Tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý khiến cho nhiều mẹ bầu gặp phải một số biến chứng về sức khỏe như: tăng huyết áp, bằng huyết, bé sinh ra đường huyết không ổn định. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mẹ hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông hữu ích
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ hay đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, được phát hiện lần đầu tiên trong khi mang thai. Tình trạng này thường không có triệu chứng điển hình nên rất khó để phát hiện.
Một số mẹ dễ mắc phải tiểu đường thai kỳ:
- Thừa cân, béo phì.
- Tiền sử gia đình: Có người bị đái tháo đường, đặc biệt là người đái tháo đường thế hệ thứ nhất.
- Tiền sử sinh con ≥ 4000g.
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose bao gồm tiền sử đái tháo đường thai kỳ trước, glucose niệu dương tính.
- Tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng, ≥ 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao của đái tháo đường thai kỳ.
- Tiền sử sản khoa bất thường: thai chết lưu không rõ nguyên nhân, sẩy thai liên tiếp không rõ nguyên nhân, sanh non, thai dị tật.
- Chủng tộc: Châu Á là chủng tộc có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Bệnh tiểu đường thai kỳ chiếm từ 3-7% tổng số phụ nữ mang thai, có nhiều nguy cơ cho người mẹ và thai nhi nếu không được theo dõi và điều trị đúng cách.
Dấu hiệu nhận biết sớm tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ diễn ra một cách thầm lặng, khiến mẹ không nghĩ đến là mình mắc bệnh cho đến đi khám thai định kỳ và được bác sĩ yêu cầu làm tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ có thể nhận biết sớm tiểu đường thai kỳ qua một số biểu hiện đái tháo đường thai kỳ sau đây:
- Mẹ thấy thường xuyên khát nước, hay tỉnh giấc giữa đêm để uống nước.
- Đi tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu sẽ nhiều so với một số mẹ bầu khác.
- Khi bị trầy xướng thì vết thương sẽ lâu lành.
- Dễ bị viêm nhiễm ở vùng kín do bị nhiễm nấm.
- Cảm thấy người mệt mỏi, thiếu sức sống và có dấu hiệu sụt cân.
Nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ
Khi bạn ăn, tuyến tụy sẽ thực hiện giải phóng insulin, một loại hormone giúp di chuyển một loại đường có tên là glucose từ máu đến các tế bào trong cơ thể, đồng thời sử dụng nó để tạo năng lượng.
Khi mang thai, nhau thai của bạn tạo ra các hooc môn khiến glucose tích tụ trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể sản xuất đủ insulin để xử lý tình trạng này, tuy nhiên khi cơ thể không sản sinh đủ lượng insulin cần thiết hoặc ngừng sử dụng insulin như bình thường thì lượng đường trong máu sẽ tăng cao và đây là nguyên nhân khiến bà bầu bị tiểu đường thai kỳ.
Nhu cầu năng lượng trong thời kỳ bầu bí tăng cao hơn chính vì vậy nhu cầu về lượng đường cũng sẽ tăng lên. Tuy nhiên không phải lúc nào cơ thể bạn cũng sản xuất đủ lượng insulin phù hợp với nhu cầu tăng lượng đường trong thời kỳ mang thai.
Ngoài ra, trong thời kỳ mang thai, để giúp thai nhi phát triển, nhau thai sẽ tạo ra nội tiết tố. Những nội tiết tố này có thể gây tác động tiêu cực đến insulin, gây ra tình trạng rối loạn nội tiết tố. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ.
Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ có thể gây những biến chứng cho cả mẹ, thai, trẻ sơ sinh và cả khi trẻ lớn lên. Đối với mẹ, tiểu đường thai kỳ có thể gây tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, đái tháo đường type 2 sau khi sinh, hội chứng chuyển hóa. Đối với thai, tiểu đường thai kỳ có thể gây chứng khổng lồ, thai chết lưu, đẻ non; khi đẻ ra trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp, hạ glucose máu, vàng da; khi lớn lên trẻ có thể bị béo phì, đái tháo đường type 2 hoặc hội chứng chuyển hóa. Chính vì vậy, việc chẩn đoán sớm đái tháo đường thai kỳ ở thai phụ để kịp thời điều trị, tránh các biến chứng cho cả mẹ và con là việc làm rất quan trọng và cần thiết.
Hiện nay có 2 phương pháp chính để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ là:
Phương pháp 1 bước (one-step strategy)
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 75g (75-g OGTT): đo nồng độ glucose huyết tương lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán ĐTĐ trước đó. Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ khi bất kỳ giá trị glucose huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau đây:
- Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Phương pháp 2 bước (two-step strategy)
Bước 1
Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g hoặc uống glucose 50 gam (glucose loading test: GLT): Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói), đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán ĐTĐ trước đó. Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.
Bước 2
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g (100g OGTT): Nghiệm pháp phải được thực hiện khi bệnh nhân đang đói: Bệnh nhân nhịn đói, uống 100 gam glucose pha trong 250 – 300ml nước, đo glucose huyết lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose. Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ khi ít nhất có 2 trong 4 giá trị mức glucose huyết tương bằng hoặc vượt quá các ngưỡng sau đây.
Chỉ tiêu | Tiêu chí chẩn đoán của Carpenter/Coustan | Tiêu chí chẩn đoán theo National Diabetes Data Group |
Lúc đói | 95mg/dL (5,3 mmol/l) | 105 mg/dL (5,8 mmol/l) |
Ở thời điểm 1 giờ | 180 mg/dL (10,0 mmol/l) | 190 mg/dL (10,6 mmol/l) |
Ở thời điểm 2 giờ | 155 mg/dL (8,6 mmol/l) | 165 mg/dL (9,2 mmol/l) |
Ở thời điểm 3 giờ | 140/dL (7,8 mmol/l) | 145 mg/dL (8,0 mmol/l) |
Đo tiểu đường thai kỳ tại nhà
Đây là phương pháp chỉ áp dụng với những bà bầu đã được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ. Mục đích của việc kiểm tra đường huyết tại nhà nhắm đảm bảo kiểm soát tối đa nồng độ đường trong máu từ đó hạn chế những nguy cơ sức khỏe có thể xảy ra khi đường máu tăng mất kiểm soát. Tham khảo kĩ hơn ở: https://aplicaps.vn/cach-do-duong-huyet-tai-nha-cho-ba-bau/
Điều trị tiểu đường thai kỳ
Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ nhằm đạt được mục tiêu:
- Glucose máu đói, đường máu trước ăn, đường máu trước ngủ 3,9 – 5,5 mmol/l.
- Glucose máu sau ăn 1h và 2h từ 5,4 – 7,1 mmol/l.
- HbA1C < 6%.
Ngoài ra, khi phát hiện đái tháo đường thai kỳ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh glucose máu bằng chế độ ăn (giảm chất ngọt, giảm glucid) và theo dõi đường máu liên tục 6 lần/ngày. Sau 2 tuần không đạt kết quả chuyển sang kiểm soát glucose máu bằng tiêm thuốc insulin.
Trong phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần phải điều trị bằng insulin:
- Insulin là thuốc điều trị chủ chốt trong thai kỳ
- Insulin dùng trước các bữa ăn và insulin nền vào buổi tối là tối ưu nhất
- Tính liều khởi đầu theo cân nặng: 0,4 đến 0,5 đơn vị/ kg/ 24h
- Tổng liều insulin cần chia ra 40 đến 50% insulin nền và 50-60% insulin trước các bữa ăn.
- Chỉnh liều dần đến đường máu đạt mục tiêu
Ngoài việc áp dụng phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ thì thai phụ cần:
- Hạn chế ăn chất bột: 35-45% tổng số năng lượng. Chọn loại có chỉ số tăng đường máu thấp.
- Chia bữa ăn thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Kalo: 30% cho bữa sáng, 30% cho bữa trưa, 20 % bữa tối và 20% các bữa phụ.
- Chọn thức ăn nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo bão hòa. Tránh ăn thức ăn nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt, trái cây nhiều đường). Dinh dưỡng đủ 5 nhóm: rau củ, ngũ cốc, đạm, sản phẩm sữa và hoa quả. Bổ xung multivitamin với sắt, acid folic, canxi.
Tham khảo: Tiểu đường thai kỳ ăn đu đủ được không? Những điều mẹ bầu cần biết
Sau thai kỳ, những phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần phải tập luyện thể dục và cần có một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa và trì hoãn sự phát tác thành tiểu đường loại 2. Thai phụ cần xét nghiệm bệnh tiểu đường sau 6-12 tuần sinh em bé, và sau đó định kỳ 1-3 năm. Đối với hầu hết phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ, bệnh tiểu đường hết ngay sau khi sinh con. Nếu bệnh tiểu đường của vẫn chưa khỏi, bệnh tiểu đường này gọi là tiểu đường type 2.
Trên đây là một số thông tin về tiểu đường thai kỳ. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp mẹ hiểu rõ hơn về các bệnh này để chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân cũng như việc hạn chế được những biến chứng sản khoa có thể xảy ra.
Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh!