Cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi và xuất hiện các triệu chứng lạ trong suốt quá trình mang thai. Nhưng có lẽ bà bầu ra dịch trắng đục tháng cuối là hiện tượng mang lại cảm giác lo lắng, bối rối nhất. Đây có phải là dấu hiệu sắp sinh không? Khi nào việc ra dịch âm đạo là bất thường? Cùng Aplicaps tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân bà bầu ra dịch trắng đục
Dịch âm đạo thường có màu trắng đục, không mùi hoặc mùi nhẹ. Chúng xuất hiện trong bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ và có thể thay đổi hàm lượng, độ đặc cũng như tần suất. Dịch trắng đục đặc biệt tiết nhiều vào những tháng cuối cùng. Nguyên nhân chủ yếu là do: [1]
- Nội tiết tố thay đổi: Nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể người phụ nữ tăng cao khi mang thai. Điều này làm tăng tiết dịch âm đạo, khiến dịch trắng xuất hiện nhiều hơn.
- Khung xương chậu và thành âm đạo mềm hơn: Để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, khung xương chậu và thành âm đạo trở nên mềm hơn vào tháng cuối thai kỳ. Lúc này, cơ thể tiết nhiều chất dịch để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Thai nhi phát triển nhanh: Em bé phát triển lớn hơn, đầu tạo áp lực lên cổ tử cung khi bước vào giai đoạn chuẩn bị sinh nở. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch tiết ra nhiều hơn.
Bà bầu ra dịch trắng đục tháng cuối có phải sắp sinh không?
Bà bầu ra dịch trắng đục tháng cuối có thể là dấu hiệu sắp sinh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, dịch tiết từ âm đạo của phụ nữ mang thai là do những thay đổi sinh lý tự nhiên trong cơ thể.
Trường hợp dịch trắng đục do mất nút nhầy tử cung
Nút nhầy tử cung là chất nhầy trong, đặc, giống như thạch. Trong thời kỳ đầu mang thai, nút nhầy hình thành, bịt kín cổ tử cung (nằm giữa ống âm đạo và tử cung) bằng chất nhầy dày. Tác dụng chính là ngăn vi khuẩn xâm nhập, bảo vệ thai nhi khỏi bị nhiễm trùng và hạn chế nguy cơ chuyển dạ sớm [2]
Trong những ngày cuối của thai kỳ, nút nhầy mỏng dần và bong ra có màu kem đến trắng vàng, có thể có vệt hồng do các mao mạch ở cổ tử cung vỡ, báo hiệu chuyển dạ. Nút nhầy cũng có thể biến mất trước khi chuyển dạ, thường là sau 37 tuần hoặc sau khi các triệu chứng chuyển dạ khác bắt đầu xuất hiện. Mẹ không cần quá lo lắng về tình trạng này vì nước ối trong túi thai vẫn có tác dụng bảo vệ tốt cho em bé đến tận khi vỡ ối.
Trường hợp dịch trắng đục là khí hư bình thường
Khí hư là dịch tiết từ âm đạo màu trắng đục, thường không có mùi khó chịu. Khí hư xuất hiện do những thay đổi sinh lý trong cơ thể phụ nữ mang thai. Do đó, đây là hiện tượng bình thường, không gây nguy hiểm.
Tuy nhiên, khí hư kèm theo những dấu hiệu dưới đây là lời cảnh báo một số vấn đề liên quan đến sức khỏe, mẹ bầu cần hết sức lưu ý:
- Vón cục: Dịch tiết vón cục có thể do âm đạo bị nhiễm nấm men. Tình trạng này không gây hại cho em bé, nhưng thường khiến mẹ bầu cảm thấy nóng rát, ngứa ngáy khó chịu.
- Màu vàng hoặc xanh: Dịch âm đạo có màu vàng hoặc xanh, mùi nồng, kèm triệu chứng ngứa rát thường xuất hiện do nhiễm trùng lây qua đường tình dục. Bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ vỡ ối sớm và sinh non, hoặc gây nhiễm trùng ở mắt, phổi của bé trong quá trình sinh nở.
- Màu xám: Dịch tiết màu xám, có mùi tanh nồng là dấu hiệu cảnh báo viêm âm đạo do vi khuẩn. Tình trạng này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng bao gồm sinh non và viêm nội mạc tử cung sau sinh.
- Màu đỏ: Dịch tiết màu đỏ thường do chảy máu âm đạo và cần được điều trị ngay lập tức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này bao gồm: sảy thai, mang thai ngoài tử cung, máu tụ dưới màng đệm, thai trứng. [3]
Kết luận: Bà bầu ra dịch trắng đục tháng cuối có thể là tín hiệu sắp sinh, cũng có thể là hiện tượng bình thường do những thay đổi sinh lý trong cơ thể. Việc kiểm tra dịch tiết âm đạo thường xuyên là vô cùng cần thiết, giúp biết được bản thân có đang chuẩn bị chuyển dạ hoặc gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hay không.
Phân biệt khí hư và bong nút nhầy tử cung
Bà bầu ra dịch trắng đục tháng cuối có thể là hiện tượng ra khí hư bình thường hoặc bong nút nhầy tử cung. Vậy làm sao để phân biệt? So với khí hư bình thường, nút nhầy tử cung sẽ đặc hơn và trông tương tự như thạch, thường lẫn vài vệt máu màu đỏ, màu hồng nhạt hoặc màu nâu. Bong nút nhầy thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ ba.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp mẹ bầu bong nút nhầy khi bé chưa đủ tuần tuổi và là dấu hiệu của sinh non. Lúc này, mẹ cần đến trung tâm y tế trong thời gian sớm nhất để can thiệp kịp thời.
Một số dấu hiệu sắp sinh khác mẹ cần ghi nhớ
Ngoài hiện tượng bà bầu ra dịch trắng đục tháng cuối do bong nút nhầy, chuyển dạ có thể được báo động bởi những dấu hiệu sau:
- Cơn gò tử cung: Đây là những cơn co thắt không gây đau, thường kéo dài khoảng 1 phút và cách nhau từ 5 – 15 phút.
- Vỡ ối: Cảm giác vỡ ối của mỗi thai phụ là khác nhau. Nhiều người nhận thấy đó là dòng nước đột ngột xuất hiện từ âm đạo, chảy nhanh và mạnh nhưng không gây đau đớn. Một số người lại thấy nước chảy chậm thành dòng xuống dưới chân.
- Sa bụng dưới: Trong tháng cuối thai kỳ, bé có xu hướng di chuyển xuống vùng xương chậu của mẹ để chuẩn bị chào đời. Điều này giúp mẹ cảm thấy dễ thở, nhưng bụng dưới lại nặng hơn, khó di chuyển, chèn ép bàng quang khiến tần suất đi tiểu tăng cao.
- Bản năng “làm tổ”: Trong phần lớn thời gian mang thai, mẹ bầu thường xuyên mệt mỏi và buồn ngủ. Tuy nhiên, trước khi sinh, mẹ đột ngột cảm thấy tràn đầy năng lượng, có động lực dọn dẹp nhà cửa và sửa soạn đồ đạc để đón chào thiên thần thần nhỏ.
Lời khuyên cho mẹ mang thai tháng cuối
Tháng cuối thai kỳ là thời điểm cực kỳ quan trọng. Để đảm bảo sức khỏe cũng như chuẩn bị tốt về mặt tinh thần, mẹ bầu lưu ý những vấn đề sau:
- Uống đủ nước mỗi ngày, đồng thời thiết lập chế độ ăn uống cân bằng để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé.
- Tập thể dục đều đặn với cường độ phù hợp giúp giảm tê bì, đau nhức chân tay, cải thiện chất lượng giấc ngủ và hỗ trợ quá trình sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.
- Giữ tâm trạng thoải mái, thư giãn bằng cách nghe nhạc, xem phim, cắm hoa…
- Theo dõi cử động thai nhi mỗi ngày và gặp bác sĩ ngay khi cảm thấy tần suất chuyển động của con có dấu hiệu giảm.
- Bổ sung viên uống cung cấp DHA để thai nhi hoàn thiện kích thước và não bộ, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tiền sản giật, sinh non, trầm cảm sau sinh…
- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng mẹ bầu cần trong và ngay sau khi sinh.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đủ thông tin để hiểu rõ hơn hiện tượng bà bầu ra dịch trắng đục tháng cuối thai kỳ. Nếu có băn khoăn nào cần giải đáp, bạn đừng ngần ngại truy cập ngay vào website aplicaps.vn hoặc gọi điện cho hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Vaginal Discharge During Pregnancy: What’s Normal? Truy cập ngày 09/ 07/ 2024. https://www.healthline.com/health/pregnancy/vaginal-discharge-during-pregnancy#What-causes-changes-to-vaginal-discharge? |
---|---|
↑2 | Mucus Plug: What To Know During Pregnancy. Truy cập ngày 09/ 07/ 2024. https://www.parents.com/mucus-plug-8619269# |
↑3 | Pregnancy Discharge: Changes in Color & Texture vs. Normal. Truy cập ngày 09/ 07/ 2024. https://www.verywellhealth.com/pregnancy-discharge-8351256 |