Thai chậm phát triển trong tử cung sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với thai nhi? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và phòng ngừa như thế nào? Để hiểu rõ hơn về tình trạng thai chậm phát triển, các mẹ hãy tham khảo những chia sẻ dưới đây của ThS.BS. Vũ Thanh Bình.
Thế nào là thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR)?
Thai chậm phát triển trong tử cung là khi em bé trong bụng mẹ không phát triển về kích thước như mong đợi. Đồng nghĩa với việc em bé không lớn lên hoặc lớn chậm theo tuần tuổi thai.
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung được chia làm hai loại:
- IUGR đối xứng: Tất cả các bộ phận trên cơ thể em bé đều chậm phát triển như nhau.
- IUGR không đối xứng: Đầu và não của bé phát triển kích thước bình thường. Tuy nhiên phần còn lại của cơ thể thì chậm phát triển. Đây được gọi là thể suy dinh dưỡng.
Chậm phát triển làm cho em bé có nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe trong quá trình mẹ mang thai, sinh nở và sau khi sinh.

Ảnh hưởng của thai chậm phát triển trong tử cung
Quá trình thai chậm phát triển trong tử cung sẽ dẫn đến một số hậu quả sau:
- Trẻ có cân nặng lúc sinh thấp.
- Không thể tạo áp lực vùng chậu khi sinh qua đường âm đạo.
- Trẻ thiếu oxy có thể dẫn đến suy hô hấp.
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).
- Dễ bị nhiễm trùng do khả năng chống nhiễm trùng thấp.
- Điểm Apgar thấp: Đây là thang điểm được thực hiện ngay sau khi sinh để đánh giá tình trạng thể chất của trẻ sơ sinh thích ứng với môi trường bên ngoài và xác định xem cần nhu cầu chăm sóc y tế đặc biệt hay không.
- Hội chứng hít phân su: Trẻ ra phân su sớm hơn khi còn trong bụng mẹ, gây nguy cơ hít phân su vào phổi. Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp như suy hô hấp, viêm phổi,…
- Khó điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
- Số lượng tế bào hồng cầu cao bất thường – đa hồng cầu.
Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, tình trạng thai chậm trong tử cung có thể dẫn đến thai chết lưu. Tình trạng này cũng có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng sự tăng trưởng và phát triển của trẻ về lâu dài.

Nguyên nhân nào gây ra thai chậm tăng trưởng trong tử cung?
Thai chậm tăng trưởng trong tử cung có thể có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến là do nhau thai có vấn đề. Trong khi đó, nhau thai là mô liên kết với mẹ và thai nhi, mang oxy và chất dinh dưỡng đến em bé và cho phép thải các chất cặn bã ra khỏi cơ thể em bé.
Các nguyên nhân từ nhau thai có thể bao gồm:
- Trọng lượng nhau thai thấp (trọng lượng dưới 350 gam).
- Mạch máu tử cung bất thường.
- Rối loạn chức năng nhau thai (PIH, tiền sản giật).
- Dây rốn một động mạch.
- Nhau bong non.
- U máu nhau thai.
- Đa thai.
Tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung cũng có thể xảy ra do một số vấn đề sức khỏe ở người mẹ, chẳng hạn như:
- Tuổi của bà mẹ: Dưới 16 tuổi và trên 35 tuổi
- Tình trạng kinh tế xã hội thấp và quốc gia đang phát triển
- Lạm dụng chất kích thích ở mẹ: Hút thuốc cả chủ động và thụ động, rượu, ma túy bất hợp pháp như cần sa hoặc cocaine, v.v.
- Thuốc sử dụng có thể bao gồm: Warfarin, steroid, thuốc chống co giật, thuốc chống ung thư, chất chống chuyển hóa và thuốc đối kháng axit folic
- Công việc thể lực vừa phải đến nặng.
- Chiều cao và cân nặng trước khi mang thai của bà mẹ: BMI dưới 20, cân nặng dưới 45 kg và hơn 75 kg.
- Sinh con nhiều hơn 5 lần.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai dưới 6 tháng hoặc 120 tháng trở lên.
- Trước đó sinh một trẻ sơ sinh có chậm tăng trưởng tử cung.
- Mẹ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
- Khi mang thai tăng cân kém.
- Bệnh hen phế quản ở mẹ, bệnh tim bẩm sinh tím tái.
- Rối loạn miễn dịch và huyết học.
- Bệnh nền của mẹ như: Rối loạn tăng huyết áp (thai kỳ và không mang thai), tiểu đường liên quan mắc bệnh mạch máu, bệnh thận mãn tính, lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid, bệnh hồng cầu hình liềm,…
- Tình trạng bệnh lý trong thai kỳ như tiền sản giật và đái tháo đường liên quan đến bệnh mạch máu.
- Nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng ở mẹ như: TORCH, sốt rét, lao, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm âm đạo do vi khuẩn
Các nguyên nhân khác của thai nhi bao gồm dị tật nhiễm sắc thể ở trẻ hoặc do đa thai (sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều hơn).

Biểu hiện của thai chậm tăng trưởng trong tử cung?
Triệu chứng chính của IUGR là trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai. Cụ thể, cân nặng ước tính của em bé dưới phân vị thứ 10 – hoặc thấp hơn 90% so với trẻ cùng tuổi thai.
Tùy thuộc vào nguyên nhân của IUGR, em bé có thể nhỏ toàn thân hoặc suy dinh dưỡng. Bé có thể gầy, nhợt nhạt, có làn da khô, cơ thể không cứng cáp, rốn thường mỏng và xỉn màu thay vì dày và bóng.
Mẹ cần lưu ý rằng không phải tất cả trẻ sơ sinh nhỏ con đều là do chậm phát triển trong tử cung.
Làm sao để chẩn đoán IUGR?
Các bác sĩ có nhiều cách để ước tính kích thước của thai nhi. Một trong những cách đơn giản và phổ biến nhất là đo khoảng cách từ đỉnh tử cung của mẹ đến xương mu. Sau tuần thứ 20 của thai kỳ, số đo tính bằng cm tương ứng với số tuần của thai kỳ.
Số đo thấp hơn mong đợi có thể cho thấy em bé không phát triển như bình thường.
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán IUGR và đánh giá sức khỏe của em bé bao gồm:
Siêu âm bụng hoặc siêu âm qua ngã âm đạo
Đây là xét nghiệm chính để kiểm tra sự phát triển của em bé trong tử cung. Siêu âm sử dụng tần số sóng thích hợp để tạo ra hình ảnh của em bé trên màn hình. Hình ảnh siêu âm cho phép bác sĩ nhìn thấy em bé trong tử cung bằng một thanh di chuyển trên bụng của mẹ.
Siêu âm có thể được sử dụng để đo đầu và bụng của em bé. Bác sĩ có thể so sánh các số đo đó với biểu đồ tăng trưởng để ước tính cân nặng của em bé. Siêu âm cũng có thể được sử dụng để xác định lượng nước ối trong tử cung. Lượng nước ối thấp có thể gợi ý tình trạng chậm tăng trưởng trong tử cung.
Siêu âm Doppler là một kỹ thuật sử dụng tần số sóng phù hợp để đo lượng và tốc độ của dòng máu chảy qua các mạch máu. Các bác sĩ có thể sử dụng xét nghiệm này để kiểm tra lưu lượng máu trong dây rốn.

Kiểm tra cân nặng của mẹ
Các bác sĩ thường xuyên kiểm tra và ghi lại cân nặng của mẹ vào mỗi lần khám thai. Nếu một người mẹ không tăng cân, điều đó có thể cho thấy trẻ có vấn đề về tăng trưởng.
Theo dõi tình trạng thai nhi qua monitor
Xét nghiệm này bao gồm đặt các điện cực trên bụng của mẹ. Các điện cực được giữ cố định bằng một dây đeo có thể co giãn và được gắn vào màn hình. Các cảm biến sẽ đo tốc độ, nhịp tim của em bé và hiển thị chúng trên màn hình hoặc in ra trên giấy.
Chọc ối
Trong thủ thuật này, một cây kim được đâm qua da bụng của mẹ và vào tử cung để rút một lượng nhỏ nước ối làm xét nghiệm. Các xét nghiệm từ nước ối có thể phát hiện nhiễm trùng hoặc một số bất thường về nhiễm sắc thể có thể dẫn đến hạn chế tăng trưởng trong tử cung.
Việc điều trị thai chậm tăng trưởng trong tử cung như thế nào?
Mặc dù tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung có thể xảy ra ngay cả khi người mẹ hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên có một số lưu ý mà người mẹ có thể làm để giảm nguy cơ mắc IUGR và giúp em bé khỏe mạnh. Bao gồm:
- Khám thai định kỳ theo lịch của bác sĩ: Điều này giúp bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn và đưa ra kế hoạch quản lý thai nghén thích hợp.
- Hãy để ý đến những chuyển động của bé (thai máy): Việc theo dõi chuyển động của em bé trong thai kỳ là rất quan trọng. Hầu hết phụ nữ thường bắt đầu cảm thấy em bé chuyển động từ tuần thứ 16 đến 24 của thai kỳ. Nếu bạn nghĩ rằng chuyển động của em bé có bất thường so với thường ngày như ít hơn hoặc không có. Điều quan trọng là cần phải liên hệ với đơn vị Sản phụ khoa ngay lập tức. Luôn có một nữ hộ sinh túc trực 24/24 trong các bệnh viện có khoa sản.
- Kiểm tra thuốc trước khi sử dụng: Đôi khi, một loại thuốc mà người mẹ đang dùng gây một vấn đề sức khỏe khác có thể ảnh hưởng thai nhi. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Ăn uống lành mạnh: Thực phẩm lành mạnh và lượng calo dồi dào giúp con bạn được nuôi dưỡng tốt.
- Nghỉ ngơi nhiều: Nghỉ ngơi sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn và thậm chí nó có thể giúp thai nhi phát triển. Cố gắng ngủ đủ 8 tiếng (hoặc hơn) mỗi đêm. Một hoặc hai giờ nghỉ ngơi vào buổi chiều cũng rất tốt cho bạn.
- Tập thói quen sống lành mạnh: Nếu bạn uống rượu, dùng ma túy, hoặc hút thuốc, hãy dừng lại vì sức khỏe của thai nhi.

Tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung có ảnh hưởng gì đến việc sinh con?
Đa số những phụ nữ có thể thử sinh ngả âm đạo, nếu không có biến chứng nào khác. Tuy nhiên nhiều khả năng mẹ có thể sinh sớm hơn 1 tuần so với ngày dự sinh hoặc có thể là vài tuần trước đó, tùy thuộc vào tình trạng của em bé. Một số em bé có thể quá nhỏ để vượt cạn và sinh thường qua ngã âm đạo. Trường hợp này mẹ có thể được khuyên sinh mổ. Bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ phương pháp sinh tốt nhất với tùy trường hợp của mẹ và con.
Tùy thuộc vào thời điểm và cách thức sinh con, mẹ có thể được cung cấp thuốc Steroid tiêm bắp để giúp phát triển phổi của thai nhi trong khoảng từ 24-34 tuần thai giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp với những trẻ có nguy cơ sinh non. Mẹ cũng có thể được cung cấp magie sulphat, một loại thuốc được dùng trước khi sinh để giảm nguy cơ bại não khi trẻ sinh non dưới 32 tuần.
Tình trạng IUGR có ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo không?
Nếu bạn mang thai nhiều hơn 1 lần, nguy cơ sinh con có IUGR ở lần sinh tiếp theo sẽ cao hơn một chút. Tuy nhiên mẹ có thể giảm nguy cơ mắc bằng cách sống một lối sống lành mạnh. Bao gồm:
- Không hút thuốc, không uống rượu.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
- Không sử dụng thuốc hoặc kích thích, đặc biệt là cocaine.
- Khám thai sớm khi biết đã có thai để lên kế hoạch quản lý thai nghén
- Trong lần mang thai tiếp theo, bác sĩ có thể kê aspirin liều thấp cho mẹ kể từ tuần thứ 12 của thai kỳ.
Cố gắng đừng lo lắng quá nếu mẹ muốn mang thai lần nữa. Việc chăm sóc của mẹ có thể phụ thuộc vào những yếu tố nguy cơ mà mẹ có. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng sinh con chậm tăng trưởng trong tử cung, bác sĩ sẽ theo dõi mẹ chặt chẽ trong lần mang thai tiếp theo.

Quản lý thai nghén là một trong những việc quan trọng để theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ ở từng giai đoạn. Nếu mẹ được chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung, điều đầu tiên mẹ đừng quá lo lắng. Việc lo lắng quá mức sẽ không tốt đến thai nhi. Lúc này, hãy cùng bác sĩ tìm nguyên nhân làm trẻ chậm tăng trưởng có thể khắc phục được. Đồng thời cùng bác sĩ theo dõi chặt chẽ tình trạng của thai nhi để đạt được kết quả tốt nhất.
Hỏi – Đáp
1. Tôi bị canxi hóa độ 3. Bé chậm phát triển. Phải chích trưởng thành phổi cho bé. Nay 35w bé được có 1950. Bác sĩ khuyên e chấm dứt thai kỳ sớm ở tuần 37w để tránh trường hợp bị suy.
Trong trường hợp này, cần phải đánh giá nhiều về tình trạng của em bé, thời gian đình chỉ chấm dứt thai kỳ. Về vấn đề chấm dứt thai kỳ thì cần phải theo dõi sát sao tình trạng của em bé. Nếu trong trường hợp 34w em bé phát triển bình thường, bạn vẫn có thể kéo dài thai kỳ thêm được.
2. 12w làm double test thì Trysomy 13 và Trysomy 18 nguy cơ cao. Đến tuần 16 siêu âm hình thái đa dị tật tay hình càng cua, không thấy xương mũi, hở hàm ếch 2 bên nên em buộc phải dừng thai kỳ. Em thật sự rất buồn và vẫn chưa chấp nhận được việc mất con. Em rất muốn mang thai lại ngay. Bác sĩ tư vấn giúp em trường hợp của em khi nào thì có thể thả bầu lại và vợ chồng em có cần làm xét nghiệm về NST hay chuẩn bị những gì cho lần mang thai sắp tới này để con lành lặn khoẻ mạnh ạ?
Trong trường hợp của bạn, đầu tiên bạn cần làm xét nghiệm NST đồ để xem vợ chồng có bất thường về NST hay không. Mặc dù bất thường về Trysomy có thể xảy ra đột biến ở con nhưng cũng có thể bất thường NST ở thể khảm.
3. Em bầu mà thai nhỏ hơn so với tuổi thai, em đang bị viêm tiết niệu có phải vì vậy mà bé chậm phát triển không?
Thai nhỏ hơn so với tuổi thai và thai chậm tăng trưởng là hai cái khác nhau. Ngoài ra, viêm tiết niệu không phải là nguyên nhân dẫn đến thai nhỏ.