Phù chân là hiện tượng gặp phải ở rất nhiều mẹ bầu, đặc biệt từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Nhiều mẹ bầu bị phù chân tháng thứ 5 lo lắng không biết liệu có nguy hiểm không? Và mong muốn tìm giải pháp để giảm tình trạng phù chân. Mẹ hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của Aplicaps nhé!
Nguyên nhân mẹ bầu bị phù chân tháng thứ 5
Mẹ bầu có thể gặp tình trạng phù chân ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, phù chân xuất hiện rõ nhất bắt đầu từ tháng thứ 5 của thai kỳ. Nguyên nhân bị phù chân là do:
Tích tụ chất lỏng dư thừa
Khi mang thai tháng thứ 5, thể tích tuần hoàn tăng lên khoảng 30-50% so với bình thường. Lượng dịch cơ thể cũng tăng lên đến 8 lít và làm tăng áp lực chèn ép lên hệ mạch. Một phần chất lỏng tham gia hỗ trợ các hoạt động của tế bào. Phần còn lại sẽ tích tụ bên ngoài để loại bỏ chất thải và kiểm soát dòng chảy của chất điện giải. Chất lỏng sau đó sẽ không được bài tiết ra khỏi cơ thể kịp gây ứ đọng, dư thừa. Lượng dịch dư thừa này có xu hướng tích tụ xuống chân, đặc biệt vào những ngày nóng bức hoặc khi đứng quá lâu. [1].
Tử cung lớn
Vào tháng thứ 5, thai nhi đã phát triển lớn làm cho tử cung tạo áp lực lên các tĩnh mạch chậu và tĩnh mạch chủ dưới. Áp lực lại càng tăng lên khi khi mẹ mang đa thai do tử cung lớn hơn rất nhiều. Điều này làm cho máu lưu thông kém và chảy dồn về dưới chân, xuất hiện tình trạng phù chân.
Hormon thay đổi
Hormon nội tiết thay đổi là nguyên nhân gây sưng phù chân trong suốt các giai đoạn của thai kỳ. Sự thay đổi này làm cho máu thành mạch mềm hơn nên khó vận chuyển máu từ các chi về tim hơn.
Nguyên nhân khác
Ngoài ra, tình trạng phù chân càng nghiêm trọng hơn khi:
- Mẹ bầu đứng quá lâu hoặc làm việc nặng.
- Cân nặng của mẹ tăng vọt gây sức ép lên đôi chân.
- Thường xuyên đi giày cao gót hoặc giày dép chật.
Mẹ bầu bị phù chân tháng thứ 5 có nguy hiểm không?
Bà bầu bị phù chân có sao không? Chân bị phù khi mang thai là một thay đổi sinh lý bình thường và có thể xuất hiện bất cứ giai đoạn nào. Mức độ phù chân tăng dần theo từng giai đoạn mang thai:
- Tam cá nguyệt thứ nhất: Phù chân mới ở mức độ nhẹ và nguyên nhân chủ yếu là do nội tiết tố cơ thể bị thay đổi. Ở giai đoạn này, tình trạng phù chân không đáng lo ngại.
- Tam cá nguyệt thứ 2: Từ tháng thứ 5 của thai kỳ, mẹ bầu cảm nhận được sự sưng phù rõ rệt ở chân. Sưng tăng kích thước và thường xuất hiện ở bắp chân, mu bàn chân và mắt cá chân.
- Tam cá nguyệt thứ 3: Chân bị sưng lên, phù nề, không gây đau đớn nhưng rất bất tiện trong sinh hoạt. Khi dùng tay ấn nhẹ có hiện tượng da bị lõm và vài giây sau mới trở về trạng thái ban đầu.
Mẹ bị phù chân với các dấu hiệu trên không đáng lo ngại. Tuy nhiên, mẹ bầu bị phù chân tháng thứ 5 kèm một số triệu chứng khác cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý.
Nguy cơ tiền sản giật
Tiền sản giật thường xuất hiện từ tháng 5 của thai kỳ và dấu hiệu càng rõ vào giai đoạn cuối của thai kỳ. Ngoài các dấu hiệu trên, phù chân do tiền sản giật thường đi kèm các triệu chứng như:
- Tăng huyết áp.
- Tăng cân bất thường.
- Nước tiểu sậm màu.
- Đau đầu dai dẳng.
- Thị lực giảm.
- Xuất hiện tình trạng buồn nôn, nôn mửa. [2].
Tiền sản giật nếu không điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và thai nhi. Do đó, mẹ hãy chú ý những dấu hiệu bất thường khác để đi khám và điều trị kịp thời.
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Nguy cơ mẹ bầu mắc huyết khối tĩnh mạch sâu gấp 5 lần so với trước khi có thai. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm như suy tĩnh mạch, thuyên tắc mạch phổi, nhiễm trùng… [3].
Ngoài sưng phù chân, huyết khối tĩnh mạch sâu còn gây ra một số dấu hiệu như:
- Đau nhức bắp chân.
- Hai chân sưng không đều nhau.
- Cảm giác nóng ở chân và da đỏ hơn.
- Tĩnh mạch giãn hơn.
Nếu xuất hiện 1 trong các dấu hiệu trên, mẹ hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán, tìm nguyên nhân và điều trị.
Cách làm giảm phù chân khi mang thai
Phù chân vào tháng thứ 5 làm cho mọi sinh hoạt của mẹ trở lên khó khăn hơn. Mẹ hãy bỏ túi một số cách làm giảm phù chân ở bà bầu dưới đây để cải thiện tình trạng này:
- Xoa bóp: Đây là một giải pháp hữu hiệu để giảm đau và sưng. Xoa bóp chân giúp cho máu được lưu thông tốt hơn và hỗ trợ loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Điều này vừa giúp chân giảm sưng phù, vừa giúp mẹ bầu thư giãn.
- Ngâm chân: Sử dụng nước ấm hoặc một số loại thảo dược ngâm chân giúp tuần hoàn lưu thông tốt hơn và giảm sưng chân.
- Chế độ sinh hoạt: Đứng hoặc ngồi quá lâu làm cho tình trạng phù chân nghiêm trọng hơn. Mẹ hãy thường xuyên đứng dậy đi lại. Đồng thời, bạn nên tập thể dục và vận động nhẹ nhàng để máu lưu thông tốt hơn.
- Tư thế ngủ: Các mẹ bầu nên nằm nghiêng sang trái giúp giảm áp lực lên tử cung, cải thiện khả năng bơm máu từ các chi về tim. Nhờ đó làm giảm tình trạng sưng phù chân.
- Bổ sung đủ nước: Uống đủ nước giúp hạn chế tình trạng dư thừa chất lỏng gây sưng phù chân. Nếu bạn không bổ sung đủ nước, cơ thể sẽ cố gắng giữ nhiều hơn để bù đắp. Điều này khiến phù chân trở nên trầm trọng hơn.
Một số thắc mắc khi mẹ bầu bị phù chân
Chắc hẳn mẹ vẫn còn rất nhiều điều thắc mắc khi bị phù chân vào tháng thứ 5 của thai kỳ. Dưới đây là một số điều mà rất nhiều mẹ bầu quan tâm và mong muốn tìm lời giải đáp:
Bà bầu bị phù chân có nên đi bộ không?
Khi bị phù chân, mọi sinh hoạt của mẹ bầu trở nên khó khăn. Nhưng mẹ hãy dành thời gian để đi bộ và vận động để tăng cường sức khỏe. Đi bộ vừa giúp cải thiện tuần hoàn, khắc phục tình trạng phù chân, vừa giúp dễ đẻ hơn.
Vào những tháng đầu thai kỳ, thai nhi còn chưa ổn định nên mẹ cần hạn chế đi lại. Từ tháng thứ 4 trở đi, thai nhi đã phát triển ổn định hơn, nguy cơ phù chân cũng lớn hơn. Do đó, mẹ nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày để đi bộ.
Thời điểm đi bộ tốt nhất là vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi trời râm mát. Khi đi bộ, mẹ cần lựa chọn trang phục, giày dép thoải mái và thuận tiện nhất để dễ dàng di chuyển. Ngoài ra, mẹ cũng cần có thêm người đồng hành để đề phòng bất trắc có thể xảy ra.
Phù chân sau sinh có hết không?
Sau khi sinh, cơ thể mẹ sẽ loại bỏ dần chất lỏng dư thừa. Và tình trạng phù chân sẽ hết sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, phù chân sau khi sinh cũng có thể kéo dài thêm một thời gian ngắn. Nguyên nhân là do mẹ bầu có tiền sử cao huyết áp, tiền sản giật hoặc truyền dịch khi sinh mổ. Mẹ nên áp dụng các biện pháp giảm phù chân để cải thiện tình trạng này.
Mong rằng bài viết trên sẽ hữu ích cho các mẹ bầu bị phù chân tháng thứ 5. Nếu mẹ có các thắc mắc về thai kỳ hãy liên hệ với Aplicaps qua số hotline 1900 636 985 (nhánh số 2) để được tư vấn bởi các chuyên gia.
Tài liệu tham khảo
↑1 | When Pregnancy Swelling Becomes Concerning. Truy cập ngày 30/8/2022. https://www.healthline.com/health/pregnancy/swelling-in-pregnancy-when-to-worry |
---|---|
↑2 | Preeclampsia. Truy cập ngày 30/8/2022. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/preeclampsia/symptoms-causes/ |
↑3 | Deep venous thrombosis in pregnancy. Truy cập ngày 30/8/2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5778511/#:~:text |