cach-lam-giam-phu-chan-khi-mang-thai

Top 14+ cách làm giảm phù chân khi mang thai mà mẹ cần biết

Bạn đang tìm kiếm cách làm giảm phù chân khi mang thai? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng phù chân thường gặp ở mẹ bầu và cách khắc phục phù chân làm sao cho hiệu quả nhất.

Tổng quan về phù chân khi mang thai

Phù chân khi mang thai là tình trạng thường gặp ở mẹ bầu, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Phù chân là hiện tượng các chất lỏng tích tụ ở phần bàn chân, mắt cá chân khiến chân sưng to, phù nề và tím tái. Mẹ bầu thường có cảm giác chân nặng, tê bì khiến cho việc đi lại trở nên bất tiện.

Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình và những nguyên nhân chính gây ra tình trạng phù chân khi mang thai.

Dấu hiệu phù chân khi mang thai

Mẹ bầu bị phù chân khi mang thai thường gặp một số dấu hiệu sau đây:

  • Vùng cẳng chân, mắt cá chân, bàn chân bị tím tái, sưng phù, ấn lõm, đàn hồi kém.
  • Xuất hiện tình trạng giãn tĩnh mạch, các tĩnh mạch nổi trên da, đặc biệt là ở tứ chi.
  • Bàn chân nặng, kém linh hoạt khiến việc vận động trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh những dấu hiệu chân bị phù và ngứa khi mang thai, mẹ bầu còn có thể gặp một số triệu chứng liên quan như phù thũng vùng đầu mặt cổ, tứ chi và một số biến chứng như rối loạn thị giác,… Đây được coi như những dấu hiệu cảnh báo sớm của những biến chứng nguy hiểm khác, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của thai nhi.

phu-chan-khi-mang-thai
Phù chân khi mang thai là tình trạng chân sưng to, phù nề và tím tái

Nguyên nhân gây phù chân khi mang thai

Thông thường, tuỳ vào từng giai đoạn khác nhau, tình trạng phù chân ở mẹ bầu cũng có sự “biến đổi linh hoạt”.

Ba tháng đầu (Tam cá nguyệt đầu tiên)

Tình trạng sưng phù chân trong giai đoạn đầu thai kỳ chủ yếu là do sự thay đổi hormone trong cơ thể mẹ như progesterone. Sự thay đổi nồng độ các hormone nội tiết là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng phù chân. Tình trạng này thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không đáng ngại.

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị phù chân, kèm theo một số dấu hiệu bất thường như rối loạn tiêu hoá, đầy hơi, khó tiêu thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Ba tháng giữa (Tam cá nguyệt thứ hai)

Trong giai đoạn này, thai nhi trong bụng mẹ phát triển rất nhanh. Do đó, nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng tăng lên. Lượng máu của cơ thể mẹ bầu trong giai đoạn ba tháng giữa thai kỳ cũng tăng lên tới hơn 50% mới có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi.

Lượng dịch trong cơ thể lớn gây áp lực cho hệ tuần hoàn, đặc biệt là các tĩnh mạch. Hơn nữa, chân là cơ quan nằm xa tim nhất nên vòng tuần hoàn đưa máu từ chân về tim cũng gặp trở ngại khá lớn. Điều này làm cho máu và dịch bị ứ lại ở chân nhiều hơn gây hiện tượng phù chân khi mang thai ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2.

Ba tháng cuối (Tam cá nguyệt thứ ba)

Ở giai đoạn này, thai khi đã phát triển gần như hoàn chỉnh và thường gây chèn ép vào tử cung và hệ tuần hoàn. Do đó, việc lưu thông máu trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba sẽ trở nên khó khăn hơn. Chính vì thế, không quá bất ngờ khi mẹ bầu bị phù chân khi mang thai tháng cuối. [1]

thai-nhi-phat-trien-chen-ep-tu-cung
Phù chân khi mang thai có thể xuất hiện do thai nhi phát triển nhanh chèn ép tử cung

14 cách làm giảm phù chân khi mang thai

Tổng hợp một số cách làm giảm phù chân khi mang thai mà mẹ bầu nên biết:

Ngâm chân giảm phù nề cho bà bầu

Ngâm chân vào nước muối ấm là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất trong điều trị phù nề bàn chân cho mẹ bầu. Ngâm chân không chỉ giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm nhanh tình trạng ứ trệ tuần hoàn ở chân mà còn giúp mẹ bầu có một giấc ngủ ngon hơn.

Tuy nhiên, việc ngâm chân chỉ nên tiến hành trong thời gian ngắn, khoảng 30 phút mỗi ngày để mang lại hiệu quả tối ưu.

Giảm sử dụng muối

Một chế độ ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể mẹ bầu tích tụ nước và dễ gây phù nề. Không chỉ vậy, sử dụng nhiều muối còn có nguy cơ tăng huyết áp ở mẹ bầu.

Tăng sử dụng Kali

Kali được xem là một trong những khoáng chất rất quan trọng trong việc giữ cân bằng thể dịch trong cơ thể. Sự thiếu hụt kali có thể khiến tình trạng phù chân ở mẹ bầu trở nên trầm trọng hơn.

Hạn chế sử dụng Cafein và thức uống có cồn

Cafein là một chất kích thích thần kinh, có khả năng khiến bàng quang tăng hoạt gây tiểu nhiều. Điều này dễ khiến cơ thể nhầm lẫn rằng tế bào đang bị thiếu nước nên sẽ dần dần sản sinh ra cơ chế giữ muối nước gây phù nề. Do đó, việc hạn chế sử dụng cafein và thức uống có cồn sẽ giúp giảm tình trạng phù nề bàn chân ở phụ nữ có thai.

Bổ sung đủ nước

Nếu không được bổ sung đủ nước, cơ thể mẹ bầu sẽ sản sinh ra cơ chế giữ nước để “dùng dần”. Đây chính là nguyên gây tình trạng phù bàn chân. Do đó mẹ bầu cần lưu ý bổ sung đủ nước trong khi mang thai, tránh suy nghĩ uống nhiều nước sẽ gây phù chân.

me-bau-nen-bo-sung-du-nuoc
Mẹ bầu nên bổ sung đủ nước mỗi ngày

Để đôi chân được thư giãn

Đừng để đôi chân của bạn phải đứng quá lâu. Đôi khi việc mẹ bầu cần làm chỉ là ngồi xuống và nâng đôi bàn chân lên thư giãn. Chỉ cần như vậy thôi cũng có thể giúp giảm đáng kể áp lực lên đôi bàn chân của người mẹ và hạn chế tình trạng phù bàn chân.

Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái

Việc mặc những chiếc quần áo bó sát sẽ vô tình khiến cho tuần hoàn máu bị ứ trệ và gây phù nề tứ chi. Những chiếc váy bầu hay những bộ đồ rộng rãi sẽ giúp mẹ bầu thoải mái và hạn chế tối đa tình trạng phù bàn chân.

Luôn giữ cơ thể trong tình trạng mát mẻ

Trong thời gian mang thai, lưu lượng máu của mẹ bầu rất lớn do phải nuôi dưỡng thai nhi. Bên cạnh đó, hoạt động của tim của mẹ bầu có tần suất tăng lên để co bóp, bơm máu đi khắp cơ thể. Chính vì vậy, thân nhiệt của mẹ bầu thường cao hơn người bình thường. Đồng thời, tình trạng sưng bàn chân cũng trở nên trầm trọng hơn.

Việc giữ cơ thể trong trạng thái mát mẻ, duy trì ở nhiệt độ ổn định sẽ giúp bàn chân giảm sưng đáng kể. Mẹ bầu cũng nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm nắng nóng, oi bức hay đến phòng tắm hơi để tránh tăng thân nhiệt mất kiểm soát. [2]

Đi tất

Đi tất là một trong những biện pháp dân gian khá hiệu quả giúp cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch và hạn chế ứ trệ tuần hoàn bàn chân, giảm phù nề.

Đi giày êm ái

Bên cạnh việc mang tất, đi một đôi giày thoải mái cũng góp phần khiến máu lưu thông tốt hơn và giúp đôi bàn chân thư giãn.

Massage chân

Mẹ bầu nên massage bàn chân thường xuyên, việc này không chỉ giúp cải thiện tuần hoàn máu đến chân hiệu quả mà còn giúp mẹ bầu dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Ngủ nghiêng bên trái

Ngủ nghiêng trái sẽ giúp mẹ bầu hạn chế tối đa áp lực của tử cung lên tĩnh mạch chủ dưới. Điều này giúp khống chế được nguyên nhân gốc rễ gây cản trở tuần hoàn và giúp giảm sưng chân.

Bơi lội

Việc ngâm mình trong bể bơi thư giãn cùng với sự tác động của áp lực nước sẽ tác động làm giảm sưng, giảm phù chân một cách nhanh chóng.

Vận động nhẹ nhàng

Biện pháp này sẽ giúp cơ thể mẹ bầu tăng cường lưu thông máu và giảm tình trạng ứ trệ tuần hoàn. Từ đó giúp máu lưu thông qua bàn chân dễ dàng hơn.

ngam-chan-giup-giam-phu-ne
Ngâm chân là một phương pháp giảm phù nề cho mẹ bầu hiệu quả

Bà bầu bị phù chân có nên đi bộ không?

Các hoạt động như đi bộ nhẹ nhàng là rất cần thiết cho mẹ bầu, đặc biệt là ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Đi bộ thường xuyên không chỉ giúp tăng cường lưu thông tuần hoàn máu mà còn giúp bà bầu “dễ đẻ”.

Thói quen đi bộ, vận động nhẹ nhàng còn có thể giúp mẹ bầu tránh được các bệnh lý như táo bón, rối loạn tiêu hoá,… Tuy nhiên, mẹ bầu cũng không nên đi bộ liên tục với khoảng thời gian dài để tránh gây ra những ảnh hưởng có hại đến thai nhi.

Bài viết trên đã cung cấp cho mẹ bầu một số thông tin quan trọng về chứng phù chân trong thai kỳ cùng với “cách làm giảm phù chân khi mang thai”. Nếu còn bất cứ điều gì thắc mắc, vui lòng truy cập TẠI ĐÂY hoặc liên hệ 1900 636 985 để được các chuyên gia giải đáp.

Dược sĩ Anh Thư

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 13 Home Remedies for Swollen Feet During Pregnancy. Truy cập ngày 2/8/2022.
https://www.healthline.com/health/pregnancy/swollen-feet-during-pregnancy#causes
2 5 ways to manage swollen legs and feet during pregnancy. Truy cập ngày 26/8/2022.
https://utswmed.org/medblog/swollen-feet-during-pregnancy/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ