Trong thai kỳ, đôi lúc mẹ sẽ bị những cơn đau dạ dày hành hạ. Chúng làm mẹ khó chịu, không còn khẩu vị ăn uống đồng thời cũng vô cùng lo lắng về những ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy tình trạng này có thực sự nguy hiểm hay không? Mẹ bầu nên làm gì để giúp cơn đau thuyên giảm? Hãy cùng Aplicaps tìm hiểu tất tần tật về đau dạ dày khi mang thai qua bài viết này nhé!
Nguyên nhân gây đau dạ dày khi mang thai
Đau dạ dày khi mang thai là triệu chứng thông thường khi cơ thể mẹ dần thay đổi để thích ứng với sự trưởng thành của thai nhi. Rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, trong đó chủ yếu là do:
Ốm nghén. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ có thể xuất hiện các triệu chứng ốm nghén như nôn, buồn nôn, tác động trực tiếp đến hệ tiêu hóa. Hoạt động này khiến dạ dày bị kích thích, tăng cường độ co bóp và tiết nhiều dịch vị hơn gây ra cảm giác đau bụng.
Sự thay đổi nội tiết tố. Khi mang thai, hormone progesterone tăng cao làm nhu động ruột giảm. Đồng thời, áp lực trong ổ bụng tăng lên, dạ dày kích thích làm co bóp quá mức và gây đau đớn.
Thói quen ăn uống. Khi mang thai, mẹ bầu thường có xu hướng thích đồ chua, cay và ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, những thói quen này không tốt cho dạ dày, rất dễ gây đau dạ dày.
Căng thẳng thần kinh. Trong thai kỳ, tâm trạng của mẹ bầu nhạy cảm hơn bình thường. Căng thẳng, mệt mỏi sẽ tăng áp lực lên hệ dây thần kinh não – ruột. Hậu quả là những cơn co bóp dạ dày xuất hiện dày hơn, bài tiết nhiều axit gây đau xót vùng bụng.[1]
Biểu hiện của đau dạ dày khi mang thai
Hầu hết mẹ bầu bị đau dạ dày khi mang thai sẽ có những biểu hiện như:
- Ợ chua và ợ hơi. Đây có thể là triệu chứng chung của nhiều người khi bị đau dạ dày. Mẹ bầu sẽ cảm thấy có một luồng hơi hoặc thức ăn trào ngược lên từ thực quản đến khoang miệng. Hơi này còn mang theo vị chua của dịch vị hoặc thức ăn lên men.
- Nôn và buồn nôn. Nhiều trường hợp mẹ bầu nhầm lẫn với hiện tượng ốm nghén. Tuy nhiên, ốm nghén chỉ nôn khan, trong khi đau dạ dày sẽ nôn ra nước hoặc thức ăn. Tình trạng nặng có thể gây hạ huyết áp và mất nước nghiêm trọng.
- Xuất huyết tiêu hóa. Đau dạ dày bị xuất huyết thường biểu hiện bằng đi ngoài ra máu. Nghiêm trọng có thể gây thiếu máu, suy tạng, tổn thương cơ quan ổ bụng nếu không được điều trị kịp thời.
- Đau vùng bụng trên (thượng vị). Mẹ sẽ cảm thấy đau âm ỉ hoặc dữ dội. Kèm theo đó là sự nóng rát dọc khoang bụng từ xương ức đến rốn.
- Đầy hơi, chướng bụng. Do dạ dày đang bị thương tổn nên ảnh hưởng đến sự tiêu hóa thức ăn. Thức ăn khó tiêu dẫn đến cảm giác ách tắc, đầy bụng. [2]
Đau dạ dày khi mang thai có nguy hiểm không?
Hiện nay 70% phụ nữ mang thai phải trải qua cơn đau dạ dày khi mang thai. Trong đó, phần lớn là đau dạ dày cấp tính. Tức là các cơn đau xuất hiện trong thời gian ngắn, liên tục. Nếu triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu.
Một điều thật may mắn là đau dạ dày không ảnh hưởng đến thai nhi cũng như không nguy hiểm nhiều đến sức khỏe của mẹ trong thai kỳ. Tuy vậy, đau dạ dày cũng mang đến vô số phiền toái cho cuộc sống bầu bí, như:
- Ăn uống không thấy ngon miệng.
- Cơ thể mệt mỏi, khó chịu, không thể sinh hoạt bình thường.
- Tác động đến tâm trạng. Mẹ bầu dễ cáu gắt, căng thẳng và kém tập trung hơn.
Một số trường hợp nặng, đau dạ dày sẽ tiến triển thành viêm loét dạ dày, trào ngược thực quản,… Hậu quả là mẹ có thể bị xuất huyết tiêu hóa, ung thư, thủng dạ dày. Đây đều là những bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người mẹ. Ngoài ra, đau dạ dày kéo dài có thể khiến mẹ bầu xanh xao, suy nhược, em bé sinh ra yếu ớt, đề kháng kém.
Đau dạ dày khi mang thai phải làm sao?
Để không gặp phải những biến chứng do đau dạ dày khi mang thai gây ra, mẹ bầu nên cần đến cơ sở y tế gần nhất và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Đau dạ dày khi mang thai uống thuốc gì?
Khi mang thai, mẹ bầu nên hạn chế sử dụng thuốc không cần thiết là tốt nhất. Trong trường hợp đau dạ dày mãi không khỏi, mẹ bầu cần uống thuốc và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thông thường các thuốc chỉ được cho ở liều thấp để dễ dàng theo dõi và đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Trong đó có một số lưu ý như sau:
- Không dùng thuốc giảm đau.
- Một số nhóm thuốc khác không được dùng. Ví dụ như thuốc chống nôn domperidon, thuốc chống tăng tiết acid, thuốc ức chế bơm PPI,…
- Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.
- Cách chữa đau dạ dày cho bà bầu tại nhà
Trường hợp đau dạ dày khi mang thai ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ cho phép mẹ tự chăm sóc tại nhà. Mẹ bầu có thể tham khảo một số cách dưới đây để giảm nhanh cơn khó chịu đau dạ dày gây ra:
- Sử dụng túi chườm ấm với nhiệt độ từ 50-65 độ C. Nếu xuất hiện các cơn đau dạ dày, hãy chườm vùng bụng khoảng 20 phút.
- Dùng dầu nóng rồi xoa bóp lên vùng bụng. Mỗi ngày mẹ bầu nên thực hiện 10-15 phút để thúc đẩy tiêu hóa và giảm nhẹ cơn đau.
- Uống nghệ mật ong. Mẹ lấy nghệ rửa sạch. Sau đó, từng củ nghệ được xay nhuyễn và chắt lấy phần nước. Lấy phần chiết ra cho trộn đều với mật ong với lượng vừa đủ. Mỗi ngày mẹ dùng hỗn hợp khoảng 2 lần sẽ dần thấy hiệu quả.
- Ngoài sử dụng nghệ mật ong, mẹ uống một số loại nước trà cũng góp phần cải thiện triệu chứng đau dạ dày khi mang thai đáng kể. Ví dụ như nước cam thảo, trà hoa cúc, nước chanh pha thêm mật ong.
- Nấu một số món ăn với các nguyên liệu tốt cho dạ dày. Mẹ có thể sử dụng đậu bắp, rau có màu xanh, trứng,… Đặc biệt mẹ cũng cần uống nhiều nước để làm giảm tác động của acid lên thành dạ dày. [3]
Đau dạ dày khi mang thai nên ăn gì?
Thực đơn hàng ngày phù hợp cũng là cách để kiểm soát bệnh dạ dày, Mẹ nên thêm những loại thực phẩm này vào khẩu phần ăn hàng ngày:
- Thực phẩm giàu Omega-3. Cá hồi, cá thu, cá trích, hạt óc chó,… chứa vô vàn chất dinh dưỡng. Không chỉ vậy, nhóm chất này có khả năng giảm viêm, chống sưng. Nhờ đó, chúng hỗ trợ quá trình làm lành vết loét dạ dày, giảm thiểu cơn đau.
- Rau xanh. Rau là nguồn giàu vitamin, chất xơ và khoáng tự nhiên. Sử dụng rau xanh hàng ngày sẽ giúp hỗ trợ hoạt động của hệ tiêu hóa, hạn chế các vấn đề liên quan đến đường ruột.
- Sữa chua. Trong sữa chua có chứa rất nhiều lợi khuẩn, protein và khoáng chất. Hình thành thói quen ăn sữa chua hàng ngày sẽ giúp mẹ xây dựng hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Đồng thời, mẹ bầu sẽ ít bị đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu.
- Hoa quả tươi. Hoa quả chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là thành phần chống oxy. Chúng không chỉ tươi ngon mà còn là cách để mẹ bầu tăng cường sức đề kháng, nâng cao sức khỏe hiệu quả.
- Uống nước hàng ngày. Tiêu chuẩn của mẹ bầu là khoảng 3 lít nước mỗi ngày. Có như vậy, dịch vị dạ dày sẽ được trung hòa đáng kể, giảm tác động lên thành dạ dày.
Như vậy, những cơn đau dạ dày khi mang thai không còn đáng sợ nếu mẹ bầu biết cách tự chăm sóc đúng cách. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp mẹ có thêm nhiều kiến thức bổ ích về căn bệnh này. Nếu mẹ muốn được các chuyên gia của Aplicaps tư vấn về sức khỏe thai kỳ, vui lòng truy cập tại ĐÂY hoặc gọi điện theo số hotline 1900 636 985 nhé!
Đọc thêm:
Đau đầu khi mang thai và cách chữa bằng mẹo dân gian
Bà bầu hay bị chóng mặt có nguy hiểm không? Câu trả lời tại đây
Tài liệu tham khảo
↑1 | Stomach pain in pregnancy. Ngày truy cập: 21/5/2022. https://www.nhs.uk/pregnancy/related-conditions/common-symptoms/stomach-pain/ |
---|---|
↑2 | Abdominal Pain. Ngày truy cập: 21/5/2022. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/4167-abdominal-pain |
↑3 | What causes upper stomach pain in the third trimester. Ngày truy cập: 23/5/2022. https://www.medicalnewstoday.com/articles/324736 |