Trên tờ kết quả siêu âm thai, mẹ để ý sẽ thấy có chỉ số CRL. Đây là chỉ số rất quan trọng với sự phát triển của em bé, nhưng nhiều mẹ lại chưa hiểu ý nghĩa của nó. Vậy CRL trong siêu âm thai là gì? Thông qua chỉ số CRL, mẹ nhận biết được điều gì về em bé của mình? Mẹ hãy đọc bài viết dưới đây của Aplicaps để hiểu rõ nhé!
CRL trong siêu âm thai là gì? Ý nghĩa của chỉ số này
Cùng với nhiều chỉ số khác, CRL xuất hiện trong tờ kết quả siêu âm của thai phụ. Chỉ số này giúp đánh giá sự phát triển của thai nhi. Qua đó dự đoán tuổi thai và các nguy cơ có thể xảy ra.
CRL trong siêu âm thai là gì?
CRL là viết tắt của Crown Rump Length, chỉ chiều dài đầu mông của thai nhi. Cụ thể, chỉ số này đo đường thẳng lớn nhất nối từ điểm ngoài đỉnh đầu đến điểm ngoài cực mông. CRL được tính bằng đơn vị cm hoặc mm.
Đây là một trong những chỉ số quan trọng giúp đánh giá mức độ phát triển của thai nhi trong khoảng từ 6 – 14 tuần. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng dựa vào các chỉ số khác như: [1]
- MSD (đường kính trung bình túi thai)
- HC (chu vi vòng đầu)
- BPD (đường kính lưỡng đỉnh)
- AC (chu vi vòng bụng)
- FL (chiều dài xương đùi),…
Để đánh giá giai đoạn phát triển, tình trạng sức khỏe, cân nặng và chiều cao của em bé.
Vì sao nên đo chiều dài đầu mông
Trong suốt thời gian trong bụng mẹ, chỉ số CRL của thai nhi liên tục thay đổi. Trong 6 tuần đầu, em bé có kích thước quá nhỏ nên rất khó đo chiều dài đầu mông. Bác sĩ thường sử dụng chỉ số GS (đường kính túi thai) để đánh giá sự phát triển của thai.
Hơn nữa, ở nửa đầu thai kỳ, em bé thường cuộn đầu lại nên không thể đo chiều dài từ đỉnh đầu đến chân. Vì vậy, chiều dài từ đầu đến mông (chiều cao thân trên) là lựa chọn thích hợp. Còn ở những tuần cuối, khi em bé đã duỗi người ra, bác sĩ mới có thể đo chiều dài từ đầu đến chân – chính là chiều cao của em bé.
Ý nghĩa của chỉ số CRL
Dựa vào chỉ số CRL, bác sĩ có thể chẩn đoán và nhận biết được:
- Tuổi thai: Thông qua chỉ số CRL, bác sĩ có thể tính tuổi thai, qua đó ước tính ngày dự sinh cho thai phụ.
- Chẩn đoán sảy thai: Khi CRL của thai nhi vượt quá 7mm thì có thể nghe được tim thai. Tuy nhiên, nếu không hiện thấy nhịp tim thì khả năng cao người mẹ đã bị sảy thai.
- Bất thường NST: Hội chứng Edwards (bất thường NST số 18) khiến thai nhi chậm phát triển hơn trẻ bình thường. Hội chứng này có thể dự đoán được thông qua chỉ số CRL.
Bảng tính tuổi thai theo chiều dài đầu mông
Cách tính tuổi thai theo chiều dài đầu mông (CRL) rất đơn giản. Mẹ hoàn toàn có thể dựa vào chỉ số trên kết quả siêu âm để tính toán. Cụ thể như sau:
Công thức tính tuổi thai theo chiều dài đầu mông
Công thức của Robinson và Fleming, là công thức tính dễ nhất trong 4 công thức đánh giá sự phát triển của thai nhi chính xác nhất hiện nay. Tuổi thai được tính như sau:
Cách tính tuổi thai theo cách này có sai số khá thấp. Thường chỉ chênh lệch khoảng 3 – 8 ngày. Giai đoạn áp dụng tốt nhất là khi em bé dưới 3 tháng tuổi.
Bảng tính tuổi thai theo chiều dài đầu mông
Ngoài cách tính bằng công thức trên, người mẹ có thể dựa vào bảng dưới đây để tra cứu tuổi thai của em bé.
CRL (tính bằng mm) | Tuổi thai (tuần + ngày) |
5 | 6 + 0 |
10 | 7 + 1 |
15 | 7 + 6 |
20 | 8 + 4 |
25 | 9 + 2 |
30 | 9 + 6 |
35 | 10 + 2 |
40 | 10 + 6 |
45 | 11 + 2 |
50 | 11 + 5 |
55 | 12 + 1 |
60 | 12 + 3 |
65 | 12 + 6 |
70 | 13 + 1 |
75 | 13 + 4 |
80 | 13 + 6 |
85 | 14 + 1 |
Ghi chú: Chỉ số CRL có mức độ sai số thấp, nằm trong khoảng 3 – 8 ngày.
Giải đáp thắc mắc liên quan đến chỉ số CRL trong siêu âm thai
Bên cạnh vấn đề tính tuổi thai bằng CRL, còn nhiều câu hỏi khác được mẹ bầu thắc mắc. Dưới đây Aplicaps sẽ giải đáp một số câu hỏi thường gặp nhất:
CRL mỗi ngày tăng bao nhiêu?
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, mỗi ngày, CRL tăng khoảng 0,5 – 2,5mm, tùy vào chế độ dinh dưỡng và sức khỏe của thai phụ. Trong đó:
- Từ tuần 6 – 10: mỗi ngày CRL tăng khoảng 0,5 – 1,5mm.
- Từ tuần 11 – 14: mỗi ngày CRL tăng khoảng 1,5 – 2,5mm.
Việc tăng CRL của thai nhi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, khả năng hấp thu dưỡng chất của thai nhi, cơ địa người mẹ,… Vì vậy, ngay từ những tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu nên cung cấp dinh dưỡng thiết yếu để em bé phát triển bình thường. [3]
Chiều dài đầu mông bao nhiêu thì có tim thai
Ở tuần thứ 6 của thai kỳ, dù kích thước thai rất nhỏ nhưng đã bắt đầu có tim thai khi siêu âm. Trung bình khoảng thời gian này, chỉ số CRL nằm trong khoảng từ 10 – 15mm. Vậy chiều dài đầu mông nằm trong khoảng từ 10 – 15mm thì có tim thai.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu khác, CRL > 7mm thì sẽ có tim thai. Nếu đến tuần tuổi này siêu âm không có tim thai thì bác sĩ chỉ có thể “nghi ngờ” thai chậm hoặc ngừng phát triển. Bác sĩ phải tiếp tục đo thêm các chỉ số về thai nhi để đánh giá chính xác sự phát triển của thai.
CRL bao nhiêu là bình thường?
Nếu chỉ số CRL trong siêu âm thai theo đúng như bảng trên hoặc sai số trong khoảng 5% (2 – 4mm) thì được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào CRL thì bác sĩ không thể hoàn toàn chắc chắn được. Thay vào đó, các chỉ số liên quan đến sự phát triển của thai nhi như MSD (đường kính trung bình túi thai), BPD (đường kính lưỡng đỉnh), FL (chiều dài xương đùi), … sẽ được xem xét thêm để có kết luận chính xác cuối cùng.
Với phần thông tin trên đây, câu hỏi “CRL trong siêu âm thai là gì?” đã được Aplicaps giải đáp. Có thể thấy, siêu âm thai cung cấp nhiều thông tin quan trọng để đánh giá sự phát triển của em bé. Vì vậy, người mẹ nên đi khám thai định kỳ để theo dõi và phát hiện những bất thường sớm nhất.
Nếu cần hỗ trợ thêm về thai kỳ, mẹ hãy gọi đến số hotline 1900 636 985 để được các chuyên gia Aplicaps giải đáp nhé! Chúc mẹ thai kỳ khỏe mạnh và bình an!
Dược sĩ Tú Oanh
Tài liệu tham khảo
↑1 | Ultrasound evaluation of fetal gender at 12 – 14 weeks. Ngày truy cập: 23/11/2022. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22660228/ |
---|---|
↑2 | Crown – Rump Length. Ngày truy cập: 24/11/2022. https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/crown-rump-length |
↑3 | Early pregnancy ultrasound measurements and prediction of first trimester pregnancy loss: A logistic model. Ngày truy cập 23/11/2022. https://www.nature.com/articles/s41598-020-58114-3 |