kinh-nghiem-ra-mau-bao-thai

Phân biệt máu báo thai và máu kinh từ kinh nghiệm ra máu báo thai thực tế 

Phân biệt máu báo thai và máu kinh là vô cùng quan trọng giúp người phụ nữ chuẩn bị tâm lý cho một chu kỳ hành kinh mới hoặc một thai kỳ mới. Cùng Aplicaps tìm hiểu cách phân biệt chính xác hai hiện tượng này từ kinh nghiệm ra máu báo thai thực tế của nhiều mẹ bầu trong bài viết dưới đây nhé!

Máu báo thai là gì? Tại sao máu báo thai xuất hiện

Ra máu báo thai là hiện tượng chảy máu âm đạo – một trong những dấu hiệu đầu tiên của thai kỳ. Trứng được thụ tinh sẽ di chuyển vào tử cung, bám lên lớp niêm mạc tử cung để bắt đầu phát triển thành phôi phai. Quá trình làm tổ này có thể khiến lớp niêm mạc tử cung bị bong tróc nhẹ, làm vỡ một số mạch máu nhỏ gây chảy máu.

Máu báo thai là hiện tượng tự nhiên, không gây nguy hiểm đến sức khoẻ của mẹ và bé. [1]

Kinh nghiệm ra máu báo thai thực tế của các mẹ bầu

Dưới đây là một số đặc điểm ra máu báo thai thường gặp ở hầu hết mẹ bầu:

Thời điểm xuất hiện máu báo thai

Thời gian ra máu báo thai có sự khác biệt với từng người, nhưng chủ yếu là xuất hiện trước khi có kinh vài ngày hoặc đúng ngày dự kiến. Một số ít có thể muộn hơn, nhưng không kéo dài sau ngày hành kinh quá lâu.

Màu sắc máu báo thai thực tế: Hồng nhạt, nâu hay đỏ tươi

Theo kinh nghiệm ra máu báo thai của nhiều mẹ bầu, màu sắc thường gặp nhất là hồng nhạt hoặc nâu do máu cũ còn sót lại sau quá trình làm tổ và bị đẩy ra ngoài. Một số trường hợp có màu đỏ tươi nhưng chỉ rất ít, thoáng qua một lần hoặc trong vài giờ.

Nếu bạn thấy máu màu đỏ tươi xuất hiện nhiều và kéo dài thì chắc chắn không phải máu báo thai, cần đi khám ngay lập tức để xác định được nguyên nhân và điều trị kịp thời. [2]

Máu báo thai thường màu hồng nhạt hoặc nâu
Máu báo thai thường màu hồng nhạt hoặc nâu

Lượng máu báo thai thực tế như thế nào?

Máu báo thai ra rất ít, chỉ một vài đốm nhỏ, có thể dính trên quần lót hoặc chỉ phát hiện được khi lau bằng giấy vệ sinh. Máu báo thai không chảy liên tục, không thấm ướt quần và không cần dùng băng vệ sinh.

Thời gian ra máu báo thai

Thời gian ra máu báo thai thường rất ngắn, chỉ kéo dài vài giờ hoặc tối đa là 1 – 2 ngày. Một số trường hợp có thể kéo dài đến 3 ngày, nhưng lượng vẫn rất ít. Máu ra không liên tục, lúc thấy lúc không.

Ra máu báo thai có đau bụng khó chịu hay không?

Theo kinh nghiệm ra máu báo thai của nhiều mẹ bầu, hiện tượng này không kèm theo bất kỳ cảm giác đặc biệt nào, không đau bụng khó chịu, máu không vón cục và không có mùi hôi bất thường. [3]

Đôi khi mẹ bầu có thể cảm thấy tức nhẹ vùng bụng dưới hoặc co thắt nhẹ do trứng được thụ tinh đang làm tổ ở thành tử cung, khiến niêm mạc tử cung bong ra. Rất ít trường hợp cảm thấy hơi mệt mỏi, chướng bụng, đầy hơi tương tự như trước kỳ kinh.

Nếu bắt gặp các dấu hiệu như đau quặn thắt, đau dữ dội, choáng váng, chóng mặt, mệt lả, mẹ bầu cần đi khám ngay lập tức vì đây có thể là cảnh báo doạ sảy thai sớm, thai ngoài tử cung hoặc các vấn đề phụ khoa khác.

Đau bụng dữ dội không phải triệu chứng đi kèm với máu báo thai
Đau bụng dữ dội không phải triệu chứng đi kèm với máu báo thai

Phân biệt máu báo thai và máu kinh

Tiêu chí Máu báo thai Máu kinh
Thời điểm xuất hiện Trước kỳ kinh vài ngày (6 -12 ngày sau khi rụng trứng). Đúng kỳ kinh hàng tháng (khoảng 14 ngày sau khi rụng trứng).
Màu sắc Hồng nhạt, nâu nhạt, hiếm khi đỏ tươi. Đỏ tươi, đỏ sẫm và chuyển sang màu nâu vào cuối kỳ kinh.
Lượng máu Rất ít, chỉ một vài đốm nhỏ, dính ở quần lót hoặc phát hiện được khi lau bằng giấy vệ sinh, không cần dùng băng vệ sinh. Nhiều đủ để thấm ướt băng vệ sinh, tăng trong 1 – 3 ngày đầu kỳ kinh và giảm dần sau đó.
Thời gian kéo dài Vài giờ hoặc 1 – 2 ngày. 3 – 7 ngày tuỳ cơ địa từng người.
Đau bụng Hầu như không đau bụng, có thể cảm thấy lâm râm nhẹ, thoáng qua. Đau vùng bụng dưới rõ rệt, dữ dội hoặc âm ỉ tuỳ người.
Máu cục Máu loãng, không vón cục. Có thể xuất hiện máu cục nhỏ.
Đặc điểm khác Có thể đi kèm một số dấu hiệu sớm của thai kỳ như: căng tức ngực nhẹ, buồn ngủ, hơi mệt mỏi… Có thể kèm đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, cáu gắt… do sự thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh.

Các dấu hiệu khác có thể xuất hiện cùng lúc hoặc sau máu báo thai

Đôi khi, máu báo thai là dấu hiệu duy nhất và thường xuất hiện thoáng qua nên nhiều phụ nữ không nhận ra mình đã mang thai cho đến khi sử dụng que thử.

Một số người khác cảm thấy các dấu hiệu mang thai sớm đồng thời hoặc ngay sau khi ra máu báo thai như: căng tức ngực, mệt mỏi bất thường, buồn ngủ, ngủ nhiều, thèm ăn hoặc chán ăn, buồn nôn, nôn, tiểu nhiều, nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ, đầy hơi, chướng bụng…

Tuy nhiên, những dấu hiệu nêu trên tương tự với các triệu chứng tiền kinh nguyệt. Vì vậy, bạn nên dùng que thử thai 1 – 2 ngày sau khi trễ kinh, hoặc 7 – 12 ngày sau khi nghi ngờ ra máu báo thai để có kết luận chính xác nhất.

Que thử giúp đưa ra kết luận bạn có mang thai hay không
Que thử giúp đưa ra kết luận bạn có mang thai hay không

Mẹ bầu cần làm gì khi thấy ra máu nghi là máu báo thai

  • Theo dõi kỹ lưỡng: Ngay khi phát hiện đốm máu nhỏ ở đáy quần lót hoặc khi lau bằng giấy vệ sinh, bạn nên kiểm tra màu sắc, lượng máu, các triệu chứng đi kèm và thời điểm xuất hiện để phân biệt máu báo thai, kinh nguyệt hay các dấu hiệu bất thường khác.
  • Tìm kiếm thông tin và đối chiếu: Tra cứu thông tin từ nguồn y tế uy tín, tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc trao đổi kinh nghiệm với những phụ nữ từng mang thai.
  • Chờ đợi và thử thai: Sử dụng que thử thai sau 7 – 12 ngày nghi ngờ ra máu báo thai.
  • Giữ tinh thần thoải mái: Lo lắng, căng thẳng quá mức có thể làm thay đổi nội tiết tố, ảnh hưởng không tốt đến quá trình thụ thai hoặc thai kỳ sớm.
  • Đi khám nếu có dấu hiệu bất thường: Đi khám ngay khi thấy các dấu hiệu như: máu ra ồ ạt, kéo dài trong nhiều ngày, màu đỏ tươi, đau bụng dữ dội, quặn thắt từng cơn, đau lưng, choáng váng, mệt mỏi, sốt…

Kinh nghiệm ra máu báo thai vô cùng phong phú, không có khuôn mẫu cố định. Có nhiều người ra máu báo thai rõ ràng, nhưng cũng có người không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Việc tham khảo kinh nghiệm giúp bạn có thêm thông tin đối chiếu, nhưng không thể thay thế các phương pháp kiểm tra y khoa như xét nghiệm máu, siêu âm, tư vấn từ bác sĩ.

Theo dõi màu sắc để xác định có phải máu báo thai hay không
Theo dõi màu sắc để xác định có phải máu báo thai hay không

Câu hỏi thường gặp về máu báo thai

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến máu báo thai:

Ra máu báo thai có mùi không?

Ra máu báo thai thường không có mùi rõ rệt, hoặc có rất ít. Nếu xuất hiện mùi hôi, tanh khó chịu thì đây không còn là dấu hiệu máu báo thai, mà có thể là cảnh báo một số vấn đề như: viêm nhiễm phụ khoa hoặc các bệnh lây qua đường tình dục.

Có phải ai mang thai cũng ra máu báo thai không?

Theo thống kê, chỉ khoảng 30% phụ nữ mang thai phát hiện máu báo thai trong giai đoạn đầu thai kỳ. Nhiều trường hợp không nhận thấy hiện tượng này. Đây không phải là vấn đề bất thường do nội tiết tố và độ nhạy cảm tử cung của mỗi người là khác nhau.

Vì vậy, nếu bạn không thấy máu báo thai nhưng vẫn có các dấu hiệu khác như: chậm kinh, buồn nôn, nôn, căng tức ngực, mệt mỏi… thì vẫn nên dùng que thử thai hoặc đi khám để đưa ra kết luận chính xác nhất.

Mong rằng bài viết trên đã cung cấp một số kinh nghiệm ra máu báo thai thực tế từ nhiều mẹ bầu giúp bạn hạn chế lo lắng, căng thẳng khi đối diện với tình trạng này. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sức khoẻ của mẹ và bé, bạn có thể truy cập vào website aplicaps.vn hoặc liên hệ hotline 1900 636 985, các chuyên gia đầu ngành sẽ là người trực tiếp giải đáp cho bạn.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 What Is Early Pregnancy Bleeding? Truy cập ngày 27/ 04/ 2025.
https://www.verywellhealth.com/early-pregnancy-bleeding-5184435
2 Bleeding During Pregnancy. Truy cập ngày 27/ 04/ 2025.
https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/22044-bleeding-during-pregnancy
3 What Causes First Trimester Bleeding? Truy cập ngày 27/ 04/ 2025.
https://www.healthline.com/health/pregnancy/first-trimester-bleeding

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ