Tụ dịch màng nuôi là tình trạng khá nhiều mẹ bầu gặp phải trong 3 tháng đầu. Nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ không đáng lo ngại. Trong bài viết dưới đây, Aplicaps sẽ hướng dẫn mẹ cách chăm sóc cơ thể và tư thế nằm khi bị tụ dịch màng nuôi.
Tụ dịch màng nuôi là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu tụ dịch màng nuôi
Tụ dịch dưới màng nuôi là tình trạng máu tích tụ dưới màng đệm khi mang thai. Lớp màng đệm nằm giữa tử cung của mẹ và túi ối của thai nhi. Do đó, nhau thai sẽ không được bám vào hoàn toàn vào trong thành tử cung của mẹ. Khi mức độ tụ dịch tăng cao, nguy cơ túi thai bóc tách khỏi thành tử cung người mẹ càng tăng. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây sảy thai [1].
Nguyên nhân gây tụ dịch màng nuôi
Tụ dịch màng nuôi xảy ra ở 1,7 – 3,1% trường hợp mang thai và xảy ra chủ yếu từ tuần thứ 10 đến 20. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do bong mép nhau thai hoặc các mạch máu ở rìa bánh nhau bị vỡ. Tình trạng tụ dịch dưới màng đệm tăng cao khi mẹ bầu có các yếu tố nguy cơ sau [2]:
- Tử cung bất thường.
- Có tiền sử nhiễm trùng tử cung, chấn thương tử cung.
- Có tiền sử sảy thai liên tiếp.
- Mang thai IVF.
- Huyết áp cao.
- Tiền sản giật khởi phát sớm.
- Mang thai trên 35 tuổi.
- Nội tiết tố kém.
- Thường xuyên vận động mạnh, di chuyển nhiều khi mang thai.
Dấu hiệu tụ dịch màng nuôi
Tụ dịch màng nuôi là một trong những nguyên nhân phổ biến gây chảy máu. Nó chiếm khoảng 10% các trường hợp chảy máu âm đạo. Chảy máu âm đạo cũng là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng này. Máu có thể ra ít đến ra nhiều kèm các cục máu đông.
Ngoài ra, mẹ bầu bị tụ dịch màng nuôi cũng có thể xuất hiện các biểu hiện khác như:
- Các cơn chuột rút ở vùng chậu.
- Dịch âm đạo tiết ra nhiều và có màu sắc bất thường.
- Bụng và vùng thắt lưng đau âm ỉ.
Nhiều mẹ bị tụ dịch màng nuôi nhưng không ra máu và không xuất hiện dấu hiệu nào khác. Và tình trạng này chỉ được phát hiện ra khi siêu âm.
Tư thế nằm khi bị tụ dịch màng nuôi
Khi xuất hiện tình trạng tụ dịch màng nuôi, mẹ không nên quá lo lắng. Dịch tụ có thể tự tiêu hết nếu mẹ chăm sóc cơ thể đúng cách. Một trong những yếu tố quan trọng là tư thế nằm khi bị tụ dịch màng nuôi. Mẹ có thể tham khảo tư thể nằm dưới đây:
Tư thế nằm nghiêng sang bên trái
Nằm nghiêng sang trái được đánh giá là tư thế nằm tốt nhất cho mẹ bầu, đặc biệt là khi bị tụ dịch màng nuôi. Tư thế nằm là: chân trái duỗi thẳng hoặc hơi co lên và đặt xuống đệm. Chân phải co lên, gác lên chân trái hoặc gác lên gối. Mẹ có thể thoải mái điều chỉnh hai chân sao cho mẹ cảm thấy thoải mái nhất. Gối chữ U cho bà bầu sẽ là trợ thủ đắc lực giúp mẹ dễ dàng nằm ở tư thế này.
Nằm nghiêng sang trái được coi là tư thế “lý tưởng” với mẹ vì:
- Máu từ tĩnh mạch chủ dưới sẽ lưu thông tối hơn giúp giảm áp lực đến tim. Tĩnh mạch chủ dưới sẽ dễ dàng đưa máu đến tim và với thai nhi trong bụng mẹ.
- Giảm bớt áp lực của thai nhi lên tử cung của mẹ. Quá trình vận chuyển máu sẽ dễ dàng hơn, mẹ cảm thấy đỡ áp lực do thai nhi đè ép.
- Khi nằm nghiêng sang trái, áp lực lên cơ hoành sẽ bị giảm. Từ đó, phổi của mẹ sẽ trở nên “dễ thở” hơn.
- Áp lực lên gan và hệ tiêu hóa giảm bớt. Điều này giúp cho mẹ hạn chế được các vấn đề về tiêu hóa như trào ngược, táo bón, buồn nôn,…
Tầm quan trọng của việc điều chỉnh tư thế nằm phù hợp
Mang thai là thời điểm mà cơ thể người mẹ có nhiều sự thay đổi nhất. Mẹ cần có sự điều chỉnh thói quen nhất định để thích nghi với sự đổi thay đó. Điều chỉnh tư thế nằm sẽ góp phần giúp mẹ hạn chế các biến chứng thai kỳ có thể xảy ra. Tư thế nằm đúng cách sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, hệ tuần hoàn của mẹ được cải thiện. Điều này, sẽ hạn chế được các tình trạng như tiền sản giật, phù chân, suy giãn tĩnh mạch, sinh non,…
Ngoài ra, một tư thế nằm đúng cách giúp cho quá trình vận chuyển máu từ mẹ đến thai nhi dễ dàng hơn. Em bé sẽ nhận được đầy đủ lượng oxy và dưỡng chất trong suốt thời kỳ trong bụng mẹ.
Phương pháp điều trị tụ dịch màng nuôi
Em bé vẫn sẽ tiếp tục phát triển bình thường nếu mẹ được chăm sóc và điều trị đúng cách. Khi bị tụ dịch màng nuôi, mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
Đi khám bác sĩ
Bất kỳ một triệu chứng bất thường trong cơ thể mẹ cũng cần phải đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của mẹ mà có phương pháp điều trị phù hợp. Thai phụ có thể chỉ cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt hoặc được tiêm, uống thuốc nội tiết và giảm co theo chỉ định của bác sĩ.
Bị tụ dịch màng nuôi nên uống thuốc gì? Trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể kê thuốc Aspirin cho mẹ. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa kết tập tiểu cầu để tránh hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc này.
Mẹ cần đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và phát hiện ra các bất thường thai kỳ.
Chăm sóc sức khỏe cho bà bầu
Chế độ chăm sóc sức khỏe quyết định chính cho quá trình phục hồi của mẹ bầu. Nếu mẹ có một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng đúng cách, dịch tụ màng nuôi sẽ tiêu biến, em bé vẫn phát triển bình thường.
Tụ dịch màng nuôi nên ăn gì?
Bà bầu vẫn cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể như: sắt, acid folic, protein, các loại vitamin,… Các dưỡng chất này giúp mẹ nhanh chóng phục hồi sức khỏe cũng như đảm bảo đủ chất để nuôi con. Mẹ cũng cần bổ sung thêm nhiều nước, rau xanh, hoa quả để an thai tốt nhất.
Tụ dịch màng nuôi kiêng ăn gì?
Khi trong tình trạng này, mẹ cần tránh tối đa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Các thực phẩm sau sẽ khiến cho tình trạng của mẹ càng trở nên nguy hiểm hơn:
- Đồ ăn sống, không đảm bảo vệ sinh.
- Thức ăn nhanh nhiều giàu mỡ.
- Các đồ uống có ga, có cồn.
- Đồ ăn kích thích gây co bóp tử cung: rau răm, rau ngót, ngải cứu, đu đủ xanh, dứa, đào,…
Chế độ nghỉ ngơi
Khi mang thai, mẹ cần có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Mẹ có thể nghỉ ngơi hoàn toàn cho đến khi thai được ổn định trở lại. Tránh làm việc quá sức ảnh hưởng đến mẹ và bé.
Mẹ cần giữ một tâm trạng thoải mái, tránh lo lắng quá nhiều mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Suy nghĩ tích cực giúp mẹ vượt lên chính mình, bảo vệ con yêu tốt nhất.
Giải đáp thắc mắc cho mẹ bầu bị tụ dịch màng nuôi
Tụ dịch màng nuôi có nguy hiểm không?
Tụ dịch màng nuôi là tình trạng gặp ở khá nhiều thai phụ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, sảy thai có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tỷ lệ kích thước khối máu tụ và thai nhi để tiên lượng mức độ nguy hiểm. Tỷ lệ này càng lớn, nguy cơ sảy thai càng cao:
Mối liên quan giữa tỷ lệ kích thước khối máu tụ – thai nhi với nguy cơ sảy thai
Tỷ lệ | 10% | 10-25% | 25-50% | >50% |
Nguy cơ sảy thai | 5,8% | 8,9% | 10,8% | 23,3% |
Ngoài nguy cơ sảy thai, mẹ bầu cũng có thể gặp nguy cơ đẻ non, bong nhau non, vỡ ối.
Tụ dịch màng nuôi có tự hết không?
Tụ dịch màng nuôi có 2 trường hợp, đó là:
- Tụ dịch màng nuôi sinh lý: Thường gặp ở thai 4-6 tuần. Các triệu chứng thường nhẹ và không cần điều trị sẽ tự khỏi.
- Tụ dịch màng nuôi bệnh lý: Mức độ nặng hơn và cần đến sự can thiệp của bác sĩ. Nếu điều trị đúng cách, tụ dịch màng nuôi sẽ hết.
Tụ dịch màng nuôi bao lâu thì hết?
Tùy vào mức độ tụ dịch, tuổi thai và chế độ chăm sóc sức khỏe, thời gian hồi phục của mỗi người khác nhau. Thời gian dịch tụ biến mất hết có thể là vài ngày hoặc vài tuần. Muộn nhất là sau khi thai được 3 tháng tuổi, dịch tụ sẽ biến mất hoàn toàn. Sau thời gian này, mẹ vẫn cần chăm sóc sức khỏe cẩn thận, đề phòng tình trạng xấu có thể xảy ra với thai nhi.
Tụ dịch màng nuôi có gây dị tật thai nhi?
Tụ dịch màng nuôi thường không gây dị tật cho thai nhi. Nếu sau 3 tháng, tình trạng tụ dịch được cải thiện thì sẽ không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến em bé.
Tụ dịch màng nuôi bao nhiêu mm là nguy hiểm?
Những trường hợp tụ dịch màng nuôi nhỏ với kích thước dưới 5mm không đáng lo. Mẹ chỉ cần chăm sóc sức khỏe tốt và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, thai sẽ tiếp tục phát triển bình thường.
Với trường hợp tụ dịch lớn hơn 8mm, tình trạng nguy hiểm hơn. Với kích thước dịch tụ lớn hơn 12mm, các diễn biến xấu dễ xảy ra với thai. Nếu mẹ không được điều trị khỏi thì nó sẽ tiếp tục lan rộng ra và dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Mong rằng thông qua bài viết “Tư thế nằm khi bị tụ dịch màng nuôi” mẹ sẽ có phương pháp chăm sóc sức khỏe đúng cách, khoa học để bảo vệ cho con yêu. Nếu mẹ cần tư vấn thêm hoặc còn đang thắc mắc vấn đề gì, hãy liên hệ đến hotline 1900 636 985 (nhánh số 2) để được chuyên gia tư vấn.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Subchorionic Hematoma. Truy cập ngày 09/12/2022. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/23511-subchorionic-hematoma |
---|---|
↑2 | What Is a Subchorionic Hematoma? Truy cập ngày 09/12/2022. https://www.webmd.com/baby/what-is-a-subchorionic-hematoma |