sau khi sảy thai có hiện tượng gì

Sau khi sảy thai có hiện tượng gì? 5 điều nên và không nên làm sau sảy thai!

Sau sảy thai, nhiều thai phụ cảm thấy lo lắng khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường. Vậy thông thường, sau khi sảy thai có hiện tượng gì? Cách chăm sóc người mẹ tốt nhất sau sảy thai? Mẹ sẽ tìm thấy thông tin cần thiết trong bài viết dưới đây.

Sau khi sảy thai có hiện tượng gì?

Sau sảy thai, nồng độ hormon trong cơ thể thai phụ dần trở lại bình thường như trước khi mang thai. Điều này khiến thai phụ gặp phải một số triệu chứng khác nhau, thậm chí kéo dài hàng tuần và biểu hiện rõ rệt hơn những gì mẹ cảm nhận được trước khi sảy thai. Những triệu chứng đó bao gồm:

  • Xuất huyết âm đạo: Sau sảy thai, bà bầu thường gặp phải tình trạng chảy máu “vùng kín”. Nhiều thai phụ cho rằng chảy máu sau sảy thai tương tự kỳ kinh nguyệt, kéo dài khoảng 7 ngày đến 2 tuần kèm cơn đau bụng. Sau đó, cảm giác đau vùng bụng và hiện tượng chảy máu sẽ giảm dần cho đến khi hết hẳn. Tham khảo: Máu kinh khác máu sảy thai như thế nào? Cách phân biệt đơn giản nhất
  • Sốt sau sảy thai: Sau sảy thai, cơ thể người mẹ rất yếu ớt. Nếu không vệ sinh và chăm sóc sức khỏe đúng cách, mẹ dễ bị viêm nhiễm âm đạo hoặc tử cung gây ra các cơn sốt dai dẳng. Lúc này, mẹ cần đến cơ sở y tế sớm nhất để khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. [1]
  • Căng tức ngực: Phần ngực lớn hơn, căng sữa hoặc rò rỉ sữa mang lại nhiều phiền toái cho chị em sau sảy thai. May mắn đây chỉ là triệu chứng tạm thời và sẽ kết thúc trong một vài tuần. Người mẹ có thể giảm cảm giác căng tức, khó chịu bằng cách chườm đá lạnh hoặc không mặc áo ngực.
  • Viêm nhiễm âm đạo: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là do vệ sinh vùng kín không đúng cách hoặc quan hệ không đúng cách dẫn tới sự phát triển của vi khuẩn, nấm. Viêm nhiễm vùng kín đặc trưng bởi cảm giác đau rát, ngứa vùng kín kèm theo khí hư có mùi hôi. Nếu không phòng ngừa và chữa trị kịp thời, bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong lần mang thai tới.
  • Chưa xuất hiện kinh nguyệt ngay: Nhiều chị em nhầm lẫn hiện tượng chảy máu sau sảy thai với kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, “kỳ đèn đỏ” chỉ xuất hiện trở lại sau 4 – 6 tuần sảy thai. Lượng máu kỳ kinh này nhiều hơn, kéo dài hơn chu kỳ thông thường nên mẹ cần chú ý giữ vệ sinh vùng kín để tránh viêm nhiễm.
  • Buồn bã: Sảy thai là nỗi mất mát lớn với bất kỳ người mẹ nào. Mẹ thường trải qua cảm giác buồn bã, tuyệt vọng, đau đớn, tự trách, nặng hơn là trầm cảm, suy sụp. Chính vì vậy, sau sảy thai, người thân, bạn bè cần luôn bên cạnh để chia sẻ, động viên và cùng người mẹ vượt qua nỗi đau mất con.
Nguy cơ nhiễm khuẩn sau sảy thai
Nguy cơ nhiễm khuẩn sau sảy thai

5 điều nên và không nên làm sau sảy thai

Chăm sóc sức khỏe sau sảy thai tốt giúp chị em cải thiện tâm trạng, hồi phục thể chất nhanh chóng và sẵn sàng cho một thai kỳ mới.

Bà bầu nên làm gì sau sảy thai

Sau sảy thai, chị em nên chú ý:

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Sau sảy thai, do tử cung bị tổn thương nên người mẹ cần dành thời gian nghỉ ngơi trên giường, hạn chế vận động mạnh, đi lại khiến tử cung khó lành lại. Nếu sảy thai trong 3 tháng đầu, thai phụ cần nghỉ ngơi tối thiểu 1 tuần. Trường hợp sức khỏe người mẹ yếu ớt, thời gian tĩnh dưỡng có thể kéo dài đến 30 ngày hoặc hơn.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Do tình trạng xuất huyết sau sảy thai, người mẹ có nguy cơ bị thiếu máu, sức khỏe suy yếu. Vì vậy, mẹ cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất, acid folic, sắt,… để cải thiện tình trạng trên. Ngoài ra, đồ uống chứa cồn, chất kích thích, thức ăn nhanh cũng làm chậm quá trình hồi phục nên mẹ cần hạn chế tối đa.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín: Do xuất huyết vùng kín sau sảy thai, chị em dễ mắc các bệnh phụ khoa, đặc biệt viêm nhiễm âm đạo, viêm nhiễm tử cung. Vì vậy, chị em cần vệ sinh vùng kín hàng ngày để tránh tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Thực phẩm nên bổ sung sau sảy thai

Điều không nên làm sau sảy thai

Sau sảy thai, các chuyên gia khuyến cáo thai phụ nên kiêng cữ tương tự như sản phụ sau sinh nở. Cụ thể như sau:

  • Kiêng thức uống, đồ ăn lạnh: Chị em không nên tắm nước lạnh, uống hoặc ăn thức ăn lạnh. Do sức đề kháng suy giảm sau sảy thai nên cơ thể chị em dễ bị cảm lạnh, nhiễm lạnh.
  • Kiêng vận động mạnh: Thời gian sau sảy thai là dành cho nghỉ ngơi, tĩnh sức. Chị em không nên làm việc nhà, đi lại nhiều, xách đồ nặng vì sẽ làm chậm quá trình hồi phục của tử cung và các cơ bụng. Tuy nhiên, đôi lúc chị em đi lại nhẹ nhàng để lưu thông khí huyết và thư giãn tinh thần tốt hơn.
  • Quan hệ vợ chồng: Để đảm bảo tử cung hồi phục nhanh chóng, hạn chế viêm nhiễm, các cặp vợ chồng không nên quan hệ ngay sau khi sảy thai. Trường hợp mất thai dưới 3 tháng tuổi, vợ chồng có thể quan hệ lại sau 2 – 3 tuần kể từ khi sảy thai kết thúc. Nếu em bé bị mất khi lớn hơn 4 tháng tuổi, các cặp đôi nên đợi 5 – 6 tuần trước khi quan hệ trở lại.

Một số thắc mắc thường gặp sau khi sảy thai

Sau biến cố sảy thai, mẹ và người thân luôn lo lắng về quá trình hồi phục và khả năng mang thai lại. Dưới đây là những thắc mắc phổ biến nhất về chủ đề này:

Sau sảy thai nếu còn sót mô thai cần làm gì?

Trong nhiều trường hợp, do kích thước thai nhi lớn nên nhau thai không thể tự tụt hết ra ngoài được, gọi là sót nhau thai. Sót nhau thai nếu không được xử lý kịp thời dễ dẫn đến viêm nhiễm, nặng hơn là băng huyết, đe dọa trực tiếp tính mạng người mẹ. Vì vậy, khi bị sót mô thai trong tử cung, thai phụ cần đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được nạo hút phần nhau sót lại càng sớm càng tốt.

Nạo hút là phương pháp đưa bơm hút hoặc kẹp gắp vào tử cung và gắp/hút phần mô thai sót lại ra ngoài. Sau khi thực hiện thủ thuật nạo hút thai, người mẹ sẽ được kê thuốc kháng sinh để tránh viêm nhiễm.

Mô thai nếu không làm sạch dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn

Tham khảo kỹ hơn: Sảy thai uống gì cho sạch tử cung? Phương pháp dân gian và dùng thuốc

Bao giờ kỳ kinh nguyệt xuất hiện trở lại

Thời gian xuất hiện kinh nguyệt trở lại sau sảy thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tâm lý, sức khỏe, cơ địa, mức độ hồi phục,… Thông thường, trong điều kiện sức khỏe thai phụ tốt, cơ quan sinh dục không có vấn đề bất thường, kinh nguyệt có thể xuất hiện sau 4 – 6 tuần. Đây là khoảng thời gian để hormone trở về nồng độ bình thường, niêm mạc tử cung tái tạo lại, buồng trứng hoạt động bình thường. [2]

Sau sảy thai bao lâu có thể mang thai trở lại?

Với trường hợp sảy thai lần đầu, các nghiên cứu cho thấy mang thai lại trong vòng 3 tháng giúp giảm nguy cơ sảy thai liên tiếp. Nếu sảy thai từ lần hai trở lên, người mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân gây mất thai như di truyền, bệnh lý,… Việc làm này giúp nâng cao tỉ lệ thụ thai thành công và ngăn ngừa nguy cơ sảy thai trong lần mang thai tới. [3]

Ngoài ra, bà bầu sảy thai do trứng trống nên đợi 12 – 24 tháng để mang thai lại. Nếu quá vội vàng, thai nhi phải đối mặt với nguy cơ thiếu máu, chậm phát triển, bà bầu bị suy nhược, trầm cảm,… Vì vậy, khi có ý định mang thai lại sau sảy thai, người mẹ cần đảm bảo cơ thể đã hồi phục hoàn toàn và sẵn sàng đón chờ một thai kỳ mới.

Hình ảnh siêu âm thai trứng trống
Hình ảnh siêu âm thai trứng trống

Sau sảy thai bao lâu thì được quan hệ?

Sau sảy thai, vùng âm đạo trở nên yếu ớt, dễ bị tổn thương. Vì vậy, nếu quan hệ ngay sau sảy thai, người mẹ dễ bị nhiễm trùng. Kéo theo đó là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, trẻ sinh thiếu tháng và tăng nguy cơ sảy thai trong lần mang thai tới.

Nếu sảy thai khi em bé chưa được 3 tháng tuổi, chị em có thể quan hệ trở lại sau 2 – 3 tuần. Nhưng nếu thai lớn hơn, hai vợ chồng nên chờ lâu hơn, khoảng 5 – 6 tuần.

Xem thêm: Cảnh báo dấu hiệu sảy thai 3 tuần đầu – Tránh nhầm lẫn tai hại

Như vậy, bài viết trên đây giúp mẹ hiểu thêm về vấn đề sau khi sảy thai có hiện tượng gì. Hy vọng mẹ đã cập nhật được nhiều thông tin hữu ích để chăm sóc sức khỏe sau biến cố mất thai. Nếu muốn được tư vấn thêm về các vấn đề khi mang thai, mẹ có thể truy cập tại Aplicaps.vn hoặc liên hệ hotline 1900636985!

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 Miscarriage. Ngày truy cập: 30/7/2022.https://www.webmd.com/baby/guide/pregnancy-miscarriage#091e9c5e80007708-3-9
2 When does ovulation restart after a miscarriage? Ngày truy cập: 30/7/2022. https://www.medicalnewstoday.com/articles/325642
3 Pregnancy after miscarriage: Answer to your question. Ngày truy cập: 30/07/2022.
https://www.healthline.com/health/pregnancy/pregnancy-after-miscarriage#understanding-miscarriage

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ