Gần 50% phụ nữ mang thai đang phải vật lộn với chứng táo bón kéo dài cực kỳ khó chịu. Vậy làm thế nào để đẩy lùi tình trạng này một cách an toàn, hiệu quả? Cùng Aplicaps tìm hiểu một số cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất trong bài viết dưới đây nhé!
Tại sao bà bầu dễ bị táo bón? Nguyên nhân là gì?
Bà bầu thường bị táo bón do những nguyên nhân như sau: [1]
- Thay đổi nội tiết tố: Cơ thể có xu hướng sản xuất nhiều progesterone trong thời gian mang thai. Hormone này làm chậm hoạt động co thắt của ruột, cho phép hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng và nước từ thức ăn, nhưng đồng thời cản trở việc đẩy chất thải ra ngoài. Thức ăn nằm ở ruột già (đại tràng) càng lâu thì càng bị hút nhiều nước hơn. Điều này khiến phân trở nên khô cứng và khó để đi ra ngoài.
- Áp lực từ tử cung: Thai nhi lớn dần theo thời gian, đồng nghĩa với việc tử cung mở rộng và tạo nhiều áp lực lên ruột. Đây là nguyên nhân khiến chất thải gặp khó khăn trong việc di chuyển ở đường tiêu hoá.
- Bổ sung sắt và canxi: Sắt và canxi là 2 khoáng chất quan trọng trong thai kỳ, thường được bổ sung dưới dạng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, việc cung cấp quá nhiều sắt và canxi mà không uống đủ nước có thể làm chậm quá trình tiêu hoá, cản trở hoạt động của vi khuẩn có lợi trong ruột, gây táo bón.
- Giảm hoạt động thể chất: Phụ nữ mang thai thường ngại vận động do mệt mỏi hoặc lo sợ ảnh hưởng đến em bé. Điều này làm giảm nhu động ruột – chuyển động cần thiết cho quá trình đẩy phân ra ngoài.
- Uống không đủ nước: Bà bầu có xu hướng ít uống nước vì sợ tiểu nhiều. Nhưng thiếu nước là yếu tố khiến phân khô cứng, làm việc đi vệ sinh trở nên khó khăn hơn.
- Thay đổi chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều đạm, tinh bột, ít chất xơ làm chậm quá trình tiêu hoá, gây táo bón.
- Yếu tố tâm lý: Lo lắng, căng thẳng trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, rối loạn nhu động ruột, dẫn đến tình trạng táo bón.

Các cách trị táo bón cho bà bầu an toàn và hiệu quả tại nhà
Lựa chọn cách chữa táo bón phù hợp là nền tảng quan trọng nhất, vừa an toàn, vừa mang lại hiệu quả bền vững trong suốt thai kỳ. Một số mẹo còn giúp cải thiện tình trạng trên chỉ trong vòng 1 – 2 ngày nếu thực hiện đúng cách.
Tăng cường bổ sung chất xơ
Bà bầu được khuyến cáo tiêu thụ khoảng 25 – 35 gram chất xơ mỗi ngày để cải thiện quá trình tiêu hoá, tăng nhu động và làm mềm phân hiệu quả. [2]
Chất xơ được phân loại như sau:
- Chất xơ hoà tan: Đây là nhóm chất xơ có khả năng tan trong nước, tạo thành dạng gel ở ruột, làm mềm phân và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Chất xơ hoà tan có nhiều trong: các loại đậu (đậu lăng, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ), táo, chuối, lê, bơ, hạt lanh, hạt chia…
- Chất xơ không hòa tan: Nhóm chất xơ này không tan trong nước, giúp tăng khối lượng phân và kích thích nhu động ruột, tìm thấy nhiều trong: ngũ cốc nguyên hạt (lúa mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám), rau có màu xanh đậm, súp lơ, hạt bí, hạnh nhân…
Lưu ý: Tăng từ từ lượng chất xơ (khoảng 5-10 gram mỗi tuần) trong mỗi bữa ăn để cơ thể dần thích nghi.
Uống đủ nước mỗi ngày
Một trong những cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất là uống đủ nước mỗi ngày. Nước hỗ trợ làm mềm phân, giúp quá trình vận chuyển chất thải qua ruột diễn ra dễ dàng hơn. Vì vậy, bà bầu nên uống 2 – 2.5 lít nước/ ngày tuỳ vào thể trạng và chế độ sinh hoạt của bản thân.
Lựa chọn tốt nhất là nước lọc. Ngoài ra, mẹ có thể bổ sung nước ép hoa quả không thêm đường và hạn chế tối đa nước ngọt, trà, cà phê vì chúng là nguyên nhân khiến cơ thể mất nước.

Vận động nhẹ nhàng kích thích nhu động ruột
Hoạt động nhẹ nhàng giúp cải thiện lưu thông máu, kích thích nhu động ruột. Từ đó, quá trình tiêu hoá diễn ra thuận lợi hơn. Một số bài tập an toàn cho bà bầu như: đi bộ, bơi lội, yoga bầu…
Lưu ý:
- Tham khảo ý kiến chuyên gia để luyện tập đúng cách với cường độ phù hợp.
- Không tập thể dục quá sức vì có thể giảm lưu lượng máu đến tử cung, căng thẳng thai nhi, tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
Bổ sung lợi khuẩn
Hệ vi sinh đường ruột khoẻ mạnh hỗ trợ phân huỷ thức ăn hiệu quả, duy trì hoạt động co bóp của ruột và ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Nguồn lợi khuẩn tốt cho bà bầu:
- Probiotics tự nhiên: Sữa chua không đường, sữa lên men, dưa cải muối (tốt nhất là chọn loại ít muối và không chứa chất bảo quản)…
- Thực phẩm prebiotics (thức ăn cho lợi khuẩn): Tỏi, atiso, hành tây, yến mạch, chuối…
- Thực phẩm bổ sung probiotics dạng viên/ bột: Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tại các cửa hàng uy tín và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Các mẹo nhỏ trị táo bón tại nhà
- Uống 1 cốc nước ấm vào buổi sáng, ngay sau khi thức dậy và bụng đang đói để kích thích ruột hoạt động.
- Uống lượng nhỏ nước ép mận khi bị táo bón vì đây là thức uống giàu chất xơ và chất nhuận tràng tự nhiên.
- Đi vệ sinh ngay khi có cảm giác, không nên nhịn.
- Hình thành thói quen đi vệ sinh vào một khung giờ cố định trong ngày.
- Sử dụng ghế kê chân khi đi vệ sinh vì tư thế này giúp đào thải chất thải tốt hơn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung sắt, canxi trong thời gian mang thai:
- Hỏi về các loại sắt, canxi ít gây táo bón như: canxi citrate, sắt hữu cơ dạng nước hoặc viên nhai…
- Hỏi về cách sử dụng phù hợp bao gồm: thời điểm uống, chia nhỏ liều nếu cần, kết hợp với loại thực phẩm nào để tăng khả năng hấp thu và giảm tác dụng phụ…
Trường hợp nào cần cân nhắc dùng thuốc
Một trong những cách chữa táo bón nhanh nhất cho bà bầu là sử dụng thuốc. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng dưới sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ và thường trong trường hợp các biện pháp thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả.
Tuyệt đối không tự ý mua và dùng thuốc vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự phát triển của thai nhi. [3]
Các lựa chọn tương đối an toàn với bà bầu
- Thuốc làm mềm phân: Docusate sodium.
- Thuốc nhuận tràng tạo khối: Psyllium, Calcium polycarbophil, Methylcellulose…
- Thuốc nhuận tràng thẩm thấu: Lactulose, Polyethylene glycol, Magnesium hydroxide…
- Viên đặt hậu môn Glycerin.

Các loại thuốc và biện pháp cần tránh tuyệt đối khi mang thai
- Thuốc nhuận tràng kích thích: Giảm kali, natri trong máu, kích thích mạnh các cơ ruột làm tăng nguy cơ sinh non.
- Dầu khoáng (Mineral oil): Khiến cơ thể giảm hấp thu vitamin tan trong dầu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Dầu thầu dầu: Kích thích tử cung, tăng co bóp, gây đau bụng dữ dội, thậm chí là sinh non.
- Thuốc xổ muối: Magnesium citrate và phosphate enema khiến cơ thể mất nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
- Thụt tháo: Kích thích trực tràng gây co bóp tử cung, tăng nguy cơ sinh non hoặc dọa sảy thai. Ngoài ra, thụt tháo còn làm suy yếu cơ ruột, khiến ruột phụ thuộc vào kích thích bên ngoài, dẫn đến táo bón nghiêm trọng hơn sau khi ngừng điều trị bằng phương pháp này.
Một số câu hỏi thường gặp về táo bón ở bà bầu
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp khi bị táo bón ở bà bầu:
Táo bón khi mang thai có ảnh hưởng đến em bé không?
Tin vui là táo bón không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, tình trạng này thường kéo dài khiến mẹ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, căng thẳng. (Constipation during pregnancy. Truy cập ngày 21/ 04/ 2025.
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/constipation-during-pregnancy#)
Dùng thuốc làm mềm phân lâu dài có sao không?
Các chuyên gia không khuyến khích sử dụng thuốc làm mềm phân lâu dài, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai. Bởi điều này có thể khiến cơ thể phụ thuộc vào thuốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tự tiêu hoá, tăng nguy cơ táo bón trở lại ngay sau khi ngừng thuốc.
Lời khuyên cuối cùng: Hãy kiên nhẫn áp dụng các biện pháp cải thiện tình trạng táo bón tại nhà. Đừng quên lắng nghe cơ thể và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho phù hợp. Nếu táo bón kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị an toàn.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp đủ thông tin về các cách trị táo bón cho bà bầu nhanh nhất, giúp thai kỳ của bạn diễn ra an toàn. Mời bạn truy cập vào website aplicaps.vn hoặc liên hệ hotline 1900 636 985 nếu có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sức khoẻ của mẹ và bé. Các chuyên gia đầu ngành sẽ là người trực tiếp giải đáp cho bạn.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Pregnancy Constipation. Truy cập ngày 17/ 04/ 2025. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21895-pregnancy-constipation |
---|---|
↑2 | Constipation During Pregnancy. Truy cập ngày 17/ 04/ 2025. https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/pregnancy-health-wellness/constipation-during-pregnancy/ |
↑3 | Treating constipation during pregnancy. Truy cập ngày 17/ 04/ 2025. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3418980/ |