Cơn gò chuyển dạ bao nhiêu phút 1 lần

Cơn gò chuyển dạ bao nhiêu phút 1 lần? Dấu hiệu sắp sinh trong vài giờ

Nhận biết được cơn gò chuyển dạ bao nhiêu phút 1 lần giúp mẹ bầu tháng cuối nhận biết được thời điểm sắp sinh, qua đó có sự chuẩn bị chu đáo cho hành trình vượt cạn của mình. Bên cạnh tần suất diễn ra cơn gò chuyển dạ, bài viết này của Aplicaps còn giúp mẹ phân biệt cơn gò chuyển dạ thật với cơn gò chuyển dạ giả, cơn gò chuyển dạ sinh non, cũng như dấu hiệu sắp sinh trong vài giờ. Hãy xem để có thêm nhiều thông tin hữu ích mẹ nhé!

Cơn gò chuyển dạ bao nhiêu phút 1 lần?

Chuyển dạ là quá trình tử cung người mẹ co bóp để đẩy thai nhi và bánh nhau ra ngoài qua đường âm đạo. Một trong những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh mà người mẹ có thể nhìn thấy đó là cơn gò tử cung diễn ra liên tục, kèm theo bung nút nhầy hoặc vỡ ối.

Cơn gò chuyển dạ thật xuất hiện 10 – 12 phút/lần, kéo dài từ 30 – 90 giây và diễn ra liên tục hơn 1 giờ. Càng gần lúc sinh, cơn gò chuyển dạ càng kéo dài lâu hơn, liên tục hơn, có thể chồng lên nhau để tăng trương lực cơ đẩy em bé ra ngoài. Lúc này, cơn gò chuyển dạ có thể xuất hiện 1 – 2 phút/lần, kéo dài từ 60 – 90 giây, diễn ra liên tục cho đến lúc sinh.

cơn gò chuyển dạ bao nhiêu phút 1 lần
Cơn gò chuyển dạ xuất hiện 10-12 phút/lần

Phân biệt cơn gò chuyển dạ thật và giả

Cơn gò chuyển dạ thật là cơn gò báo hiệu sắp sinh. Có 2 loại cơn gò chuyển dạ thật: cơn gò chuyển dạ thật đủ ngày đủ tháng (xuất hiện sau tuần 37), cơn gò chuyển dạ sinh non (xuất hiện trước tuần 37).

Cơn gò chuyển dạ giả (hay còn gọi là cơn gò sinh lý, cơn gò Braxton-Hicks) không phải là dấu hiệu sắp sinh. Nó là cơn gò sinh lý bình thường, không gây hại cho thai nhi, có thể xuất hiện ngay từ 3 tháng giữa thai kỳ và xuất hiện nhiều hơn vào 3 tháng cuối. Đây là cách mà tử cung luyện tập để làm quen dần với cơn gò chuyển dạ thật sau này.

Tham khảo: Cơn gò chuyển dạ bao lâu thì sinh? Nhận biết 4 dấu hiệu bất thường

Cơn gò chuyển dạ giả có thể bị nhầm với cơn gò chuyển dạ sinh non, bởi chúng đều xuất hiện trước tuần 37. Tuy nhiên, có những điểm khác biệt nhỏ để phân biệt 2 loại cơn gò này.
Những điểm khác biệt đó là gì? Hãy xem bảng so sánh dưới đây: [1]

Cơn gò chuyển dạ giả Cơn gò chuyển dạ đủ tháng Cơn gò chuyển dạ sinh non
Thời điểm xuất hiện Có thể xuất hiện ngay từ 3 tháng giữa, nhưng thường gặp nhất ở 3 tháng cuối thai kỳ Xuất hiện sau tuần thứ 37 Xuất hiện trước tuần 37
Tần suất Thỉnh thoảng xuất hiện, không có khoảng thời gian cố định, không thành cơn Xuất hiện đều đặn 5-10 phút/lần, khoảng cách giữa các cơn gò càng lúc càng gần nhau Giống cơn gò chuyển dạ đủ tháng
Thời gian kéo dài Thường ngắn hơn 30 giây Từ 30 – 90 giây Giống cơn gò chuyển dạ đủ tháng
Cảm nhận Bụng thường căng cứng và quặn, nhưng ít gây đau Cảm giác căng cứng hoặc co thắt đến rồi đi, xuất hiện ở phía lưng rồi lan dần ra đằng trước, càng lúc càng mạnh hơn và đau hơn Giống cơn gò chuyển dạ đủ tháng
Cách giảm nhẹ cơn gò Uống đủ nước, đổi tư thế, nghỉ ngơi Không giảm, càng lúc càng gò mạnh hơn Giống cơn gò chuyển dạ đủ tháng
Dấu hiệu đi kèm Không mở cổ tử cung Đau bụng dưới, căng tức vùng xương chậu, xóa mở cổ tử cung, bung nút nhầy, có thể vỡ ối Giống cơn gò chuyển dạ đủ tháng
Ngoài ra có thể kèm theo chảy máu âm đạo hoặc tiêu chảy

Phân biệt cơn gò sinh lý, cơn gò chuyển dạ đủ tháng và cơn gò chuyển dạ sinh non

hình ảnh cơn gò tử cung
Hình ảnh cơn gò tử cung

Dấu hiệu sắp sinh trong vài giờ

  • Tụt bụng: Thai nhi dịch chuyển dần xuống dưới và nằm gọn trong hố chấu, sẵn sàng để chui ra ngoài. Mẹ sẽ thấy bụng mình sa xuống hoặc nhọn hẳn xuống dưới, người nặng nề hơn. Dấu hiệu này đặc trưng ở lần mang thai đầu tiên, ở những lần mang thai sau thường mơ hồ hơn.
  • Vỡ ối: Cảm giác như có dòng nước chảy ra ở giữa 2 chân, thường màu vàng và dễ nhầm với nước tiểu. Khi có dấu hiệu vỡ ối, mẹ bầu cần đi khám ngay để tránh cạn ối ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Mở cổ tử cung: Trước cuộc sinh, cổ tử cung sẽ giãn nở và mở dần ra để có kẽ hở cho em bé chui ra. Mất khoảng 13 – 15 giờ kể từ khi cổ tử cung bắt đầu mở đến khi cổ tử cung mở ra hết cỡ (khoảng 10 cm).
  • Bung nút nhầy: nút nhầy bung ra, bám ở đũng quần lót thường có màu hồng hoặc màu sẫm, có lẫn một chút máu. Nếu nút nhầy bung kèm nhiều máu như máu kinh, mẹ bầu cần nhập viện ngay bởi đây là dấu hiệu nguy hiểm đến thai nhi.
  • Đau lưng, chuột rút: thai nhi dịch chuyển xuống đáy chậu gây chèn ép lên cột sống, bàng quang và các dây thần kinh cơ, khiến cho mẹ bị đau lưng và chuột rút nặng hơn.
  • Xuất hiện cơn gò tử cung: cơn gò tử cung diễn ra liên tục, thành cơn mỗi 10-12 phút, không thuyên giảm dù mẹ có nghỉ ngơi hay thay đổi tư thế, đây chính là dấu hiệu của cơn gò chuyển dạ sắp sinh. [2]
dấu hiệu sắp sinh trong vài giờ
Vỡ ối và bung nút nhầy là dấu hiệu sắp sinh trong vài giờ tới

Dấu hiệu bất thường cần nhập viện ngay

Bên cạnh các dấu hiệu sắp sinh kể trên, nếu mẹ bầu có xuất hiện các triệu chứng bất thường dưới đây, hãy nhập viện ngay:

  • Vỡ ối: Vỡ ối là dấu hiệu bình thường trước khi sinh. Tuy nhiên nếu ối vỡ sớm mà không có chuyển dạ có thể gây cạn ối, nguy hiểm cho thai nhi. Do đó, ngay khi có dấu hiệu vỡ ối, đặc biệt khi nước ối chảy nhiều thành dòng, thai phụ cần nhập viện ngay để được theo dõi và xử trí kịp thời.
  • Chảy máu âm đạo: Nhiều như máu kinh nguyệt, đây có thể là dấu hiệu của nhau bong non, nhau tiền đạo, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của thai nhi và mẹ.
  • Dấu hiệu tiền sản giật: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, đau hạ sườn phải. Tiền sản giật nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến biến chứng sản giật, đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
  • Thai nhi ít cử động hoặc ngừng cử động: dấu hiệu suy thai.

Mỗi dấu hiệu bất thường đều đi kèm với một biến chứng thai kỳ nguy hiểm. Do đó, việc nhận biết sớm các bất thường này và nhập viện đúng thời điểm sẽ giúp mẹ bầu bảo vệ chính mình và thai nhi.

Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc về cơn gò chuyển dạ bao nhiêu phút 1 lần. Hy vọng những thông tin về cơn gò chuyển dạ và dấu hiệu sắp sinh trên đây sẽ giúp mẹ chuẩn bị tốt hơn cho hành trình vượt cạn của mình. Aplicaps Việt Nam chúc mẹ vượt cạn thành công!

Dược sĩ Tú Oanh

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 Braxton-Hicks Contractions vs. Real Contractions. Truy cập ngày 30/4/2022.
https://www.healthline.com/health/pregnancy/braxton-hicks-contractions-vs-real-contractions
2 Signs that labour has begun. Truy cập ngày 30/4/2022.
https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/signs-of-labour/signs-that-labour-has-begun/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ