Hình ảnh vết mổ sau sinh bị lồi và 6 cách trị sẹo lồi hiệu quả

Một trong những nỗi lo lớn nhất của mẹ sau sinh mổ là vết mổ trở thành sẹo lồi. Vậy hình ảnh vết mổ sau sinh bị lồi trông như thế nào? Có những giải pháp nào để điều trị sẹo lồi cho mẹ? Cùng Menacal tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Hình ảnh vết mổ sau sinh

Khi sinh mổ, bác sĩ sẽ rạch hai đường: Đường rạch thứ nhất qua da bụng dưới, ngay trên xương mu và đường rạch thứ hai vào tử cung để lấy thai ra.

Vết mổ mà chúng ta thường nhìn thấy là hình ảnh của đường rạch đầu tiên qua da bụng. Có 2 loại, đó là:

– Vết mổ ngang: Đây là một đường rạch ngang, hay còn gọi là “đường rạch bikini” được sử dụng trong 95% các ca mổ lấy thai ngày nay. Nguyên nhân là do đường rạch này gây chảy máu ít hơn. Bên cạnh đó, đường rạch này cũng ít có khả năng bị rách hơn trong trường hợp mẹ sinh thường ở lần mang thai thứ 2 sau khi sinh mổ (VBAC).

Mổ ngang là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay
Mổ ngang là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay

– Vết mổ dọc. Đây là phương pháp mổ lấy thai “cổ điển” với một đường rạch nằm ở giữa tử cung. Kiểu rạch này rất phổ biến trước đây nhưng hiện nay thường chỉ được sử dụng cho một số trường hợp nhất định.  Ví dụ, trường hợp mẹ sinh non và thai nhi nằm thấp trong tử cung hoặc ở một vị trí bất thường khác, hoặc trong trường hợp chuyển dạ khẩn cấp.  Nhược điểm của loại này là đau hơn và mất nhiều thời gian để lành hơn so với rạch ngang. [1]

Lúc đầu, vết mổ sẽ có màu sắc khác so với màu da tự nhiên, thường là màu hồng nhạt hoặc đỏ rất dễ thấy. Sau đó, vết mổ sẽ dần trở nên phẳng và mờ đi theo thời gian, có màu nâu hoặc trắng.

Dưới đây là hình ảnh vết mổ từ ngay sau sinh đến sau sinh 2 năm:

Sau 2 ngày

Vết mổ được đóng lại bằng ghim phẫu thuật sau 2 ngày
Vết mổ được đóng lại bằng ghim phẫu thuật sau 2 ngày

Sau 4 ngày

Vết mổ sau 4 ngày không có quá nhiều khác biệt
Vết mổ sau 4 ngày không có quá nhiều khác biệt

Sau 4 tuần

Sau 4 tuần vết mổ đã lành lại nhưng vẫn thấy rất rõ
Sau 4 tuần vết mổ đã lành lại nhưng vẫn thấy rất rõ

Sau 8 tháng

Sau 8 tháng vết mổ gần như đã lành lại hoàn toàn
Sau 8 tháng vết mổ gần như đã lành lại hoàn toàn

Sau 2 năm

Sau 2 năm vết mổ chỉ còn là 1 đường trắng mờ
Sau 2 năm vết mổ chỉ còn là 1 đường trắng mờ

Hình ảnh vết mổ sau sinh bị lồi trông như thế nào?

Trong hầu hết trường hợp, vết mổ sau sinh sẽ mờ và phẳng dần theo thời gian. Một số khác thì vết mổ trở thành sẹo lồi gây mất thẩm mỹ, vậy nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân hình thành sẹo lồi

Sẹo lồi là loại sẹo hình thành do tăng sinh mô sợi quá nhiều so với vết thương. Mô sẹo phát triển quá mức sẽ khiến vết mổ dày lên, nhô lên và ngứa. Có nhiều nguyên nhân khiến vết mổ sau sinh bị lồi, đó là:

  • Cơ địa của mẹ: Một số nghiên cứu cho thấy nếu mẹ đã có sẹo lồi ở vị trí khác trên cơ thể thì mẹ sẽ có nguy cơ cao bị sẹo lồi ở vết mổ lấy thai.
  • Mẹ ăn các loại thức ăn dễ gây sẹo trong thời gian lành vết thương như: Rau muống, đồ nếp, thịt bò, thịt gà,…
  • Mẹ chăm sóc vết mổ sau sinh không đúng cách khiến vết mổ bị nhiễm trùng, tạo điều kiện cho ổ vi khuẩn sinh sôi và hình thành sẹo lồi.

Vết mổ sau sinh bị lồi có thể là một trong hai dạng sau:

  • Sẹo lồi: Sẹo lồi xảy ra khi mô sẹo mở rộng ra ngoài ranh giới ban đầu của vết thương, có thể dẫn đến các cục mô sẹo xung quanh vết mổ và có hình dạng như một khối u.
  • Sẹo phì đại. Sẹo phì đại thường dày hơn, săn chắc hơn và nhô cao hơn sẹo bình thường. Tuy nhiên, sẹo phì đại khác với sẹo lồi đó là nó vẫn nằm trong ranh giới của đường rạch ban đầu. [2]

Hình ảnh vết mổ sau sinh bị lồi

Tham khảo 1 số hình ảnh vết mổ sau sinh bị lồi ở dưới đây:

6 cách trị sẹo lồi hiệu quả, chuẩn khoa học

Có nhiều phương pháp để điều trị sẹo mổ lấy thai bị lồi hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng sẹo mà bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc kết hợp các phương pháp để điều trị sẹo lồi.

Cách trị sẹo lồi không phẫu thuật

Các phương pháp này được áp dụng cho sẹo nhỏ, sẹo mới

Sử dụng miếng dán hoặc gel silicone

Miếng dán hoặc gel silicone y tế giúp làm giảm kích thước, thể tích của vết sẹo, đồng thời làm mềm, mờ và phẳng sẹo. Đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn bởi dễ sử dụng, có thể dùng ở bất cứ đâu và dễ mang theo bên người.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có hiệu quả nhất định, phù hợp với các sẹo nhỏ. Với các sẹo lớn thì nó không thể chữa hết hoàn toàn vết sẹo.

Sử dụng miếng dán silicone để điều trị sẹo lồi
Sử dụng miếng dán silicone để điều trị sẹo lồi

Massage sẹo

Các bác sĩ thường khuyên mẹ nên massage mô sẹo ngay sau khi tháo chỉ khâu và da đã lành lại, tức là khoảng hai đến ba tuần sau phẫu thuật. Điều này làm tăng lưu thông máu, phá vỡ mô sẹo và kích thích các sợi collagen phát triển song song hơn với bề mặt da, giúp vết sẹo mịn hơn.

Tuy nhiên quá trình lành vết thương của mỗi người là khác nhau, do đó mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiến hành massage sẹo.

Cách làm: Sử dụng kem dưỡng da không mùi, nhẹ nhàng massage vết sẹo bằng đầu ngón tay theo chuyển động tròn cho đến khi da trắng lên, di chuyển qua lại trên toàn bộ chiều dài của vết sẹo. Mẹ nên massage vết sẹo trong khoảng 5 phút với tần suất là 2 lần/ngày cho đến khi vết sẹo phẳng lại.

Lưu ý: Ngừng massage da nếu da bị phồng rộp, vết mổ bị hở hoặc phát ban.

Tiêm corticosteroid hoặc một loại thuốc khác

Phương pháp này chủ yếu được sử dụng cho sẹo lồi và không hiệu quả đối với sẹo phì đại. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêm steroid có thể làm giảm viêm và giảm đến 50% độ lồi.

Mẹ có thể tiêm mũi đầu tiên sau khi sinh mổ khoảng 30 ngày và tiêm duy trì hàng tháng trong khoảng 3 – 6 tháng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết sẹo.

Cần lưu ý rằng, việc tiêm steroid lâu dài có thể làm mỏng da, làm nổi các mạch máu dưới da và làm vết sẹo lồi bị đỏ…

Tiêm corticosteroid là một phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả
Tiêm corticosteroid là một phương pháp điều trị sẹo lồi hiệu quả

Liệu pháp laser

Laser có thể làm mờ sẹo đỏ hoặc làm mịn các đường viền sẹo không đều. Tùy vào từng loại sẹo mà bác sĩ sẽ sử dụng các loại laser khác nhau để tái tạo da.

Mẹ có thể bắt đầu điều trị sẹo bằng laser sau khi tháo chỉ khâu (và được sự đồng ý của bác sĩ). Liệu pháp laser được sử dụng càng sớm thì tác dụng càng tốt. Mẹ có thể cần từ 1 đến 4 lần điều trị bằng liệu pháp laser để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Phương pháp phẫu thuật trị sẹo lồi

Phẫu thuật đông lạnh (Cryotheraphy)

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ làm lạnh vết thương bằng Nitơ lỏng hoặc dùng tia lạnh (cryosurgery) để gây tổn thương các mạch máu và teo biến để phá hủy tổ chức xơ, collagen làm sẹo xẹp xuống.

Biện pháp này được đánh giá là có hiệu quả cao, ít biến chứng và đang được áp dụng ở Bệnh viện Da liễu Trung ương. Thông thường, phẫu thuật này thường phải làm từ 3-10 lần, mỗi lần cách nhau 3-4 tuần.

Phẫu thuật tạo hình

Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp sẹo lớn mất thẩm mỹ và các phương pháp kể trên không mang lại hiệu quả. Các bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ hoàn toàn da xung quanh vết sẹo và khâu lại tạo thành vết sẹo mỏng và khó thấy hơn. Sau đó, vết thương sẽ được chữa trị bằng các loại kem đặc trị hoặc kem silicon mỗi ngày để hạn chế rủi ro sẹo lồi sau phẫu thuật.

Phẫu thuật tạo hình được sử dụng với các trường hợp sẹo to, mất thẩm mỹ
Phẫu thuật tạo hình được sử dụng với các trường hợp sẹo to, mất thẩm mỹ

Phòng ngừa sẹo lồi sau sinh như thế nào?

Việc điều trị sẹo lồi rất khó khăn và mất nhiều thời gian, do đó mẹ nên chủ động phòng ngừa sẹo lồi bằng cách tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Vệ sinh vết mổ sạch sẽ:  Mẹ có thể vệ sinh vết mổ bằng cách để nước ấm chảy qua vết mổ khi tắm và rửa vùng xung quanh vết mổ nhẹ nhàng bằng xà phòng và nước.
  • Tránh vận động mạnh. Vết mổ trên tử cung và bụng cần thời gian để lành lại hoàn toàn. Do đó, mẹ nên tránh thực hiện các chuyển động đột ngột như vặn hoặc uốn cong người. Cách tốt nhất là mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập thể dục. [3]
  • Ăn uống đủ chất dinh dưỡng: Nếu mẹ có một chế độ ăn uống lành mạnh, ít đường và không có chất kích thích thì sẽ giúp vết mổ nhanh lành hơn.
  • Sử dụng kem chống nắng: Tia UV có thể khiến vết mổ bị sẫm màu hơn, do đó mẹ nên sử dụng kem chống nắng và che chắn vết mổ cẩn thận khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Trên đây là những hình ảnh vết mổ sau sinh bị lồi và các cách điều trị sẹo mổ hiệu quả. Nếu mẹ có bất kỳ thắc mắc nào có thể liên hệ với các chuyên gia của Aplicaps qua hotline 1900.636.985 để được giải đáp nhé!

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 What to Know About Cesarean Scars. Truy cập ngày 19/07/2024.
https://www.webmd.com/baby/what-to-know-about-cesarean-scars
2 C-Section Scars: Types, Care and Healing. Truy cập ngày 19/7/2024.
https://www.whattoexpect.com/pregnancy/c-section-scars
3 All About C-Section Scars and Incisions. Truy cập ngày 19/07/2024.
https://www.pampers.com/en-us/baby/parenting-life/article/c-section-scar

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ