Chắc hẳn có rất nhiều mẹ băn khoăn và lo lắng về chủ đề có bầu uống vitamin E được không hay bổ sung vitamin E cho bà bầu như thế nào là đúng. Để có câu trả lời chính xác cho chủ đề này, mẹ hãy cùng Aplicaps theo dõi bài viết dưới đây nhé!
Vitamin E có tác dụng gì cho phụ nữ mang thai
Trong quá trình mang thai, vitamin có vai trò quan trọng đối với cả mẹ và thai nhi. Sau đây là những tác dụng của vitamin E với mẹ và bé.
Vai trò của vitamin E với mẹ bầu
Vitamin E có nhiều vai trò quan trọng đối với mẹ bầu. Bổ sung đủ vitamin E cùng với vitamin C có thể làm giảm nguy cơ bị tiền sản giật. Đặc biệt là ở những mẹ có nguy cơ bị huyết áp cao trong thời gian thai nghén. [1]
Bên cạnh đó, vitamin E còn được mệnh danh là chất chống oxy hóa rất tốt cho cơ thể. Nếu mẹ bầu bổ sung đủ vitamin E trong quá trình mang thai, các mô cơ thể sẽ được bảo vệ khỏi các gốc tự do và hạn chế được tình trạng rạn da.
Hơn thế nữa, loại vitamin này còn giúp cân bằng nồng độ hormone trong cơ thể và hỗ trợ hệ thống sinh sản nữ hoạt động tốt.
Ngoài ra, vitamin E còn giúp cơ thể chống lại các loại virus và vi khuẩn bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch. Từ đó, hạn chế được tình trạng cảm cúm, ốm, sốt trong quá trình mang thai.
- Vitamin E có vai trò quan trọng đối với mẹ bầu.
Vai trò của vitamin E với thai nhi
Vitamin E có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển của hệ thần kinh, đồng thời hỗ trợ mắt và đầu phôi thai phát triển tốt. Khi cơ thể của mẹ bị thiếu vitamin E có thể dẫn đến thai nhi phát triển chậm.
Bên cạnh đó, thiếu vitamin E còn làm bé sinh ra có nguy cơ bị nhiễm trùng cao và dễ gặp phải các bệnh lý liên quan đến rối loạn thần kinh hoặc bệnh cơ tim.
Hơn thế nữa, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy rằng, những đứa trẻ được sinh ra ở bà mẹ bổ sung đủ nồng độ vitamin E trong quá trình mang thai có khả năng nhận thức cao hơn khi chúng lên 2 tuổi.
Có bầu uống vitamin E được không?
Có bầu uống vitamin E được không? Câu trả lời là có, nhưng phải sử dụng đúng cách và đúng liều lượng. Bởi, việc lạm dụng vitamin E có thể gây ra tác hại xấu cho cả mẹ và thai nhi.
Nếu bổ sung vitamin cho bà bầu với hàm lượng cao, hệ tim mạch của thai nhi có thể bị ảnh hưởng. Đồng thời nguy cơ thai nhi sinh ra mắc các bệnh lý về tim mạch cao gấp 9 lần so với bình thường.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vitamin E quá liều có thể gây ra các triệu chứng như: buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, nứt lưỡi… Trường hợp bổ sung đúng và đủ hàm lượng sẽ không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. [2]
Chính vì thế, nhiều chuyên gia sản khoa đã đưa ra lời khuyến cáo rằng: việc sử dụng vitamin E sẽ gây ra những tác dụng phụ không mong muốn nếu mẹ bầu dùng không đúng cách. Do đó, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng vitamin cùng với những loại thuốc khác.
- Bà bầu uống được vitamin E nhưng chỉ nên uống đủ hàm lượng.
Liều vitamin E cho bà bầu
Khi mang thai, nếu sử dụng vitamin E với hàm lượng cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, mẹ bầu cần phải cẩn trọng khi bổ sung vitamin E trong giai đoạn mang thai nhé.
Theo các tổ chức Y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai không nên dùng quá 15mg vitamin E/ngày. Nếu mẹ bầu muốn sử dụng viên uống chứa hàm lượng vitamin E cao, mẹ cần xin ý kiến của các bác sĩ sản khoa trước khi sử dụng nhé. [3]
Nên uống vitamin E vào thời gian nào?
Vitamin E là loại vitamin tan trong dầu nên nó được hấp thụ tốt nhất khi dạ dày có lượng chất béo lớn. Chính vì vậy, các mẹ bầu nên uống vitamin E vào lúc nào mà cơ thể đang nạp chất béo nhiều nhất. Có nghĩa là mẹ nên uống vitamin E ngay sau bữa ăn là tốt nhất.
Tuy nhiên, một số mẹ đang bị thiếu vitamin K do hấp thụ kém, đang điều trị bệnh chống đông máu hoặc đang dùng Coumarin thì không nên uống vitamin E nhé.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin E
Có rất nhiều loại thực phẩm chứa vitamin E, nếu mẹ muốn bổ sung vitamin này qua chế độ ăn, mẹ có thể tham khảo một số loại thực phẩm sau đây.
Hạt hướng dương
Đây là một loại thực phẩm chứa nhiều vitamin E. Theo nghiên cứu, cứ 100g hạt hướng dương sẽ chứa khoảng 25,17mg vitamin E. Bên cạnh đó, loại hạt này còn chứa các dưỡng chất khác như: magie, đồng, vitamin B1…
Hạnh nhân
Trong 100g hạnh nhân có chứa khoảng 25,63 mg vitamin E. Mẹ có thể bổ sung loại thực phẩm này vào các bữa nhẹ hoặc chế biến loại hạt này thành sữa để uống trong ngày nhé.
- Hạnh nhân chứa nhiều vitamin E.
Quả bơ
Bơ được mệnh danh là loại quả giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Trong 100g bơ sẽ chứa khoảng 2,07 mg vitamin E. Nếu muốn bổ sung vitamin E vào chế độ ăn, mẹ có thể ăn bơ bằng cách xay thành sinh tố, ăn cùng bánh mì hoặc trộn salad.
Cải bó xôi
Đây là loại rau rất tốt cho sức khỏe vì nó chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như: vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin D, vitamin E, vitamin K, sắt, mangan, magie, canxi, axit folic… Nếu muốn bổ sung vitamin E cho cơ thể, mẹ có thể đưa loại rau này vào thực đơn của mình.
Bí đỏ
Cứ 100g bí đỏ sẽ chừa khoảng 1,29 mg vitamin E. Bên cạnh đó, bí đỏ còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác nhưng nó lại chứa lượng calo tương đối thấp. Nên mẹ có thể ăn nhiều bí đỏ mà không lo mình bị tăng cân quá mức. Bí đỏ có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nấu canh xương, nấu chè, làm sữa hoặc nấu cháo…
- Trong bí đỏ chứa nhiều vitamin E.
Cá
Hầu hết các mẹ đều biết cá chứa rất nhiều axit béo omega-3 rất tốt cho thị lực, tim mạch và trí não. Bên cạnh đó, trong cá còn chứa rất nhiều vitamin E. Nếu mẹ muốn bổ sung thêm vitamin E cho cơ thể, hãy chọn những loại cá sau: cá hồi, cá trích, cá tuyết…
Trên đây là những thông tin liên quan đến chủ đề vitamin E cho bà bầu. Hy vọng qua bài viết này mẹ sẽ biết mình cần phải bổ sung vitamin E với hàm lượng bao nhiêu là tốt cho cả mẹ và bé. Chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh!
__Vũ Thoa__
Tài liệu tham khảo
↑1 | Vitamins, supplements and nutrition in pregnancy. Truy cập ngày 22/2/2022. https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/vitamins-supplements-and-nutrition/ |
---|---|
↑2 | Supplements During Pregnancy: What’s Safe and What’s Not. Truy cập ngày 22/2/2022. https://www.healthline.com/nutrition/supplements-during-pregnancy |
↑3 | Pregnancy outcome following high doses of Vitamin E supplementation. Truy cập ngày 22/2/2022. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/15808790/ |