xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không, nên làm xét nghiệm nào?

Khi mang thai, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi sinh lý, đôi khi dẫn tới những bệnh lý nguy hiểm, trong đó phổ biến có đái tháo đường thai kỳ. Một trong những cách phát hiện bệnh sớm là thường xuyên kiểm tra nồng độ đường huyết. Vậy với mẹ bầu nói chung, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không? Hãy cùng Aplicaps tìm hiểu trong bài viết này nhé!

Biến chứng của tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu và thai nhi

Bà bầu bị đái tháo đường có nguy cơ mắc các biến chứng ở bất cứ giai đoạn nào trong thai kỳ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho thai phụ mà còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. [1]

Biến chứng ở mẹ bầu

Các biến chứng sau có thể gặp ở bất cứ bà bầu nào. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc thường cao hơn ở những bà bầu bị tiểu đường thai kỳ.

  • Sảy thai: Nếu mẹ bầu được chẩn đoán mắc đái tháo đường từ 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ sảy thai thường khá cao. Ngược lại, những bà bầu bị sảy thai nhiều lần cũng cần kiểm tra đường huyết thường xuyên.
  • Tăng huyết áp: Tăng huyết áp thai kỳ là một trong các yếu tố nguy cơ gây tiền sản giật, sản giật, sinh non, suy chức năng gan, suy chức năng thận, tai biến mạch máu não…
  • Sinh non: Tỷ lệ sinh non ở nhóm thai phụ không bị tiểu đường thai kỳ là 9,7% trong khi tỉ lệ này ở nhóm mắc tiểu đường thai kỳ lên tới 26%.
  • Nhiễm khuẩn niệu: Đây là biến chứng rất hay gặp ở bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ nhưng không kiểm soát được nồng độ glucose trong máu (thường là những thai phụ phát hiện bệnh muộn).
  • Đa ối: Tình trạng nước ối quá nhiều có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé: thai phụ khó thở, có thể dẫn tới suy hô hấp, phù tĩnh mạch chân, dị dạng thai nhi…
  • Các biến chứng khác về lâu dài: Sau khi sinh con, người mẹ từng bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và một số biến chứng vi mạch như ở mắt, thận… cao hơn bình thường.
Hiện tượng đa ối gây phù tĩnh mạch chi dưới
Hiện tượng đa ối gây phù tĩnh mạch chi dưới

Biến chứng ở thai nhi

  • Thai to quá mức: Đây là kết quả của quá trình tăng vận chuyển glucose từ mẹ sang thai nhi dẫn tới kích thích sự tăng trưởng ở thai nhi.
  • Dị tật bẩm sinh: Tỉ lệ mắc biến chứng này cao gấp 3 lần ở những trẻ sơ sinh có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ mà lượng đường huyết không được kiểm soát tốt từ sớm.
  • Bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý đường hô hấp: Tỉ lệ mắc các bệnh lý này ở trẻ sơ sinh có mẹ bị tiểu đường thai kỳ là 15 – 25%.
  • Tử vong sau sinh: Nhiều nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ là thiếu oxy và nhiễm toan máu.
  • Các biến chứng khác về lâu dài: Khi lớn lên, trẻ dễ bị béo phì và mắc đái tháo đường type 2 từ sớm.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không?

Có thể khẳng định, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một xét nghiệm quan trọng. Bởi tỷ lệ mắc bệnh hiện nay đang ngày càng tăng nhanh. Và như đã thấy, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé, không chỉ trong giai đoạn thai kỳ mà còn cả trong tương lai lâu dài.

Bên cạnh đó, khi mang bầu, các thay đổi về sinh lý khiến thai phụ tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ hơn người bình thường. Nhu cầu năng lượng ở bà bầu tăng nhưng lượng insulin tiết ra không đủ và rối loạn do nhau thai sản sinh nhiều nội tiết được coi là hai thay đổi chính dẫn tới bệnh lý.

Ngoài ra, một số bà bầu có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao hơn các bà bầu khác nếu họ có thêm những yếu tố nguy cơ cao như: béo phì, lớn tuổi (mang thai sau 35 tuổi), sinh nhiều con, tiền sử sinh con to, huyết áp cao, tiền sử gia đình hoặc bản thân mắc tiểu đường ở lần mang thai trước…

Các xét nghiệm tiểu đường thai kỳ quan trọng

Sau khi đã trả lời được câu hỏi Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không, bà bầu cần nắm được có những loại xét nghiệm nào để áp dụng cho phù hợp.

Tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Tầm soát đái tháo đường thai kỳ là xét nghiệm được sử dụng cho mọi phụ nữ đang mang thai trong tuần 24 đến tuần 28. Với những thai phụ có yếu tố nguy cơ, nên thực hiện tầm soát sớm hơn và lặp lại một lần nữa trong tuần 24 đến tuần 28 của thai kỳ.

Mô hình tầm soát phổ biến hiện nay là nghiệm pháp dung nạp glucose – 2 giờ. Nếu được chẩn đoán là mắc tiểu đường thai kỳ, thai phụ có thể tiếp tục theo dõi tiến triển của bệnh bằng cách xét nghiệm glucose máu mao mạch tại nhà bằng máy đo.

Nghiệm pháp dung nạp glucose

Để thực hiện nghiệm pháp này, thai phụ cần nhịn đói ít nhất 8 giờ trước đó. Sau đó, thai phụ được lấy máu tĩnh mạch vào 3 thời điểm: lúc đói, sau khi uống nước đường (được phát tại nơi làm xét nghiệm) 1 giờ và 2 giờ.

Mẹ bầu được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ khi giá trị đường huyết tại ít nhất một thời điểm đo lớn hơn hoặc bằng ngưỡng cho phép. Cụ thể như sau:

  • Lúc đói: ≥ 5,1 mmol/l.
  • Sau 1 giờ: ≥ 10,0 mmol/l.
  • Sau 2 giờ: ≥ 8,5 mmol/l.

Theo dõi glucose huyết tương mao mạch

Đo đường huyết tại nhà bằng máy đo

Đây là phương pháp giúp bà bầu có nguy cơ cao hoặc đã được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ kiểm soát các biến chứng tốt hơn. Bà bầu cần thực hiện phương pháp này 3 ngày/lần với máy đo đường huyết tại nhà vào 2 thời điểm: lúc đói và sau ăn 2 giờ.

Trong vòng 2 tuần, nếu có hơn một nửa số kết quả vượt mức cho phép, cần đi khám lại để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp hơn. Cụ thể các mức glucose máu mao mạch vượt quá ngưỡng cho phép như sau:

  • Lúc đói: > 5,3 mmol/l.
  • Sau ăn 2 giờ: > 6,7 mmol/l.

Một số cách hạn chế nguy cơ tiểu đường trong thai kỳ

Để việc kiểm soát nồng độ glucose trong máu đạt kết quả tốt nhất, bà bầu cần lưu ý những vấn đề sau:

Lựa chọn chế độ ăn uống thích hợp

Chế độ ăn uống nên được cá nhân hóa trên từng thai phụ dựa trên các yêu cầu chung sau: [2]

  • Hạn chế sử dụng muối (chỉ nên dùng < 5g muối iot/ngày), đặc biệt với người bị tăng huyết áp.
  • Hạn chế ăn các gia vị cay, nóng như tỏi, ớt, hạt tiêu…
  • Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, thịt cá nạc… Hạn chế thức ăn dầu mỡ, đồ ăn đóng gói sẵn…
  • Nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau (khoảng 15 – 20 loại/ngày).

Kiểm soát cân nặng trong suốt thai kỳ

Thai nhi phát triển dẫn tới việc thai phụ tăng cân trong quá trình mang thai là điều bình thường. Tuy nhiên, bà bầu cần lưu ý mức tăng cân ở mỗi người không giống nhau và phụ thuộc vào chỉ số BMI của người mẹ trước khi mang thai.

Ở những người có BMI trước mang thai càng cao thì mức tăng cân khuyến cáo trong thai kỳ càng thấp. Bà bầu nên nhờ bác sĩ tư vấn với trường hợp cụ thể của mình để kiểm soát cân nặng tốt nhất.

Có chế độ vận động hợp lý

Mẹ bầu nên tập luyện nhẹ nhàng tối thiểu 30 phút/ngày. Ngoài ra có thể vận động tay nhẹ nhàng trong vòng 10 phút sau ăn. Tuy nhiên không nên tập luyện vào lúc đói dễ dẫn tới tình trạng hạ đường huyết. [3]

Trên đây là những giải đáp xoay quanh câu hỏi “Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không?” Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ tới số hotline 1900 636 985 (nhánh số 2) để nhận được tư vấn từ các chuyên gia của Aplicaps.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Truy cập ngày 27/07/2022. https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2018/10/6a81da5f43944ad354051e2c69bb7e71-FINAL-%20HDQG%20Dai%20thao%20duong%20thai%20ky%2020.10.2018.pdf
2 Gestational diabetes diet. Truy cập ngày 02/08/2022. https://medlineplus.gov/ency/article/007430.htm
3 Exercising with Gestational Diabetes. Truy cập ngày 02/08/2022. https://www.diabetes.co.uk/gestational-diabetes/exercising-with-gestational-diabetes.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ