Đau đầu ti có phải mang thai không hay là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khoẻ khác? Làm thế nào để đưa ra kết luận chính xác nhất? Cùng Bổ bầu EU Aplicaps tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Đau đầu ti có phải mang thai không?
Đầu ti đau có phải mang thai không? Đây là một trong những dấu hiệu sớm thông báo bạn có tin vui và thường đi kèm các triệu chứng khác như: trễ kinh, ốm nghén, mệt mỏi, núm vú sẫm màu…
Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi của hormone thai kỳ làm tăng lưu lượng máu đến vùng ngực, đồng thời mở rộng ống dẫn sữa và tăng trưởng mô vú. Điều này gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh, khiến đầu ti trở nên nhạy cảm, căng tức và đau nhẹ.
Tuy nhiên, đau đầu ti cũng có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như: đến kỳ kinh nguyệt, ngực bị tổn thương, lựa chọn áo ngực quá chật hoặc kém chất lượng, da vùng ngực bị kích ứng với nước hoa, nước giặt, sữa tắm… [1]

Phân biệt đau đầu ti do mang thai và do sắp tới kỳ kinh nguyệt
Đau nhức, căng tức núm vú cũng là dấu hiệu thường gặp cảnh báo ngày đèn đỏ. Vậy làm thế nào để phân biệt đau đầu ti có phải mang thai hay do sắp tới kỳ kinh nguyệt? Mời bạn tham khảo bảng sau:
Tiêu chí | Đau đầu ti do mang thai | Đau đầu ti do đến kỳ kinh nguyệt |
Thời điểm xuất hiện | Tuần thứ 3 – 4 của thai kỳ. | Khoảng 1 – 2 tuần trước khi kỳ kinh bắt đầu. |
Mức độ đau | Đau nhức, căng tức và đầu ti nhạy cảm một cách rõ rệt. | Đau từ nhẹ đến trung bình, thường rõ rệt hơn ngay trước khi kỳ kinh bắt đầu, kèm cảm giác căng tức nhưng ít nhạy cảm hơn. |
Kích thước ngực | Ngực to hơn hẳn bình thường, nặng và căng cứng do sự phát triển của tuyến sữa. | Ngực to hơn bình thường nhưng không nhiều, thường giảm kích thước sau khi có kinh. |
Triệu chứng đi kèm | Trễ kinh, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, thèm ăn, núm vú sẫm màu, đi tiểu nhiều. | Đau bụng, đau thắt lưng, cáu gắt, nổi mụn, thèm ăn đồ ngọt. |
Thời gian đau kéo dài | Chủ yếu xuất hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên và có thể kéo dài suốt thai kỳ. | Giảm dần sau khi hành kinh bắt đầu. |

Những thay đổi khác ở ngực khi mang thai
Ngoài cảm giác đau nhức, bạn có thể nhận thấy một số thay đổi khác ở vùng ngực trong thời kỳ mang thai:
- Núm vú: Thường nhô ra nhiều hơn so với bình thường.
- Quầng vú: Quầng vú – khu vực xung quanh núm vú trở nên sẫm màu, to hơn và có thể xuất hiện các đốm nhỏ hoặc các nốt nhỏ li ti – hạt Montgomery giúp giữ ẩm cho tuyến vú.
- Mạch máu: Mạch máu màu xanh dưới da hiện rõ hơn phụ thuộc vào một số yếu tố như: di truyền, kích thước ngực, tiền sử nâng ngực…
- Dịch tiết từ ngực: Ngực có thể bị rỉ dịch, ban đầu thường loãng và trong suốt, sau đó đặc dần và sánh hơn.
Các nguyên nhân khác gây đau đầu ti
Đau đầu ti thường là dấu hiệu của mang thai hoặc sắp tới kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, đây còn là triệu chứng của nhiều vấn đề khác như: [2]
- Ma sát từ quần áo: Áo, áo ngực không vừa vặn hoặc làm từ loại vải thô ráp, kém chất lượng có thể chà xát vào đầu ti, đặc biệt là khi vận động. Điều này khiến núm vú khô, đỏ, có thể nứt nẻ, đau nhức, khó chịu.
- Tổn thương: Tổn thương ở đầu ti thường xảy ra do xỏ khuyên hoặc quan hệ tình dục quá mạnh bạo, gây đau, sưng tấy hoặc chảy dịch mủ.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào vùng da xung quanh núm vú, phổ biến nhất là viêm tuyến vú, nhiễm nấm, viêm nang lông…
- Dị ứng: Da vùng núm vú tương đối nhạy cảm và dễ bị kích ứng bởi các tác nhân như: bột giặt, xà phòng, sữa tắm, nước hoa, kem dưỡng ẩm…
- Bệnh lý: Đau nhức đầu ti có thể là triệu chứng cảnh báo một số căn bệnh nguy hiểm như: bệnh Paget ở vú, ung thư vú…

Cách giảm đau đầu ti khi mang thai
Dưới đây là một số cách giảm tình trạng đau đầu ti khi mang thai cực kỳ đơn giản, hiệu quả: [3]
- Chọn áo ngực phù hợp: Kích thước ngực có thể biến đổi nhiều lần trong thai kỳ. Vì vậy, đừng ngại thay cỡ áo phù hợp ngay khi cảm thấy hơi khó chịu ở vùng ngực. Ưu tiên lựa chọn các loại áo được làm từ vải cotton mềm, có dây đeo rộng, phần dưới ngực chắc chắn, thoải mái và dễ điều chỉnh. Hạn chế mặc áo ngực có gọng hoặc làm từ vải ren.
- Mặc áo ngực khi ngủ: Đây là cách hỗ trợ vùng ngực liên tục, ngay cả khi đi ngủ.
- Hạn chế chạm vào ngực: Hạn chế tối đa các tác động không cần thiết lên vùng ngực. Thẳng thắn chia sẻ cảm nhận của bản thân với bạn đời để tránh khiến cả hai cảm thấy khó chịu.
- Chườm lạnh: Dùng túi đá hoặc khăn lạnh chườm lên vùng da quanh ngực trong khoảng 10 – 15 phút để giảm sưng và đau. Đừng quên dùng một chiếc khăn mỏng lót giữa da và túi đá để tránh gây tổn thương cho da.
- Tắm nước ấm: Nước ấm giúp thư giãn cơ vùng ngực, giảm đau và căng tức. Nếu dùng vòi hoa sen, điều chỉnh chế độ nước nhẹ nhất để giảm áp lực tác động lên núm vú.
- Dùng miếng lót ngực: Miếng lót ngực tạo lớp bảo vệ giữa ngực và áo, thường dùng khi đầu ti bắt đầu tiết dịch gây khó chịu.
- Dùng thuốc giảm đau: Tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau với liều lượng phù hợp nhất. Không tự ý dùng thuốc trong bất kỳ trường hợp nào vì có thể dẫn đến tác dụng phụ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của mẹ và bé.

Đau đầu ti khi mang thai – Khi nào cần đi khám?
Đau đầu ti là hiện tượng phổ biến trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện các dấu hiệu kèm theo như:
- Cơn đau chỉ tập trung ở một vùng cố định trên ngực.
- Cơn đau kéo dài liên tục trong khoảng 3 tuần.
- Cơn đau ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã sử dụng các phương pháp giảm đau tại nhà.
- Xuất hiện cục u ở ngực hoặc dưới cánh tay.
- Tiết dịch màu xanh, vàng hoặc có mùi hôi bất thường.
- Đầu ti bị sưng, đỏ, nóng rát, nứt, loét, có vảy.
Mong rằng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi: “Đau đầu ti có phải mang thai không?”. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến sức khoẻ của mẹ và bé, bạn có thể truy cập vào website aplicaps.vn hoặc liên hệ hotline 1900 636 985, các chuyên gia đầu ngành sẽ là người trực tiếp giải đáp cho bạn.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Do Sore Boobs Mean I’m Pregnant? Plus, Why This Happens. Truy cập ngày 25/ 03/ 2025. https://www.healthline.com/health/pregnancy/breast-pain-pregnancy |
---|---|
↑2 | Sore Nipples. Truy cập ngày 25/ 03/ 2025. https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/23164-sore-nipples |
↑3 | How to Manage Breast Pain During Pregnancy. Truy cập ngày 25/ 03/ 2025. https://www.verywellhealth.com/sore-breasts-during-pregnancy-5184452 |