Sảy thai và thai lưu có giống nhau không

Sảy thai và thai lưu có giống nhau không? Chỉ rõ từng dấu hiệu phân biệt

Đều có cùng kết quả là mất đi thai nhi nhưng lại có 2 tên gọi khác nhau: sảy thai và thai lưu. Vậy sảy thai và thai lưu có giống nhau không? Chuyên gia sản khoa của Aplicaps sẽ hướng dẫn các bạn cách phân biệt hai thuật ngữ này một cách dễ hiểu nhất. Cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Sảy thai và thai lưu có giống nhau không?

Sảy thai và thai lưu không giống nhau vì sảy thai là tình trạng mất thai trước khi thai được 20 tuần tuổi, còn thai lưu là khi thai nhi chết sau tuần thứ 20 của thai kỳ.

Sảy thai và thai lưu là hai biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhất

Sảy thai là gì?

Sảy thai (hoặc mất thai tự nhiên) là hiện tượng thai nhi bị chết trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Thời điểm dễ xảy ra sảy thai nhất là trong 3 tháng đầu.

Sảy thai do nhiều nguyên nhân khác nhau gây rabao gồm cả nguyên nhân chủ quan của người mẹ hoặc nguyên nhân khách quan mà mẹ không làm chủ được. [1]

Các nguyên nhân có thể gây sảy thai mẹ bầu cần hết sức chú ý:

  • Các vấn đề về di truyền hoặc nhiễm sắc thể (bệnh tan máu bẩm sinh, bất thường NST lệch bội, đa bội…)
  • Vấn đề liên quan đến nhau thai hoặc cổ tử cung (màng tử cung mỏng, ung thư cổ tử cung, …)
  • Các yếu tố làm tăng nguy cơ sảy thai như độ tuổi, hút thuốc, béo phì, sử dụng thuốc, cafein, rượu bia, …
  • Các bệnh mạn tính (như bệnh tiểu đường, huyết áp, lupus, bệnh thận, cường giáp, suy giáp, …) hoặc bệnh nhiễm khuẩn (như rubella, HIV, viêm âm đạo, giang mai, sốt rét, …)
  • Ngộ độc thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Ví dụ ăn thịt bị nhiễm bệnh, thịt sống hoặc các sản phẩm để lâu ngày và bị nhiễm khuẩn.
  • Các thuốc đang sử dụng cũng có thể làm tăng nguy cơ sảy thai như misoprostol, retinoids, methotrexate, NSAIDS. Mẹ bầu hãy đảm bảo rằng các thuốc đang sử dụng là an toàn cho phụ nữ có thai. Tốt nhất mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.[2]

Thai lưu là gì?

Thai lưu là việc thai nhi bị chết trước hoặc trong khi sinh. Khác với sảy thai, thai lưu xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ. Thai lưu được phân loại thành thai lưu sớm, muộn và đủ tháng. Trong đó:

Rất nhiều trường hợp, dù đang khỏe mạnh nhưng thai vẫn bị chết trong bụng mẹ mà không thể giải thích được. Tuy nhiên, một số nguyên nhân phổ biến nhất của thai lưu có thể do:

  • Nguyên nhân chính: Các biến chứng của nhau thai (ví dụ nhau thai tách khỏi tử cung,…) bởi nhau chính là cầu nối quan trọng để mẹ cung cấp đủ máu và dinh dưỡng nuôi lớn em bé trong bụng.
  • Nguyên nhân khác bao gồm: Chảy máu trước hoặc trong khi sinh, tiền sản giật, vấn đề liên quan đến dây rốn (sa dây rốn, dây rốn thắt quanh em bé), ứ mật sản khoa, khiếm khuyết di truyền, tiền sử tiểu đường hoặc mẹ bầu bị nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ thai lưu trong quá trình mang thai.

  • Sinh đôi hoặc đa thai
  • Em bé không phát triển như bình thường khi còn trong bụng mẹ
  • Thai phụ lớn hơn 35 tuổi
  • Hút thuốc, uống rượu, lạm dụng thuốc khi mang thai
  • Béo phì trong đó chỉ số BMI >30
  • Mắc một số bệnh trước đó như động kinh, huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch, …[4]

Có thể thấy, những nguyên nhân gây sảy thai hoặc thai lưu có một vài điểm chung. Do đó, để thai nhi ra đời khỏe mạnh, mẹ bầu cần hết sức chú ý những nguyên nhân trên đây để phòng và tránh xảy ra điều không mong muốn với thai nhi.

Thai lưu
Thai lưu là biến chứng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào với nhiều nguyên nhân không thể xác định

Dấu hiệu thai lưu cần đặc biệt chú ý

Nếu biết trước được những dấu hiệu của thai lưu, thì mẹ bầu có thể lập tức nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ và ngăn chặn việc mất thai. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm, sẽ khó để người mẹ có thể phát hiện ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác lạ của thai nhi. Nhưng đến các giai đoạn sau, các triệu chứng rõ ràng hơn, dễ nhận thấy hơn.  Người mẹ cần đặc biệt chú ý nếu thai có những dấu hiệu sau đây:

Thai nhi ngừng chuyển động

Dấu hiệu phổ biến nhất của thai lưu là khi mẹ cảm thấy thai ngừng di chuyển và ngừng quẫy đạp. Tuy không phải là dấu hiệu xuất hiện đầu tiên, nhưng đây là cảnh báo về nguy cơ thai lưu rất cao.

Chuyển động chính là dấu hiệu cho thấy bé con đang lớn lên khỏe mạnh trong bụng mẹ. Những chuyển động này sẽ tăng lên và ngày càng đa dạng theo thời gian. Dần dần, mẹ có thể nắm được chu kỳ chuyển động của thai, tần suất, thời điểm bé thích chuyển động nhất,… Nếu lúc nào đó, bạn thấy số lần bé chuyển động giảm đáng kể hoặc không đủ 10 lần trong 2h thì cần phải đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn.

Đau bụng, ra máu âm đạo

Trên thực tế, không phải trường hợp nào thai lưu cũng ra máu âm đạo. Nhưng trong quá trình mang thai mà chảy máu vùng kín là đặc biệt nguy hiểm. Bởi người mẹ sẽ không thể có kinh nguyệt trong suốt 9 tháng thai kỳ, nên mẹ đừng nhầm lẫn với kỳ hành kinh thông thường. Và tùy từng giai đoạn, chảy máu thai lưu sẽ khác nhau.

Ở những giai đoạn đầu của thai, tình trạng này có thể kéo dài 2-3 ngày sau đó ít dần. Đôi lúc, máu có màu đỏ sẫm, hồng hoặc màu vàng. Càng để lâu, máu càng có màu nhạt hơn. Còn ở giai đoạn sau, máu có thể ít hơn đồng thời kèm theo nhiều dấu hiệu rõ ràng khác như thai ngừng chuyển động, chảy máu đen, … Đôi khi cùng với đó là các đợt co thắt tử cung khiến mẹ bầu nhầm là thai đang đạp.

Xét nghiệm xác định thai lưu

Thông qua siêu âm hoặc xét nghiệm máu, bác sĩ có thể xác định được thai lưu hay không:

  • Siêu âm thai: Đây là phương pháp phổ biến giúp xác định tim thai. Nếu sau siêu âm, thai có biểu hiện sau đây: không thấy tim thai, chồng khớp sọ, túi ối không phù hợp với tuổi thai, ít hoặc không có nước ối, đầu thai méo mó; thì rất có thể thai nhi đã chết.
  • Định lượng HCG: Chỉ số này có thể đánh giá thông qua xét nghiệm nước tiểu hay xét nghiệm máu. Trong đó, HCG là hormon tham gia quá trình kích thích tế bào thai phát triển, tiết hormon sinh dục. Nếu chỉ số HCG trong nước tiểu (hoặc máu) đo trong 2 lần liên tiếp, lần 2 thấp hơn và không phù hợp với tuổi thai thì có khả năng thai lưu.
  • Định lượng Fibrinogen trong máu: Chỉ số này đánh giá khả năng đông máu để quyết định có nên can thiệp lấy thai ra ngoài hay không.
sieu-am-dinh-ky-kiem-tra-suc-khoe-thai-nhi
Siêu âm là phương pháp đơn giản có độ chính xác cao trong xác định tim thai

Những dấu hiệu sảy thai cần đặc biệt lưu ý

Đau vùng xương chậu do co thắt tử cung

Khi thai nhi ngày càng lớn lên, tình trạng đau xương chậu là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng mẹ bầu có thể nhầm lẫn đau vùng xương chậu với đau do co thắt tử cung dọa sảy. Bởi khi dọa sảy hoặc sảy thai, sản phụ sẽ xuất hiện những cơn đau vùng bụng dưới, kèm theo co thắt mạnh, từng cơn, bụng hơi cứng và có chảy máu bất thường vùng âm đạo. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý những dấu hiệu này, để tránh nhầm lẫn triệu chứng của đau xương chậu thông thường và đau do sảy thai.

Xuất huyết âm đạo

Dấu hiệu phổ biến nhất của sảy thai là chảy máu âm đạo. Tình trạng này biểu hiện rất đa dạng và có thể kéo dài đến vài ngày. Ví dụ chảy máu ít, máu có màu nâu, đến chảy máu nhiều và máu có màu đỏ tươi hoặc có cục máu đông. Một điều cần lưu ý, trong 3 tháng đầu, lượng máu ra có thể ít và cũng chưa chắc là dấu hiệu của sảy thai.

Theo thống kê, 25% phụ nữ mang thai sẽ xuất huyết nhẹ vài tuần đầu. Nhưng một nửa trong số đó có nguy cơ sảy thai rất cao. Số còn lại xuất huyết do máu báo thai, chảy máu dưới màng đệm, động thai, thay đổi hormon, thai ngừng phát triển, mang thai ngoài tử cung, sảy thai không hoàn toàn hoặc do chửa trứng. Do đó, dù không phải toàn bộ trường hợp chảy máu âm đạo ở tam cá nguyệt đầu tiên đều nguy hiểm, nhưng mẹ bầu vẫn nên tìm gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.[5]

Cổ âm đạo mở bất thường

Trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ, khi bác sĩ khám vùng kín của phụ nữ đang mang thai, nếu thấy cổ âm đạo mở ra, nhìn thấy thai hoặc nhau thai do thai xuống thấp thì khả năng cao là sảy thai.

Bên cạnh ba dấu hiệu chính này, thai phụ có thể xuất hiện các triệu chứng sảy thai khác như:

  • Đau phần bụng dưới, chuột rút
  • Tiết dịch nhầy từ vùng âm đạo
  • Không còn các triệu chứng khi mang thai như người mệt mỏi, đau tức ngực, …
bat-thuong-trong-thai-ky
Theo dõi bất thường khi mang thai giúp chẩn đoán sớm các nguy cơ sảy thai, lưu thai

Giải đáp thắc mắc về sảy thai và lưu thai

Câu hỏi 1:  Sau khi bị thai lưu có dễ mang thai lại không?

Trả lời: Tùy thuộc vào sức khỏe thể chất và tinh thần của người mẹ. Nếu cả hai yếu tố đã hoàn toàn khỏe mạnh và mẹ sẵn sàng mang thai cho lần tiếp, thì mẹ dễ dàng mang thai lại như bình thường.

Giải thích: Giống như sảy thai, thai lưu có những tác động nhất định lên cơ thể mẹ. Nhưng những thương tổn này hoàn toàn có thể hồi phục lại nếu mẹ được chăm sóc kỹ lưỡng từ thể chất đến tinh thần. Người mẹ khỏe mạnh, chức năng sinh sản hồi phục, tinh thần sảng khoái, tư tưởng thoải mái thì mẹ hoàn toàn có thể mang thai lại. Và thời gian thích hợp để mang thai lại là từ 3-6 tháng tính từ thời điểm lấy thai lưu ra khỏi cơ thể.

Câu hỏi 2: Thai lưu bao lâu thì phải lấy ra

Trả lời: Nhìn chung, dù thai đã chết nhưng vẫn an toàn cho mẹ nếu tiếp tục mang con trong tử cung khoảng 2 tuần sau đó. Nếu sau 2 tuần mà cơ thể không thể tự đẩy thai ra ngoài tự nhiên thì sẽ cần các thủ thuật can thiệp. Tùy vào số tuần tuổi thai nhi mà có cách xử lý thai chết lưu khác nhau để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. [6]

Có nhiều biện pháp để đưa thai nhi ra ngoài. Khi thai còn nhỏ (thường dưới 7 tuần), thai tự tiêu biến hoặc bác sĩ có thể cho sản phụ dùng thuốc hoặc nạo hút thai. Sau đó thai nhi sẽ được đưa ra ngoài thông qua cửa tử cung của người mẹ.

Nếu thai đã lớn (từ 8 tuần trở lên) thì việc đưa thai ra ngoài thường nguy hiểm hơn. Nên trong đa số trường hợp thai lưu sẽ cần bác sĩ can thiệp đưa thai ra ngoài theo 3 phương pháp chính: gây khởi phát chuyển dạ, nong cổ tử cung và hút thai hoặc mổ lấy thai.

Câu hỏi 3: Chăm sóc phụ nữ sau sảy thai, thai lưu như thế nào?

Trả lời: Sau sự kiện sảy thai và thai lưu, việc chăm sóc phụ nữ vô cùng quan trọng bởi nó liên quan đến sức khỏe và khả năng tạo thế hệ mới sau này.

  • Về thể chất: Hãy để người phụ nữ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Sử dụng thuốc, thức ăn hàng ngày hoặc thực phẩm bổ sung để cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Đồng thời, chị em nên tập thể dục hàng ngày, theo dõi nhiệt độ cơ thể, giữ vệ sinh đúng cách, đặc biệt vùng âm đạo, uống đủ nước và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, khoa học.
  • Về tinh thần: người thân và gia đình cần tạo không gian thoải mái để người mẹ có thể tâm sự, sẻ chia những nỗi buồn trong lòng. Nhờ đó sẽ giúp mẹ giảm cảm giác tiếc nuối, đau lòng, nhanh chóng vui vẻ trở lại.

Bài viết trên đây đã giúp các bạn giải đáp thắc mắc sảy thai và thai lưu có giống nhau không?. Để được tư vấn thêm về sức khỏe sinh sản nói chung và sức khỏe thai kỳ nói riêng, các bạn vui lòng truy cập tại ĐÂY hoặc liên hệ hotline 1900 636 985. Chúc mẹ bầu cũng người thân trang bị được thật nhiều kiến thức để giúp mẹ bầu luôn khỏe mạnh suốt thai kỳ nhé!

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 Everything you need to know about miscarriage. Ngày truy cập: 24/4/2022.
https://www.healthline.com/health/miscarriage
2 Miscarriahge. Ngày truy cập: 24/4/2022. https://www.nhs.uk/conditions/miscarriage/causes/
3 What is stillbirth? Ngày truy cập: 24/4/2022. https://www.cdc.gov/ncbddd/stillbirth/facts.html#:~:text=A%20stillbirth%20is%20the%20death,to%20when%20the%20loss%20occurs.
4 Stillbirth:Causes. Ngày truy cập: 24/4/2022. https://www.nhs.uk/conditions/stillbirth/causes/
5 Miscarriage: Symptoms. Ngày truy cập: 24/4/2022.
https://www.nhs.uk/conditions/miscarriage/symptoms/
6 Stillbỉth:surviving emotionally. Ngày truy cập: 24/4/2022. https://americanpregnancy.org/getting-pregnant/pregnancy-loss/stillborn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *