ra-mau-khi-mang-thai

Ra máu khi mang thai: Nguyên nhân & Hướng dẫn xử lý an toàn

Hiện tượng ra máu khi mang thai là một trong những dấu hiệu khiến nhiều mẹ bầu lo lắng, đặc biệt là trong những tháng đầu thai kỳ. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, mức độ cũng như cách xử lý khi bị ra máu trong thai kỳ, mẹ hãy đọc ngay bài viết sau của Aplicaps.

Tổng quan về hiện tượng ra máu khi mang thai

Ra máu khi mang thai là hiện tượng xuất hiện máu âm đạo trong các giai đoạn thai kỳ. Máu có thể có màu đỏ tươi, đỏ thẫm hay màu nâu, chảy nhiều hay ít tùy thuộc vào từng nguyên nhân cũng như liên quan đến các giai đoạn mang thai cụ thể.

Có khoảng từ 20-25% phụ nữ mang thai từng bị ra máu trong thai kỳ và đặc biệt xảy ra trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên. Trong đó, nhiều trường hợp bị ra máu là lành tính và không ảnh hưởng tới thai nhi.

Mẹ bầu bị ra máu không phải lúc nào cũng là dấu hiệu nguy hiểm mà còn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ một số trường hợp bà bầu bị ra máu khi mang thai là bình thường khi đó là máu báo thai, chảy máu do sự thay đổi nội tiết tố hoặc do kích ứng cổ tử cung.. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bà bầu ra máu cần được thăm khám ngay như ra máu do dọa sảy, thai ngoài tử cung, nhau tiền đạo..

Việc đi khám thai sớm khi bị ra máu là điều cần thiết để xác định rõ nguyên nhân vì sao bị ra máu cũng như đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.[1]

Hiện tượng ra máu trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra
Hiện tượng ra máu trong thai kỳ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra

Phân loại ra máu khi mang thai

Tình trạng ra máu khi mang thai có thể được phân loại dựa trên một số đặc điểm cụ thể sau đây. Mẹ cần lưu ý đây là những dấu hiệu mang tính gợi ý và không thay thế cho việc thăm khám chuyên sâu.

Dựa trên màu sắc máu

Mẹ bầu có thể dựa vào màu sắc của máu để nhận biết tính chất và mức độ nghiêm trọng của hiện tượng ra máu khi mang thai, cụ thể: [2]

  • Máu đỏ tươi: Khi ra máu màu đỏ tươi có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, nhau tiền đạo hoặc cổ tử cung bị tổn thương.
  • Máu đỏ thẫm: Máu đỏ thẫm hay xuất hiện khi máu chảy chậm hoặc bị ứ đọng bên trong âm đạo.
  • Máu nâu hoặc đen: Ra máu màu nâu hoặc đen thường là máu cũ, có thể thấy khi bong tróc niêm mạc tử cung và ở những trường hợp ít nghiêm trọng.
Màu máu đỏ tươi có thể là dấu hiệu dọa sảy thai hay nhau tiền đạo
Màu máu đỏ tươi có thể là dấu hiệu dọa sảy thai hay nhau tiền đạo

Dựa trên lượng máu

Khi bị ra máu khi mang thai, mẹ bầu cũng cần lưu ý lượng máu chảy vì đây là yếu tố quan trọng cho thấy mẹ đang trong tình huống nguy hiểm hay không.

  • Ra máu lấm tấm: Đây có thể là hiện tượng sinh lý bình thường như máu báo thai hoặc do cổ tử cung bị kích ứng, nhạy cảm.
  • Ra máu nhiều (thấm đẫm băng vệ sinh, kèm theo cục máu đông): Trường hợp này mẹ cần đi khám ngay vì các dấu hiệu ra máu đang cảnh báo những bất thường nghiêm trọng.

Dựa trên triệu chứng kèm theo

Ngoài những dấu hiệu trên, việc lưu ý các dấu hiệu kèm theo như đau bụng, sốt, choáng váng.. cũng giúp mẹ biết được tình trạng sức khỏe của bản thân khi bị ra máu:

  • Không bị đau: Trường hợp ra máu nhưng không đau thường ít nguy hiểm hơn nhưng mẹ vẫn cần theo dõi.
  • Kèm theo đau bụng dưới, sốt, choáng váng, co thắt tử cung: Đây là những dấu hiệu cảnh báo sảy thai, thai ngoài tử cung, nhiễm trùng.. bà bầu cần đi khám sớm để được xử lý kịp thời.

Mặc dù việc phân loại các hiện tượng ra máu khi mang thai sẽ giúp mẹ phán đoán được một phần mức độ nguy hiểm, tuy nhiên các bà bầu không nên tự chẩn đoán và xử lý tại nhà mà cần đi khám sớm để xác định nguyên nhân cụ thể cũng như có các biện pháp phản ứng kịp thời.

Nguyên nhân ra máu khi mang thai theo từng giai đoạn thai kỳ

Dưới đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng ra máu khi mang thai phân loại theo từng giai đoạn thai kỳ.

Ra máu khi mang thai 3 tháng đầu (Tuần 1 – 13)

Trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu bị ra máu có thể do nguyên nhân sinh lý bình thường hoặc do các vấn đề nguy hiểm gây ra.

Nguyên nhân thường gặp/lành tính

Đây là những trường hợp ra máu không quá nghiêm trọng nhưng mẹ vẫn cần được theo dõi kỹ lưỡng:

  • Máu báo thai: Máu báo thai xuất hiện khi trứng đã thụ tinh làm tổ vào thành tử cung. Trường hợp này có thể gây chảy một lượng máu rất ít, thời gian thường xuất hiện sớm (vào khoảng tuần 4-5 thai kỳ).
  • Tụ máu dưới màng đệm: Là hiện tượng máu tích tụ giữa nhau thai và tử cung. Tụ máu dưới màng đệm có thể gây ra hiện tượng ra máu nhẹ và có thể tự khỏi.
  • Thay đổi ở cổ tử cung: Khi mẹ bắt đầu mang thai, lưu lượng máu đến cổ tử cung tăng lên khiến cho vùng này dễ chảy máu nhẹ sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi mẹ khám phụ khoa.
Ra máu nhẹ thời gian đầu mang thai có thể là máu báo thai
Ra máu nhẹ thời gian đầu mang thai có thể là máu báo thai

Nguyên nhân nghiêm trọng (cần can thiệp y tế)

Đây là những tình huống ra máu nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cao mà mẹ bầu cần đi khám ngay: [3]

  • Dọa sảy thai: Hiện tượng ra máu có thể kèm theo đau lưng hoặc đau bụng dưới âm ỉ, cổ tử cung chưa mở.
  • Thai ngoài tử cung: Khi trứng làm tổ ngoài tử cung có thể gây chảy máu trong và ngoài âm đạo, khiến mẹ bị đau dữ dội, gây nguy hiểm tính mạng người mẹ nếu không xử lý kịp thời.
  • Thai trứng: Là trường hợp hiếm gặp khiến nhau thai phát triển bất thường, kèm theo tình trạng ra máu sẫm màu, làm cho mẹ bầu buồn nôn dữ dội và tử cung to nhanh bất thường.

Ra máu khi mang thai 3 tháng giữa và cuối (Tuần 14 trở đi)

Ở giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, ra máu khi mang thai thường liên quan đến các tình trạng nghiêm trọng hơn và cần được theo dõi sát sao.

Nguyên nhân nghiêm trọng (Thường cần cấp cứu)

Trong giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, hiện tượng ra máu âm đạo có thể là dấu hiệu của những biến chứng nghiêm trọng, bà bầu cần được đưa đi cấp cứu ngay.

  • Nhau tiền đạo: Là trường hợp nhau thai bám thấp che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, gây ra tình trạng chảy máu đỏ tươi nhưng không kèm theo đau bụng.
  • Nhau bong non: Là trường hợp nhau thai bong sớm khỏi thành tử cung khiến mẹ bị đau bụng dữ dội kèm theo ra máu. Đây là tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi.
  • Vỡ mạch máu tiền đạo: Vỡ mạch máu tiền đạo là một biến chứng hiếm gặp trong thai kỳ, xảy ra khi mạch máu thai nhi đi qua cổ tử cung bị vỡ lúc chuyển dạ và gây ra mất máu nghiêm trọng.
  • Vỡ tử cung: Bị vỡ tử cung là biến chứng cấp cứu thường gặp ở những mẹ có vết mổ cũ, kèm theo dấu hiệu đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo và có nguy cơ tử vong cao.
Ra máu âm đạo 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối có thể là tình trạng nghiêm trọng
Ra máu âm đạo 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối có thể là tình trạng nghiêm trọng

Nguyên nhân liên quan đến chuyển dạ

Hiện tượng ra máu khi mang thai cũng có thể liên quan đến quá trình chuyển dạ nhất là khi mẹ đã tới giai đoạn những tháng cuối thai kỳ.

  • Dọa sinh non: Bà bầu bị ra máu màu nhạt khi bị dọa sinh non, thường vào trước tuần 37 thai kỳ và kèm theo các cơn gò tử cung, đau lưng.
  • Chuyển dạ sớm: Khi có các dấu hiệu chuyển dạ, các bà bầu có thể thấy máu hồng hoặc kèm dịch nhầy.

Nguyên nhân khác (ít nguy hiểm hơn)

Ngoài những nguyên nhân nghiêm trọng kể trên, vẫn có những lý do ít nguy hiểm hơn nhưng cũng có thể khiến mẹ bầu ra máu khi mang thai.

  • Polyp cổ tử cung: Là khối u lành tính và dễ bị chảy máu khi bị chạm vào.
  • Viêm nhiễm âm đạo hoặc cổ tử cung: Hiện tượng viêm nhiễm có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ và khiến mẹ bị ra máu nhẹ, kèm theo khí hư bất thường.
  • Tổn thương tử cung do quan hệ tình dục hoặc khám phụ khoa sâu.

Ra máu khi mang thai: Khi nào mẹ bầu cần đi khám?

Mẹ bầu không nên xem nhẹ hiện tượng ra máu khi mang thai. Dù lượng máu ra ít hay không kèm các dấu hiệu rõ rệt thì việc đi khám sớm là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. [4]

Các dấu hiệu bà bầu cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức gồm có:

  • Bị chảy máu nhiều (thấm ướt băng vệ sinh sau 1-2 giờ).
  • Đau bụng dưới dữ dội, đau quặn từng cơn hoặc cơn đau kéo dài.
  • Chóng mặt, buồn nôn, làn da xanh xao.
  • Sốt cao, ớn lạnh.
  • Có cục máu đông lớn.
  • Ra máu sau chấn thương tại vùng bụng.

Chẩn đoán ra máu khi mang thai

Khi bà bầu bị ra máu trong thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra để xác định nguyên nhân ra máu cụ thể và mức độ nguy hiểm. Các phương pháp chẩn đoán gồm có:

  • Khai thác bệnh sử và triệu chứng: Bác sĩ sẽ hỏi về thời điểm mẹ bầu bắt đầu ra máu, lượng máu, màu sắc, các triệu chứng đi kèm như đau bụng, chóng mặt, sốt… cũng như tiền sử thai kỳ, bệnh lý sản khoa của mẹ trước đó.
  • Thăm khám lâm sàng: Kiểm tra toàn trạng sức khỏe của mẹ bầu như mạch, huyết áp, nhiệt độ cơ thể và các dấu hiệu mất máu.
  • Khám phụ khoa bằng mỏ vịt và khám trong: Khám phụ khoa giúp đánh giá cổ tử cung của mẹ có mở không, có bị tổn thương, có polyp hoặc xuất hiện dấu hiệu chảy máu từ âm đạo hay không.
  • Siêu âm thai: Siêu âm là phương pháp quan trọng giúp kiểm tra vị trí thai nhi, tình trạng nhau thai, lượng nước ối và hoạt động tim thai bình thường không.
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá mức độ mất máu, đo nồng độ hCG để đánh giá sự phát triển của thai, kiểm tra progesterone để xác định nguy cơ sảy thai, hoặc xét nghiệm đông máu nếu nghi ngờ nhau bong non.
Các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân vì sao bà bầu ra máu
Các bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân vì sao bà bầu ra máu

Hướng dẫn xử lý ra máu khi mang thai

Dưới đây là hướng dẫn xử lý khi mẹ gặp phải tình trạng ra máu khi mang thai, giúp các bà bầu biết cách xử lý kịp thời và hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và em bé.

Gọi cho bác sĩ

Ngay khi phát hiện có dấu hiệu ra máu, việc đầu tiên mẹ bầu cần làm là liên hệ với bác sĩ dù chỉ ra một chút máu hay có lượng máu lớn. Hành động này sẽ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng của mẹ và em bé một cách kịp thời để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo dõi đặc điểm ra máu

Trong khi đợi sự giúp đỡ từ bác sĩ, mẹ bầu cần chú ý và ghi lại các đặc điểm của tình trạng ra máu để cung cấp cho bác sĩ những thông tin cần thiết. Các yếu tố quan trọng mẹ bầu cần theo dõi bao gồm:

  • Màu sắc máu: Quan sát màu sắc máu, nhận biết máu đỏ tươi, nâu sẫm hay hồng nhạt và báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân có thể xảy ra. Ví dụ, màu máu đỏ tươi thường là dấu hiệu của những vấn đề cấp tính, trong khi máu nâu sẫm có thể là dấu hiệu của việc thai làm tổ trong tử cung hoặc sự thay đổi bình thường của cơ thể.
  • Lượng máu: Mẹ bầu nên ghi lại lượng máu chảy, dù là một vệt máu nhỏ hay đã máu thấm đủ để làm ướt băng vệ sinh. Ghi lại lượng máu có thể cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng ra máu khi mang thai, từ đó giúp bác sĩ đưa ra quyết định chính xác.
  • Các triệu chứng đi kèm: Nếu bà bầu cảm thấy đau bụng, chóng mặt, sốt hoặc thấy các triệu chứng khác kèm theo thì cần ghi lại chi tiết và thông báo ngay cho bác sĩ.

Nghỉ ngơi và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ

Mẹ bầu cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ để xử lý tình trạng ra máu an toàn. Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc sức khỏe tại nhà mẹ cần lưu ý:

  • Nghỉ ngơi tại nhà hoặc nhập viện theo dõi: Nếu tình trạng ra máu không quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể để mẹ bầu nghỉ ngơi tại nhà để theo dõi tình trạng sức khỏe. Với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ bầu cần nhập viện.
  • Tránh quan hệ tình dục và thụt rửa âm đạo: Khi có dấu hiệu ra máu, mẹ bầu cần tránh các hành động có thể làm tình trạng ra máu thêm trầm trọng như quan hệ tình dục hoặc thụt rửa âm đạo.
  • Theo dõi thai nhi thường xuyên bằng siêu âm hoặc xét nghiệm: Bác sĩ có thể yêu cầu mẹ siêu âm để kiểm tra tình trạng của thai nhi và xác định nguyên nhân bị ra máu. .

Mẹ bầu cần phòng ngừa ra máu khi mang thai bằng cách nào?

Để phòng ngừa tình trạng ra máu khi mang thai, các bà bầu cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe một cách chủ động. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ ra máu trong thai kỳ mẹ có thể tham khảo và áp dụng:

Khám thai theo lịch định kỳ đầy đủ, đúng lịch

Khám thai theo lịch định kỳ hoặc khám theo lịch hẹn của bác sĩ là cách giúp mẹ phòng ngừa các biến chứng khi mang thai hiệu quả. Các bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm bất thường nếu có, từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời.

Khám thai theo lịch định kỳ là cách giúp mẹ phòng ngừa ra máu trong thai kỳ hiệu quả
Khám thai theo lịch định kỳ là cách giúp mẹ phòng ngừa ra máu trong thai kỳ hiệu quả

Điều trị các viêm nhiễm phụ khoa trước khi mang thai

Trước khi mang thai, mẹ cần điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung. Nếu các bệnh này nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trong thai kỳ và làm tăng nguy cơ bị chảy máu.

Tránh các hoạt động thể chất quá mức

Thực hiện các hoạt động thể chất quá mức như tập luyện cường độ cao hoặc làm các công việc đòi hỏi nhiều sức lực có thể tạo áp lực lên tử cung, gây ra máu khi mang thai. Mẹ bầu nên tránh hoạt động căng thẳng và duy trì cường độ tập nhẹ nhàng để có sức khỏe tốt.

Kiểm soát các bệnh lý nội khoa

Những mẹ bầu có bệnh lý nền như tiểu đường, huyết áp cao hay rối loạn đông máu cần kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của mình để tránh nguy cơ ra máu và các biến chứng trong thai kỳ.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ hỗ trợ sự phát triển của thai nhi mà còn giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe tốt. Việc cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất đặc biệt là axit folic, sắt, canxi sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe của mẹ bầu trong thai kỳ, bao gồm cả tình trạng ra máu.

Ra máu khi mang thai có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ lành tính đến nghiêm trọng. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì thì mẹ bầu vẫn cần đi khám để biết rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó đảm bảo sự an toàn cho mẹ và thai nhi. Nếu có những thắc mắc khác hoặc cần trợ giúp, mẹ hãy truy cập vào website aplicaps.vn hoặc gọi tới đường dây nóng 1900 636 985.

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 Bleeding during pregnancy. Truy cập ngày 27/4/2025.
https://www.mayoclinic.org/symptoms/bleeding-during-pregnancy/basics/causes/sym-20050636
2 Causes and Risks of Bleeding During Pregnancy. Truy cập ngày 27/4/2025.
https://basakbaksu.com.tr/en/Types-of-bleeding-during-pregnancy-and-treatment-methods/
3 Symptoms -Ectopic pregnancy. Truy cập ngày 27/4/2025.
https://www.nhs.uk/conditions/ectopic-pregnancy/symptoms/
4 Bleeding During Pregnancy. Truy cập ngày 27/4/2025.
https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/22044-bleeding-during-pregnancy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ