Doạ sảy thai là một trong những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng của thai kỳ. Dấu hiệu cảnh báo thường gặp nhất là chảy máu. Vậy doạ sảy thai ra máu bao lâu và xử lý như thế nào là an toàn nhất? Cùng Aplicaps tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Dọa sảy thai là gì?
Doạ sảy thai là tình trạng thai nhi vẫn còn sống trong tử cung nhưng mẹ bầu bắt đầu phát hiện những dấu hiệu bất thường như: ra máu âm đạo, đau bụng dưới âm ỉ, cảm giác nặng bụng, co thắt nhẹ…
Biến chứng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: bất thường nhiễm sắc thể ở thai nhi, rối loạn nội tiết tố, viêm nhiễm phụ khoa, tử cung dị dạng, có tiền sử sảy thai, lối sống không lành mạnh (uống rượu bia, hút thuốc lá, làm việc quá sức…)
Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị doạ sảy thai trước tuần thứ 20 rất cao, chiếm khoảng 15 – 20%. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp đều dẫn đến sảy thai thật sự. Nếu theo dõi sát sao và có phương pháp xử lý phù hợp, mẹ bầu vẫn có thể giữ được em bé. ((Threatened Abortion (Threatened Miscarriage). Truy cập ngày 05/ 06/ 2025.
https://www.healthline.com/health/miscarriage-threatened))

Phân biệt dọa sảy thai và sảy thai
Dưới đây là những thông tin cơ bản giúp phân biệt doạ sảy thai, sảy thai hoàn toàn và sảy thai không hoàn toàn:
Doạ sảy thai | Sảy thai hoàn toàn | Sảy thai không hoàn toàn | |
Định nghĩa | Thai nhi còn sống trong tử cung nhưng xuất hiện những dấu hiệu bất thường như: ra máu âm đạo, đau bụng dưới âm ỉ. | Thai nhi bị đẩy hoàn toàn ra khỏi tử cung. | Một phần thai nhi bị đẩy ra ngoài, một phần còn sót lại trong tử cung. |
Dấu hiệu chính | Ra máu âm đạo ít, màu nâu hoặc đỏ sẫm; đau lưng dưới, đau bụng dưới âm ỉ; cảm giác nặng bụng, co thắt nhẹ. | Ra máu âm đạo nhiều kèm mô thai; đau bụng dữ dội nhưng sau đó giảm nhanh. | Ra máu âm đạo kéo dài kèm mô thai; đau bụng liên tục. |
Mức độ ra máu | Ra máu ít, kéo dài khoảng vài giờ đến vài ngày tuỳ vào phương pháp điều trị. | Ra máu nhiều trong thời gian ngắn, sau đó giảm dần và hết. | Ra máu nhiều và kéo dài, không thuyên giảm nếu không can thiệp y tế đúng cách. |
Tình trạng thai nhi | Thai nhi còn sống, khi siêu âm thấy tim thai còn hoạt động. | Thai nhi đã chết, không còn trong tử cung. | Thai nhi đã chết, vẫn còn sót lại mô thai hoặc nhau thai trong tử cung. |

Dọa sảy thai ra máu bao lâu?
Vậy doạ sảy thai ra máu bao lâu? Thời gian ra máu thường dao động từ vài giờ đến 1 – 2 tuần, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Tuổi thai: Hiện tượng dọa sảy thai và ra máu âm đạo thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ), kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.
- Mang đa thai: Khi mang đa thai (song thai, tam thai…), tử cung chịu áp lực lớn hơn, nhau thai dễ bị bong một phần làm tăng nguy cơ chảy máu. Do đó, thời gian ra máu thường kéo dài hơn, có thể 1 – 2 tuần.
- Cơ địa mẹ bầu: Nếu cơ thể khoẻ mạnh và được chăm sóc đúng cách, ra máu thường chấm dứt sớm chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Trong trường hợp rối loạn nội tiết tố, tử cung dị dạng, có tiền sử sảy thai… máu có thể ra lâu hơn và nguy cơ cao tiến triển thành sảy thai thật sự nếu không can thiệp kịp thời.
Cách xử trí khi ra máu dọa sảy thai
Ngay sau khi ra máu và có dấu hiệu doạ sảy thai, mẹ bầu cần: ((Threatened Miscarriage. Truy cập ngày 05/ 06/ 2025.
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/25055-threatened-miscarriage))
- Đi khám, sử dụng thuốc đúng cách: Đi khám ngay lập tức tại cơ sở y tế uy tín để thực hiện các xét nghiệm giúp đánh giá mức độ bong nhau thai và nguy cơ sảy thai. Tuỳ kết quả, bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc dưỡng thai, thuốc nội tiết (Dydrogesterone hoặc Progesterone) hoặc nằm viện theo dõi nếu cần thiết.
- Nghỉ ngơi tuyệt đối: Mẹ bầu nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường, hạn chế vận động tối đa, kể cả việc đi lại, đứng quá lâu hoặc leo cầu thang. Ưu tiên nằm nghiêng bên trái để cải thiện lưu lượng máu đến tử cung và thai nhi. Ngoài ra, mẹ bầu cần tránh các yếu tố gây căng thẳng tinh thần như thiếu ngủ, áp lực công việc, mâu thuẫn trong gia đình…
- Tránh làm việc nặng: Mẹ bầu cần tuyệt đối tránh các hoạt động như bê vật nặng, xách đồ, cúi người, lau dọn nhà cửa, làm việc liên tục trong thời gian dài đặc biệt là trong môi trường độc hại, ồn ào, nhiều áp lực…
- Tránh quan hệ tình dục: Tuyệt đối không quan hệ tình dục trong thời gian ra máu và nghi ngờ dọa sảy thai. Sau khi cơ thể ổn định, cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn quan hệ trở lại.

Phòng ngừa dọa sảy thai
Ngăn ngừa hoàn toàn doạ sảy thai và sảy thai là cực kỳ khó. Một số lưu ý dưới đây sẽ góp phần phòng tránh tình trạng trên và hỗ trợ quá trình mang thai khoẻ mạnh: ((Threatened Miscarriage. Truy cập ngày 05/ 06/ 2025.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430747/))
- Khám thai định kỳ từ sớm và đều đặn: Bắt đầu khám thai ngay khi trễ kinh và duy trì lịch khám đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như: nhau tiền đạo, tụ dịch màng nuôi, hở eo tử cung… và có biện pháp xử lý kịp thời.
- Bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết: Chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng nhóm chất cần thiết, đặc biệt là acid folic, sắt, canxi, DHA, vitamin D… để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và sảy thai sớm. Không ăn thực phẩm sống, đồ ăn chế biến sẵn, sữa và các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng…
- Tránh hoàn toàn các chất kích thích: Bao gồm rượu bia, thuốc lá, cà phê hoặc đồ uống chứa caffeine khác.
- Chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Ngủ đủ giấc (7 – 8 tiếng mỗi đêm), nghỉ trưa ít nhất 30 phút, không vận động quá sức, mang vác nặng, leo cầu thang nhiều lần, làm việc dưới thời tiết quá lạnh hoặc nắng nóng.
- Tránh tiếp xúc với hoá chất độc hại: Không tiếp xúc với sơn, dung môi, thuốc trừ sâu, chất tẩy rửa mạnh… để tránh ảnh hưởng đến nội tiết tố, ngăn ngừa sảy thai hoặc dị tật thai nhi.
- Điều trị nhanh chóng bất kỳ tình trạng viêm nhiễm nào: Ngay khi bị cảm cúm, viêm họng, nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu chảy do vi khuẩn… mẹ bầu cần khám bác sĩ và điều trị đúng cách. Vì nhiễm trùng có thể làm tăng nguy cơ co bóp tử cung dẫn đến doạ sảy thai, sảy thai.
Mong rằng bài viết trên giúp bạn giải đáp thắc mắc “Doạ sảy thai ra máu bao lâu?”. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sức khoẻ của mẹ và bé, bạn có thể truy cập vào website aplicaps.vn hoặc liên hệ hotline 1900 636 985, các chuyên gia đầu ngành sẽ là người trực tiếp giải đáp cho bạn.