Hầu hết phụ nữ khi mang thai đều bị sưng phù bàn chân, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ. Phù chân tháng thứ 8 có xu hướng nặng nề hơn vào cuối ngày hay thời tiết nóng bức. Vậy, bà bầu bị phù chân tháng thứ 8 liệu có nguy hiểm và cần chú ý những điều gì, Aplicaps sẽ giải đáp cho bạn trong bài viết dưới đây!
Nguyên nhân gây phù chân tháng thứ 8 ở bà bầu
Trong tam cá nguyệt thứ 3, mẹ bầu rất dễ gặp tình trạng sưng phù bàn chân hơn bình thường. Điều này có thể do áp lực lớn từ thai nhi, chất lỏng tích tụ hoặc nội tiết tố thay đổi,… Cụ thể như sau:
Phù chân do áp lực từ thai nhi
Trong tháng thứ 8 thai kỳ, tử cung được mở rộng cùng với sự phát triển của thai nhi, tạo áp lực chèn ép lên tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới. Áp lực này cản trở quá trình lưu thông máu ở chân, khiến máu và các chất lỏng bị chèn ép vào các mô bàn chân, mắt cá chân dẫn đến sưng phù.
Phù chân do tăng tổng lượng chất lỏng
Tổng lượng chất lỏng trong cơ thể người mẹ sẽ tăng lên nhiều lần khi mang thai, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ. Bao gồm, lượng nước trong cơ thể nhiều hơn bình thường, thể tích huyết tương cao hơn 30 – 50%.
Trong ngày, lượng chất lỏng dư thừa tích tụ ở phần thấp nhất của cơ thể, đặc biệt là khi đứng lâu hoặc thời tiết nóng bức. Tình trạng này gây gia tăng nguy cơ sưng phù chân ở bà bầu tháng thứ 8.
Phù chân do nội tiết tố thay đổi
Khi mang thai, tuyến thượng thận sản xuất nhiều hormone (aldosterone và cortisol). Những hormone này gây ra tình trạng giữ nước, cản trở lưu thông máu từ chân đến tim, gây sưng phù.
Yếu tố nguy cơ
Một số tác động vật lý từ bên ngoài có thể làm nặng hơn tình trạng phù chân khi mang thai tháng thứ 8, bao gồm:
- Đứng quá lâu trong thời gian dài.
- Mặc quần áo bó sát, đi giày quá chật, không vừa chân.
- Chế độ ăn quá nhiều muối trong khi mang thai. [1]
Bà bầu bị phù chân tháng thứ 8 có sao không?
Bà bầu tháng thứ 8 bị sưng phù chân chiếm tới 75%. Hiện tượng này hầu như không gây hại tới người mẹ cũng như thai nhi. Tuy nhiên, bà bầu cần chú ý và hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi tình trạng này thường xuyên xuất hiện vào buổi sáng hoặc kéo dài nhiều hơn 1 ngày và không có dấu hiệu cải thiện.
Sưng phù chân ở tháng thứ 8 có thể cảnh báo một số tình trạng bệnh lý nghiêm trọng nếu kèm theo những triệu chứng sau, mẹ bầu cần lưu ý:
Tiền sản giật
Sưng phù bàn chân quá mức có thể là 1 dấu hiệu của chứng tiền sản giật. Tuy nhiên, mẹ bầu cần chú ý những triệu chứng khác đi kèm như:
- Tăng huyết áp.
- Tăng cân nhanh.
- Tiểu nhiều và nước tiểu có bọt.
Nếu huyết áp và nước tiểu bình thường thì mẹ bầu không nên lo lắng quá mức bởi đây có thể là tình trạng sinh lý bình thường.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Sưng phù chân có thể là dấu hiệu khi hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng.
Sưng do huyết khối tĩnh mạch sâu chỉ ảnh hưởng một bên và thường là chân trái. Mẹ bầu sẽ có cảm giác nặng nề hoặc đau hơn ở bàn chân khi đứng lên, da đỏ hoặc ấm khi chạm vào.
Nếu mẹ bầu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy lập tức liên hệ với bác sĩ để được điều trị. [2]
Bà bầu phù chân tháng thứ 8 có phải sắp đẻ?
Sưng phù bàn chân ở tháng thứ 8 thai kỳ chưa đủ cơ sở để nhận định em bé sắp chào đời. Sưng chân chỉ là 1 biểu hiện thường gặp khi mẹ bầu bước vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 (bào thai lớn gây ra sức ép lên tĩnh mạch chủ dưới).
Bên cạnh dấu hiệu sưng phù chân, mẹ bầu tháng thứ 8 cần chú ý thêm những cảnh báo khác để nhận định thời điểm chuyển dạ như:
- Thai nhi bị tụt xuống thấp hơn vị trí thông thường.
- Mẹ bầu bị tăng tiết dịch âm đạo, trong suốt, có màu hồng hoặc lẫn máu.
Cách giảm phù chân ở bà bầu 8 tháng
Mặc dù sưng phù chân hầu như không gây nguy hiểm gì nhưng mang lại cảm giác khó chịu và tự ti cho người mẹ. Vì vậy, mẹ bầu tháng thứ 8 có thể áp dụng một số cách giúp giảm tình trạng sưng phù bàn chân đơn giản và hiệu quả tại nhà:
Ngủ nghiêng: Nằm nghiêng, đặc biệt là nằm nghiêng sang bên trái giúp thận hoạt động tốt hơn, đào thải chất độc ra ngoài, từ đó giảm sưng phù hiệu quả.
Nâng cao chân: Đặt chân cao hơn cơ thể bằng cách gác lên gối giúp giảm áp lực lên các tĩnh mạch chủ dưới. Áp dụng 15 đến 20 phút vài lần mỗi ngày. Tránh đi đứng hoặc ngồi quá lâu bởi điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình lưu thông và tích tụ chất lỏng.
Chế độ ăn tăng kali và giảm natri: Hạn chế sử dụng nhiều muối bao gồm cả muối trong bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp. Bổ sung thêm những thực phẩm tự nhiên chứa nhiều kali như đậu, chuối, khoai tây, khoai lang, sữa chua, cà rốt,…
Uống nhiều nước, hạn chế caffe: Phù chân do tích luỹ chất lỏng nhưng uống nhiều nước sẽ hỗ trợ làm giảm tình trạng sưng phù. Tuy nhiên, điều này lại thực sự có ích, bởi nếu cơ thể nghĩ rằng bạn bị mất nước. Khi đó, cơ thể sẽ giữ lại nhiều chất lỏng hơn để bù đắp, điều này gây trầm trọng hơn tình trạng sưng phù bàn chân.
Mặc quần áo, đi giày thoải mái: Quần áo bó sát, giày dép không vừa với cơ thể sẽ khiến máu huyết lưu thông khó khăn, làm nặng nề hơn tình trạng sưng phù bàn chân ở mẹ bầu tháng thứ 8.
Massage chân: Massage là một liệu pháp vừa giúp lưu thông chất lỏng tích tụ ở bàn chân, giảm sưng hiệu quả, vừa giúp mẹ bầu thư giãn, giảm bớt căng thẳng khi mang thai. [3]
Bà bầu bị phù chân có nên đi bộ không?
Nhiều mẹ bầu mang thai tháng thứ 8 lo lắng rằng, đi bộ sẽ khiến tình trạng sưng phù bàn chân nặng nề hơn. Tuy nhiên, suy nghĩ này là SAI hoàn toàn.
Mặc dù có rất ít nghiên cứu nhưng thực hiện đi bộ từ 15 đến 20 phút vài lần trong ngày được bác sĩ khuyến cáo và mang lại hiệu quả tích cực. Đi bộ giúp cải thiện tuần hoàn máu, không những giảm sưng hiệu quả mà còn là một cách tuyệt vời để bà bầu tập thể dục.
Bà bầu bị phù chân tháng thứ 8 cần lưu ý triệu chứng đi kèm để có hướng xử lý phù hợp. Mong rằng, với những thông tin mà Aplicaps đã cung cấp, mẹ bầu sẽ có thêm kiến thức hữu ích cho thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc vấn đề cần giải đáp, các mẹ đừng quên liên hệ 1900 636 985 hoặc truy cập ngay tại TẠI ĐÂY để được giải đáp sớm nhất nhé.
Dược sĩ Anh Thư
Tài liệu tham khảo
↑1 | Swollen feet during pregnancy (edema). Truy cập ngày 20/7/2022. https://www.babycenter.com/pregnancy/your-body/swollen-feet-ankles-and-hands-edema-during-pregnancy_230 |
---|---|
↑2 | When Pregnancy Swelling Becomes Concerning Truy cập ngày 20/07/2022 https://www.healthline.com/health/pregnancy/swelling-in-pregnancy-when-to-worry |
↑3 | 13 Home Remedies for Swollen Feet During Pregnancy. Truy cập ngày 20/7/2022. https://www.healthline.com/health/pregnancy/swollen-feet-during-pregnancy |