rụng trở lại trong khoảng 2 – 6 tuần sau sảy thai, và mất thêm khoảng 14 ngày thì bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Thời gian này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: sức khoẻ tổng thể, mức độ ổn định nội tiết tố, thói quen sống…

Các dấu hiệu giúp nhận biết thời điểm rụng trứng: 

  • Nhiệt độ cơ thể tăng: Hormone progesterone có sự thay đổi khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ (khoảng 0.3 – 0.5°C) sau khi rụng trứng.
  • Dịch nhầy cổ tử cung: Gần thời điểm rụng trứng, dịch nhầy cổ tử cung xuất hiện với những đặc điểm như: trong, loãng và trơn tương tự lòng trắng trứng. Điều này giúp tinh trùng dễ dàng di chuyển vào bên trong và bắt đầu quá trình thụ tinh.
  • Cảm giác đau nhẹ ở bụng dưới: Một số phụ nữ cảm thấy tức hoặc đau nhẹ ở một bên bụng, thường là bên buồng trứng đang phóng noãn.
  • Tăng ham muốn tình dục: Gần thời điểm rụng trứng, nồng độ hormone estrogen tăng làm ham muốn tình dục có xu hướng tăng.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng công cụ hỗ trợ như: ứng dụng theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và dự đoán thời điểm rụng trứng dựa trên dữ liệu cung cấp trước đó, que thử rụng trứng, máy theo dõi hormone sinh sản…

Dùng que thử để phát hiện được thời điểm rụng trứng. 
Dùng que thử để phát hiện được thời điểm rụng trứng.

Khi nào là thời điểm tốt nhất để mang thai sau khi sảy thai?

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bạn có thể bắt đầu lần mang thai mới ít nhất 6 tháng sau khi sảy thai. [4]

Khoảng thời gian này giúp cơ thể người phụ nữ phục hồi bao gồm: tử cung không còn bất kỳ tổn thương nào và trở lại kích thước bình thường, nồng độ hormone ổn định hơn, ngừng chảy máu. Ngoài ra, đây cũng là lúc người mẹ đã cân bằng về mặt cảm xúc và chuẩn bị tinh thần tốt cho lần mang thai mới. 

Nếu mang thai quá sớm, nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm tăng cao như: nhiễm trùng tử cung, thai ngoài tử cung, thai nhi chậm phát triển hoặc mắc các vấn đề về sức khoẻ, sinh non, rủi ro sảy thai lần nữa… 

Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Làm gì để nhanh có thai sau sảy thai?” để cơ thể nhanh chóng phục hồi và khoẻ mạnh hơn. Mời bạn truy cập vào website aplicaps.vn để biết thêm nhiều thông tin liên quan đến sức khỏe. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ trực tiếp hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.

Tài liệu tham khảo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ