Chăm sóc trẻ sơ sinh là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận của người mẹ. Nhất là trong những tuần đầu tiên của em bé sơ sinh, mẹ còn lóng ngóng và vụng về. Để có thêm những kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, mẹ hãy tham khảo thêm những thông tin hữu ích sau đây nhé.
Trẻ sơ sinh là bao nhiêu tháng?
Trẻ trong giai đoạn từ khi sinh ra đến 30 ngày được gọi là sơ sinh. Trong giai đoạn này trẻ còn rất yếu nếu không được chăm sóc cẩn thận. Để trẻ được khỏe mạnh thì trẻ cần được theo dõi sát và chăm sóc ngay từ khi mới được sinh ra.
Trẻ sơ sinh đủ tháng
Trẻ sơ sinh đủ tháng là khi tuổi thai đạt từ 37 – 42 tuần và trung bình khoảng 40 tuần hay 280 ngày thì bé được sinh ra. Hay nói một cách dễ hiểu thì bé sơ sinh đủ tháng được sinh ra trong khoảng từ tuần thứ 37 – tuần thứ 42.
Với những em bé sơ sinh đủ tháng sẽ có một số đặc điểm như:
Trọng lượng đạt 3kg- 3,4kg đối với bé trai và bé gái từ 2,8kg – 3,2kg
- Chiều dài cơ thể: 50cm
- Vòng đầu: 34cm – 35cm
- Vòng ngực: 33cm – 34cm
Trẻ sơ sinh thiếu tháng
Trẻ sơ sinh thiếu tháng (trẻ sinh non) là những em bé sinh ra trước 37 tuần tuổi (tính từ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối). Nếu không nhớ ngày kinh cuối, có thể dựa vào các dẫn chứng lâm sàng để xác định tuổi thai.
Một số đặc điểm của trẻ sinh no mà cha mẹ cần phải chú ý.
- Từ 35 – 36 tuần tuổi: nặng 2,3kg – 2,5kg, chiều dài: 46cm – 47cm, vòng đầu: 32,2cm – 32,8cm.
- Từ 33 – 34 tuần tuổi: nặng 1,9kg – 2,1kg, chiều dài: 43cm – 45cm, vòng đầu: 30cm – 31cm.
- Từ 31 – 32 tuần tuổi: nặng 1,55kg – 1,7kg, chiều dài: 41cm – 42cm, vòng đầu: 29cm – 30cm.
Trẻ sơ sinh phát triển theo từng tháng
Giai đoạn từ 0 – 1 tuổi chính là giai đoạn bé có nhiều cột mốc phát triển quan trọng mà cha mẹ vô cùng ngỡ ngàng trước sự thay đổi đó.
Tháng đầu tiên bé có thể xoay đầu sang các bên, tay của bé đã có thể giữ và nắm chặt các vật. Đặc biệt bé có thể nhận biết được mùi của mẹ, hoặc có tác động phản xạ khi nghe thấy tiếng động.
Tháng thứ 2 bé có thể mỉm cười với mọi người xung quanh, đưa tay vào miệng hoặc có thể ngóc đầu dạy.
Tháng thứ 3 em bé có cầm nắm các vật một cách dễ dàng, đồng thời bé cũng quan sát được các vật chuyển động. Trong giai đoạn này bé bắt đầu học lẫy, có thể tự nâng đầu và ngực.
Tháng thứ 4 bé biết cười, phản ứng với những thứ xung quanh. Đầu của bé cũng có thể giữ thẳng khi không cần ai nâng đỡ.
Khi được 5 tháng bé có thể ngồi được lâu hơn khi có người nâng đỡ và có thể ngủ một mạch đến sáng mà không thức giấc.
Tháng thứ 6 bé có thể phản ứng lại khi được gọi tên, và có thể tự ngồi mà không cần mẹ phải đỡ. Trong giai đoạn này có bé đã bắt đầu mọc răng rồi đó.
Khi được 7 tháng tuổi mẹ có thể nhìn bé dùng tay để lấy đồ vật và có thể chuyển vật từ tay này sang tay khác. Đồng thời bé có thể phân biệt cảm xúc thông qua giọng nói và ngữ điệu.
Từ tháng thứ 8 bé đã biết lo lắng khi phải xa mẹ, đồng thời bé cũng biết kéo hoặc đu người lên.
Tháng thứ 9 bé đã biết chọn và chơi với đồ chơi, đồng thời có thể tạo ra nhiều âm thanh khác nhau để thu hút sự chú ý của mọi người.
Từ tháng thứ 10 bé có thể tự cầm cốc để uống nước và thực hiện một số mệnh lệnh đơn giản của mẹ.
Khi được 11 tháng bé có thể tự đứng lâu hơn mà không cần mẹ đỡ, biết nổi giận và tự cầm thức ăn cho vào miệng.
Khi được 12 tháng tuổi bé có thể tự đứng lên và tập đi, dùng ngón tay để chỉ trỏ hay chú ý vào lời nói của cha mẹ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh
Việc chăm sóc trẻ mới sinh thực ra cũng không quá khó khăn, phức tạp như trong tưởng tượng của mẹ, để chăm sóc bé một cách tốt nhất mẹ nên tham khảo những bí quyết sau đây.
Chăm sóc trẻ khi bú sữa
Phản xạ của trẻ sơ sinh còn rất non nớt, nếu không có sự hỗ trợ từ mẹ thì bé rất dễ bị ọc sữa hay nôn trớ rất nguy hiểm. Để khắc phục vấn đề này, khi cho trẻ bú, mẹ cần thực hiện đúng thao tác, bế đứng và khum tay vỗ nhẹ phía sau lưng sau khi ăn để trẻ không bị sặc.
Khi ngủ, nên để phần đầu của trẻ cao hơn một chút hoặc cho trẻ nằm nghiêng để tránh trường hợp bị sặc. Tuyệt đối không để trẻ nằm sấp vì trẻ có thể bị ngạt thở.
Chăm sóc trẻ khi tắm
Trước khi đi tắm, bạn nên chuẩn bị đầy đủ khăn, tã, quần áo, nước tắm, thuốc nhỏ mắt, mũi,… để đảm bảo trẻ được giữ ấm ngay sau khi tắm xong. Nơi tắm cũng phải kín gió và không nên tùy tiện sử dụng các loại lá để tắm cho trẻ. Nếu trời lạnh, không cần tắm cho trẻ hàng ngày.
Rốn là bộ phận rất dễ nhiễm trùng với trẻ sơ sinh, nên cha mẹ cần chăm sóc rốn cho trẻ hàng ngày. Mỗi khi tắm xong, chỉ cần vệ sinh rốn bằng nước muối sinh lý rồi lau khô là được. Nếu muốn trẻ mau rụng rốn thì cần để rốn thông thoáng, không nên bôi hay sử dụng hóa chất để rửa rốn cho trẻ.
Quấn tã và đội mũ cho trẻ
Không nên quấn tã quá chặt vì điều này sẽ khiến trẻ bị nóng, khó chịu và bí bách. Quấn tã chặt con khiến khớp háng của trẻ bị buộc phải duỗi thẳng và hướng về phía trước làm ảnh hưởng đến sự phát triển chân sau này.
Cha mẹ cũng không nên đội mũ cho trẻ cả ngày lẫn đêm dù là trời lạnh. Trẻ sơ sinh thường thoát nhiệt qua da đầu, việc đội mũ thường xuyên sẽ khiến trẻ bị nóng, ngứa ngáy và quấy khóc. Nếu trời nóng thì bạn chỉ cần đội mũ che phần thóp của bé vào ban đêm khi ngủ hoặc khi ra ngoài.
Chăm sóc da, mắt, mũi, lưỡi
Các giác quan của trẻ sơ sinh còn rất non nớt, chính vì thế chúng cần được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận. Cần chú ý:
– Không để trẻ sơ sinh tiếp xúc với mỹ phẩm, xà phòng thô.
– Thay tã ngay khi trẻ làm ướt.
– Sử dụng các sản phẩm dịu nhẹ cho trẻ sơ sinh để tránh làm da bé bị hăm đỏ do phân, nước tiểu kích thích.
– Giữ cho làn da trẻ có độ ẩm phù hợp.
– Không để mắt trẻ tiếp xúc với hóa chất, nếu trẻ bị chảy nước mắt, xuất hiện ghèn thì chỉ cần vệ sinh bằng nước muối sinh lý.
– Dùng khăn mặt riêng và sạch sẽ để lau mặt cho bé.
– Vệ sinh các bộ phận như mũi, lưỡi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
Cách xoa bóp và massage cho trẻ mới sinh
Massage trẻ mới lọt lòng là một sự tương tác tuyệt vời để tạo nên sợi dây tiếp xúc, gắn kết và phát triển mối quan hệ giữa cha mẹ và bé. Hoạt động này đã được chứng minh là rất có lợi cho sự phát triển của trẻ nhỏ như:
– Giúp bé thư giãn
– Giúp phát triển sự yên tâm và tin cậy của bé đối với cha mẹ
– Massage có thể cải thiện giấc ngủ của bé
– Giúp tăng cường hệ miễn dịch
– Cải thiện lưu thông máu và tình trạng da
– Massage cho bé còn có thể hỗ trợ tiêu hóa
– Massage cũng có giúp cho trẻ mới lọt lòng giảm thiểu các triệu chứng như đau bụng và trào ngược.
Chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Rốn là một trong số những phần nhạy cảm của cơ thể trẻ sơ sinh nên cần đặc biệt chăm sóc tốt để đảm bảo các hốc rốn khô và dây rốn rụng tự nhiên mà không có bất kỳ tổn thương nào. Chăm sóc rốn của trẻ sơ sinh luôn cũng là một trách nhiệm vô cùng quan trọng đối với mẹ. Nếu không chú ý, rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm trùng và xảy ra nhiều biến chứng khác như chảy máu, xả chất lỏng có mùi trắng,…
– Luôn giữ cho rốn của trẻ khô và sạch sẽ nhất có thể.
– Rửa tay thật kỹ trước khi chăm sóc rốn cho trẻ. Nếu rửa tay không kỹ khi tiếp xúc với rốn của bé có thể dẫn đến nhiễm trùng.
– Trước khi cuống rốn khô và rụng, chú ý giữ tã của bé che hờ phần rốn và bụng để tránh mọi va chạm tới rốn.
– Khi tắm cho bé, tuyệt đối không để cuống rốn đụng nước, phải hoàn toàn khô ráo.
– Làm sạch vùng bụng và rốn của bé ít nhất một lần/ ngày. Để làm sạch nhẹ nhàng vùng rốn của trẻ, mẹ nên sử dụng tăm bông được nhúng vào nước đun sôi để nguội và nhẹ nhàng vỗ nhẹ khu vực này. Điều này sẽ giúp rốn khô nhanh chóng và giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng.
– Sau khi vệ sinh rốn đừng quên lau khô khu vực rốn và xung quanh. Mẹ tuyệt đối đừng nên dùng bông gòn để lau vì những sợi từ bông gòn thường dính vào rốn và có thể gặp khó khăn để lấy ra, gây các biến chứng khác cho rốn.
– Không sử dụng nước thơm, dầu gội để tắm hoặc rắc bột lên trên hoặc xung quanh rốn của bé.
Khoảng 1-3 tuần sau khi sinh, dây rốn của trẻ sẽ khô và rụng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu có tái chảy máu hoặc nhiễm trùng, hay có bất cứ bất thường nào mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa nhé. Đối với trường hợp, rốn bị rơi rụng, một số sẽ có hiện tượng chảy máu. Điều này khiến cha mẹ trẻ không khỏi lo lắng nhưng đôi khi đây là hiện tượng bình thường. Nó có thể mất 5-10 ngày để chữa trị và chăm sóc cho khu vực này sau khi rốn đã rụng.
Cách cho trẻ sơ sinh ngủ
Giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh là rất quan trọng. Thiếu ngủ hoặc ngủ không đủ giấc sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Thông thường, trẻ dưới 12 tháng tuổi sẽ ngủ từ 12-16 tiếng mỗi ngày, nhưng nếu không bế con trong lòng và đung đưa, con lại dễ giật mình thức giấc.
Bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non nớt, sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc bệnh. Sau đây là một số bệnh lý thường gặp ở em bé sơ minh mà cha mẹ cần chú ý để xử lý kịp thời, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Vàng da
Vàng da thường thấy trong vài ngày sau sinh, được chia làm 2 loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Cần quan sát màu da trẻ mỗi sáng để phát hiện mức độ vàng da của trẻ, ít nhất là liên tục trong 2 tuần đầu. Trẻ vẫn bú ngủ tốt khi vàng da sinh lý. Nhưng nếu vàng da tăng dần ở mắt hoặc da, đồng thời trẻ bú kém đi, khó thức dậy thì bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Mụn sữa
Trẻ sơ sinh có thể xuất hiện mụn sữa khoảng 2-3 tuần tuổi có thể do ảnh hưởng từ các hormone của mẹ hoặc hội chứng phì đại tuyến bã. Mụn nhỏ mọc nhiều ở má, trán, cằm, lưng và vùng da xung quanh tấy đỏ. Các mụn này là vô hại và sẽ không để lại sẹo, chỉ cần tắm hàng ngày cho bé và giữ sạch sẽ. Nếu mụn sữa không chấm dứt sau 3 tháng thì bạn cần đưa bé đến bác sĩ kiểm tra.
Cảm lạnh
Khi trẻ bị cảm lạnh thường có biểu hiện khò khè, hắt hơi, sổ mũi. Nguyên nhân thường do virus, thay đổi thời tiết, dị ứng hay bụi bẩn. Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ và mặc đủ ấm. Nếu có dịch mũi cần phải hút sạch, tránh nước mũi chảy ngược vào trong gây những biến chứng hô hấp khác.
Nấc
Nấc cụt thường gặp khi trẻ mới chào đời, trẻ nấc liên tục, tần suất khoảng 3 lần/ ngày và mỗi lần 3 phút. Để tránh nấc, bạn không nên đợi trẻ quá đói mới cho ăn, cũng không cho trẻ bú quá no. Sau khi ăn, nên bế trẻ đầu cao để dễ tiêu hóa. Bú sữa mẹ cũng là một cách chữa nấc hiệu quả. Tuy nhiên nếu nấc liên tục khiến trẻ mệt mỏi thì bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp khá đa dạng như sốt, nghẹt mũi, khò khè, nặng hơn có thể thở gấp, sốt cao, co giật, tím tái. Nếu trẻ có có những biểu hiện trên cần cho trẻ bú mẹ và đưa trẻ đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc.
Viêm phổi
Viêm phổi không chỉ là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh mà còn nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh không có dấu hiệu đặc biệt ở giai đoạn đầu, về sau trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sốt hoặc hạ thân nhiệt, thở nhanh hoặc khó thở. Viêm phổi diễn biến khó lường, do đó bạn cần phòng tránh bằng cách giữ ấm cho trẻ, bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng cho trẻ và giữ vệ sinh để tránh lây nhiễm vi khuẩn.
Tiêu chảy
Tiêu chảy cũng là một bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh tuy nhiên cũng không thể coi thường. Trẻ đi ngoài nhiều hơn bình thường, phân lỏng hoặc rất lỏng, mùi tanh. Bạn cần cho trẻ bú mẹ nhiều hơn đề bù đắp lượng nước đã mất khi tiêu chảy.
Trên đây là những thông tin liên quan đến trẻ sơ sinh, hy vọng bài viết này mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Trong quá trình nuôi con, mẹ hãy cố gắng giữ tâm lý thật thoải mái để có được thật nhiều sức khỏe để chăm sóc cho bé yên nhé.
__Vũ Thoa__