bị tiền sản giật có đẻ thường được không

Bị tiền sản giật có đẻ thường được không? Điều mẹ bầu cần biết

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ gây ra 3 tình trạng điển hình: Tăng huyết áp, protein niệu và phù, ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến mẹ và thai nhi. Thậm chí, các biến chứng kéo dài đến sau sinh nếu không được điều trị kịp thời, bao gồm huyết áp cao, đột quỵ, co giật,… Vậy, bị tiền sản giật có đẻ thường được không? Mời bạn theo dõi bài viết của Aplicaps dưới đây!

Bị tiền sản giật có đẻ thường được không?

Nếu mẹ bầu bị tiền sản giật khi đang mang thai thì có thể phương pháp sinh thường sẽ tốt hơn sinh mổ, đặc biệt là khi thai nhi phát triển tới tuần 35. Lúc này, cổ tử cung người mẹ đã giãn nở, cho nên sinh thường được khuyến khích nhiều hơn.

Ngoài ra, lựa chọn sinh thường sẽ hạn chế được những lo lắng về phẫu thuật lấy thai nhi, cơn đau nhiều ngày sau khi mổ… Bởi những lo lắng quá mức này có thể khiến mẹ bầu khởi phát sản giật ngay trong khi mổ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe mẹ và bé.

Để sinh thường an toàn cho cả mẹ và thai nhi, bà bầu bị tiền sản giật sẽ được bác sĩ chỉ định:

  • Kiểm tra huyết áp mẹ bầu bị tiền sản giật thường xuyên.
  • Theo dõi nồng độ protein niệu.
  • Kiểm tra sức khoẻ của mẹ bầu bị tiền sản giật thông qua các xét nghiệm máu.
  • Siêu âm nhằm kiểm tra lưu lượng máu đi qua nhau thai, sự phát triển của bé và lượng nước ối.
  • Theo dõi nhịp tim của thai nhi. [1]

Theo các thống kê cho thấy, tỷ lệ mẹ bầu bị tiền sản giật chỉ chiếm khoảng 5-8% ở các trường hợp mang thai và có tới 47% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật sẽ sinh con khỏe mạnh và hồi phục hoàn toàn nếu được chữa trị sau sinh đúng cách.

bi-tien-san-giat-sinh-thuong-se-tot-hon-sinh-mo.
Bị tiền sản giật sinh thường sẽ tốt hơn sinh mổ

Bị tiền sản giật khi nào sinh mổ?

Sau khi chẩn đoán mắc tiền sản giật, bác sĩ có thể khuyên mẹ bầu sinh con ngay thay vì đợi đến lúc chuyển dạ tự nhiên. Tuy nhiên, trong trường hợp huyết áp không kiểm soát được hoặc kết quả lâm sàng cho thấy tiền sản giật đang gây hại cho thai nhi thì mẹ bầu có thể được yêu cầu sinh mổ.

Khi đó, mẹ bầu cần được tư vấn tâm lý trước sinh để đảm bảo không cảm thấy căng thẳng, lo lắng quá mức khiến khởi phát sản giật trong hoặc trước khi mổ đẻ, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Triệu chứng tiền sản giật mẹ bầu cần biết

Mẹ bầu thường không phát hiện ra bản thân mắc chứng tiền sản giật cho đến khi khám thai định kỳ bởi tình trạng bệnh lý này không gây ra sự thay đổi rõ rệt. Cách duy nhất để xác định bản thân mắc chứng tiền sản giật là thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp. Trường hợp huyết áp vượt quá 140/90mmHg sau cả 2 lần đo với khoảng cách giữa các lần đo là 4 tiếng, thì khả năng cao là mẹ bầu đã mắc chứng tiền sản giật.

Bên cạnh đó, một số triệu chứng tuy không đặc trưng nhưng góp phần giúp mẹ bầu cảnh giác hơn với tiền sản giật:

  • Nhức đầu dữ dội, mờ mắt hoặc có thế mất thị lực tạm thời, không chịu được ánh sáng quá chói.
  • Khó thở, mệt mỏi toàn thân, buồn nôn hoặc nôn.
  • Đi tiểu ít, cơ thể dễ bầm tím
  • Đau bụng phía dưới xương sườn bên phải.

Trường hợp mẹ bầu có tăng huyết áp kèm theo một trong những triệu chứng trên, hãy ngay lập tức đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp.

Không phải mẹ bầu nào mang thai cũng mắc tình trạng tiền sản giật. Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ cao mắc tiền sản giật khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý như:

  • Mẹ mang thai lần đầu.
  • Có tiền sử tăng huyết áp hoặc mắc tiền sản giật.
  • Tiền sử gia đình có người thân là chị và mẹ bị tiền sản giật trong khi mang thai.
  • Mẹ bầu mang đa thai, từ hai thai trở lên
  • Mang thai ở độ tuổi dưới 20 tuổi và trên 40 tuổi.
  • Trước khi mang thai, mẹ bầu bị huyết áp cao hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến thận.
  • Phụ nữ mang thai bị béo phì với chỉ số BMI lớn hơn 30. [2]
tang-huyet-ap-kem-nhuc-dau-du-doi-co-the-nghi-toi-tien-san-giat
Tăng huyết áp kèm theo nhức đầu dữ dội có thể nghĩ tới tiền sản giật

Tiền sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Tiền sản giật ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của thai nhi, thậm chí đe doạ tính mạng. Bởi vậy, sau khi được chẩn đoán mắc chứng tiền sản giật, mẹ bầu thường được khuyến cáo nhập viện để theo dõi và điều trị.

Mẹ bầu mắc tiền sản giật có thể gây ra những ảnh hưởng đến thai nhi như:

Hạn chế sự phát triển của thai nhi: Ảnh hưởng phổ biến nhất của tiền sản giật tới thai nhi là nhẹ cân (phát triển trong bụng mẹ chậm hơn bình thường). Điều này xảy ra là do tiền sản giật làm giảm lưu lượng máu đến nhai thai, dẫn tới chất dinh dưỡng và oxy truyền từ mẹ sang con giảm mạnh.

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: Trường hợp tình trạng tiền sản giật nặng, mẹ bầu được yêu cầu sinh sớm kể cả khi bé chưa được phát triển toàn diện Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như khó thở, phổi chưa phát triển hoàn thiện.

Tử vong thai nhi: Nguy hiểm hơn, tiền sản giật có thể gây chết thai. Theo dữ liệu từ một nghiên cứu đa quốc gia do Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện cho kết quả rằng, tiền sản giật là nguyên nhân chính của 1 trong 4 trường hợp tử vong chu sinh.[3]

Phòng ngừa tiền sản giật như thế nào?

Không có cách nào ngăn ngừa hoàn toàn được chứng tiền sản giật. Bởi cho tới thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra tiền sản giật.

Chính vì thế, mẹ bầu cần khám sức khỏe thai kỳ mỗi tháng 1 lần để phát hiện sớm và được theo dõi sát sao. Ngoài ra, mẹ bầu cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của bản thân để phòng ngừa tiền sản giật và hạn chế tình trạng bên trở nên nghiêm trọng hơn.

Bị tiền sản giật nên ăn gì?

Một phân tích dữ liệu về sức khỏe và chế độ ăn uống của hơn 8.500 phụ nữ mang thai cho thấy việc tuân thủ kế hoạch ăn uống khoa học có liên quan đến việc giảm nguy cơ tiền sản giật lên tới 20%. Theo đó, mẹ bầu cần chú ý những điểm sau:

  • Bổ sung các thực phẩm nguyên hạt, chưa qua chế biến, chẳng hạn như: Các loại hạt, các loại đậu, trái cây, salad và ngũ cốc nguyên hạt,…
  • Hạn chế ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt trâu,…
  • Tránh thực phẩm đóng gói và được chế biến sẵn.
  • Sử dụng các loại dầu thực vật thay vì dầu động vật, như dầu ô liu.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như: Thịt gà và cá da trơn, chẳng hạn như cá hồi hoặc cá bơn.

Chế độ sinh hoạt đúng cách cho bà bầu bị tiền sản giật

Bên cạnh thực hiện một chế độ dinh dưỡng khoa học, mẹ bầu cần lưu ý một số chế độ sinh hoạt hàng ngày sau:

  • Uống 6-8 cốc nước mỗi ngày.
  • Hạn chế đồ ăn quá mặn hoặc quá ngọt để ngăn nguy cơ gây tăng huyết áp.
  • Tránh thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và đồ ăn vặt.
  • Mẹ bầu bị tiền sản giật chú ý dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, tối thiểu 8 tiếng/ngày.
  • Tuyệt đối không uống rượu hoặc đồ uống có chứa cafein trong thời kỳ mang thai.
  • Tập thể dục tối thiểu 10-20 phút mỗi ngày với các bài tập đơn giản như đi bộ, bơi lội, đạp xe tại chỗ.
ngu-coc-nguyen-hat-phong-nguy-co-tien-san-giat
Ngũ cốc nguyên hạt phòng nguy cơ tiền sản giật nặng nề

Có thể thấy, bị tiền sản giật trong khi thai kỳ khá nguy hiểm nhưng mẹ bầu vẫn có thể an toàn sinh con nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hy vọng với bài viết trên, mẹ bầu đã có đáp án cho câu hỏi “Bị tiền sản giật có đẻ thường được không?” và biết cách xử lý phù hợp.

Mọi thắc mắc bạn vui lòng liên hệ 1900 636 985 hoặc truy cập ngay tại TẠI ĐÂY, các chuyên gia của Aplicaps sẽ giải đáp tận tình nhất.

Dược sĩ Anh Thư

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 Management of Preeclampsia During Delivery – Healthline. Truy cập ngày 15/8/2022
https://www.healthline.com/health/pregnancy/hypertension-induction-delivery-preeclampsia
2 Preeclampsia. Truy cập ngày 15/8/2022
https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-complications/preeclampsia/
3 Pre-eclampsia – PubMed. Truy cập ngày 15/8/2022
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8754607/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ