Trong suốt thai kỳ, cơ thể mẹ luôn thay đổi từng ngày cùng với sự phát triển của em bé. Do đó mẹ bầu luôn cần đặc biệt quan tâm tới sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo bé phát triển tốt nhất. Dưới đây là 28 điều kiêng kỵ khi mang thai cần đặc biệt lưu ý để mẹ tham khảo nhé.
Lý do mẹ bầu cần kiêng kỵ khi mang thai
Giai đoạn mang thai chính là khoảng thời gian thử thách đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Mẹ bầu không chỉ khó chịu, mệt mỏi về thể chất mà còn phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm: Tiểu đường thai kỳ, thiếu máu, tiền sản giật, biến chứng hậu sản,… Với thai nhi, đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên nếu không được chăm sóc đúng cách có thể dễ gây sảy thai, sinh non, thai chậm phát triển,…
Chính vì thế, nắm rõ về điều nên và không nên khi mang thai cực kỳ cần thiết cho mẹ bầu và em bé, giữ cho thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhất.
28 điều kiêng kỵ khi mang thai mà mẹ cần nhớ
Thai kỳ của mẹ bầu được chia làm 3 giai đoạn, tương ứng với tam cá nguyệt thứ nhất, thứ hai và tam cá nguyệt thứ 3. Tuỳ mỗi giai đoạn mẹ bầu sẽ có những thay đổi và các điều cần tránh khác nhau. Dưới đây là 28 điều kiêng kỵ khi mang thai mẹ cần đặc biệt lưu ý:
1. Không tự ý dùng thuốc
Khi mang thai, mẹ không được tự ý dùng thuốc, ngay cả với những thuốc không kê đơn: Thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc dị ứng,… Bởi thuốc khi vào máu có thể truyền từ mẹ sang em bé và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Theo thống kê có 2 – 3% trẻ em sinh ra bị dị tật thai nhi và 3 – 5% trong số này là do dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
Do đó, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. [1]
2. Hạn chế sử dụng đồ uống chứa caffeine
Một trong 28 điều kiêng kỵ khi mang thai mẹ bầu cần tránh đó chính là hạn chế tối đa sử dụng các đồ uống có chứa caffeine như: Trà, cà phê, chất kích thích,…
Caffeine làm tăng nhịp tim, có thể khiến mẹ bầu cảm thấy lo lắng, hồi hộp, mất ngủ, tăng huyết áp. Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. [2]
3. Không hút thuốc lá
Trong thuốc lá có đến hơn 7000 chất độc hại tới sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp của cơ thể. Không chỉ riêng mẹ bầu mà tất cả mọi người, mọi lứa tuổi không nên hút thuốc lá. Đồng thời hạn chế hít phải khói thuốc để bảo vệ sức khoẻ tốt nhất.
4. Không uống rượu bia
Các loại thức uống có cồn như rượu, bia khi vào cơ thể có thể xâm nhập vào máu, qua nhau thai và tác động tới thai nhi. Uống rượu bia khi mang thai có thể làm giảm cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ tới thai nhi. Từ đó gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai, nhất là trong tam cá nguyệt thứ nhất.
5. Hạn chế để tâm trạng tiêu cực
Trong thời gian mang thai, cơ thể sẽ phát ra các tín hiệu cảnh báo tới não bộ nếu mẹ xuất hiện các cảm xúc tiêu cực. Các tín hiệu này cũng sẽ được truyền tới cho thai nhi, con vẫn sẽ cảm nhận được những cảm xúc giống với mẹ. Tâm trạng tiêu cực của mẹ kéo dài có thể khiến thai nhi nguy cơ gặp phải các kết cục xấu.
6. Không tiếp xúc hóa chất độc hại
Tiếp xúc với các hoá chất độc hại, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể, qua máu gây tác động xấu tới thai nhi, gây ảnh hưởng tới sự phát triển, quá trình hình thành các cơ quan của bé. Nhưng nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến sảy thai, dị tật bẩm sinh,… Mẹ cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với các hoá chất độc hại trong suốt thời gian mang thai và sau sinh nhé.
7. Không khiêng vác vật nặng
Mẹ bầu khiêng, vác vật nặng trong 3 tháng đầu có thể ảnh hưởng tới quá trình làm tổ của thai nhi. Thậm chí dẫn đến doạ sảy, sảy thai. Ngoài ra, vận động quá sức cũng có thể khiến mẹ thấy mệt mỏi, khó thở, đau nhức cơ bắp,… ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ.
8. Hạn chế leo cầu thang quá nhiều
Leo cầu thang quá nhiều có thể gây dọa sảy, sảy thai trong 3 tháng đầu hoặc sinh non trong 3 tháng cuối thai kỳ. Do đó, dù đang trong giai đoạn nào thì mẹ bầu cũng nên hạn chế leo cầu thang hoặc vận động quá nhiều. Điều này giúp tránh gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
9. Không đi giày cao gót
Mẹ bầu đi giày cao gót sẽ làm tăng áp lực lên khung chậu, cổ chân và vùng thắt lưng. Từ đó có thể dẫn đến bị đau lưng, đau hông, chuột rút rất khó chịu.
Ngoài ra, mẹ bầu đi giày cao gót cũng dễ bị mất thăng bằng, gây ngã rất nguy hiểm. Vậy nên giày bệt hoặc giày thể thao khi di chuyển là lựa chọn ưu tiên dành cho mẹ bầu.
10. Không xông hơi, ngâm mình trong nước nóng
Mẹ bầu xông hơi hoặc ngâm mình nước nóng sẽ làm giãn tĩnh mạch, giảm lưu lượng máu tới thai nhi. Nếu đứng lên hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột còn có thể gây tụt huyết áp, ngất xỉu,… Để đảm bảo an toàn, mẹ nên tránh các hoạt động xông hơi, tắm bồn hoặc thực hiện dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia.
11. Không ngồi hoặc đứng quá lâu
Ngồi hoặc đứng quá lâu có thể làm giảm cung cấp máu tới vùng chi dưới, gây tê bì chân tay, đau nhức, chuột rút rất khó chịu. Vì vậy, mẹ bầu nên vận động nhẹ thường xuyên, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu.
12. Không tiếp xúc với sơn
Sơn có chứa rất nhiều hoá chất có khả năng bay hơi và dễ dàng xâm nhập vào hệ hô hấp của cơ thể. Mẹ bầu ngửi mùi sơn nhiều có thể bị khó chịu, nôn, buồn nôn và gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Vì vậy, mẹ bầu vẫn cần kiêng không nên tiếp xúc với sơn, tránh gây khó chịu.
13. Hạn chế đi xe đạp quá lâu
Tập thể dục bằng xe đạp rất tốt cho sức khoẻ, rèn luyện thể lực hiệu quả. Tuy nhiên, mẹ bầu đạp xe quá lâu dễ khiến đau nhức vùng xương chậu, khó chịu, mệt mỏi và không an toàn cho em bé.
14. Hạn chế quan hệ tình dục trong giai đoạn đầu và cuối
Theo kinh nghiệm dân gian, một trong 28 điều kiêng kỵ khi mang thai cần lưu ý là hạn chế quan hệ tình dục trong 3 tháng đầu và cuối của thai kỳ.
Quan hệ trong 3 tháng đầu có thể ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của thai, dễ gây dọa sảy, sảy thai. Còn trong 3 tháng cuối thai kỳ, quan hệ có thể kích thích gây chuyển dạ sớm, vỡ ối,… Do đó, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo quan hệ khi mang thai an toàn và không gây ảnh hưởng tới em bé.
15. Không nằm ngửa
Nằm ngửa khiến mẹ bầu dễ bị khó thở, trào ngược dạ dày,… gây cảm giác khó chịu. Tư thế này cũng làm tăng áp lực lên bàng quang và cột sống khiến mẹ bị bí tiểu và đau lưng, khó ngủ. Do đó, mẹ nên ưu tiên nằm nghiêng, sử dụng gối chuyên dụng cho bà bầu sẽ thoải mái hơn.
16. Không ăn nhiều đường
Bầu ăn quá nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, tăng huyết áp, thai suy dinh dưỡng,… Mẹ bầu cần hạn chế ăn các thực phẩm có nhiều đường. Đồng thời kiểm tra đường huyết thường xuyên trong suốt cả thai kỳ.
17. Không ăn mặn
Nếu ăn nhiều đường gây tiểu đường thai kỳ thì ăn mặn làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tiểu nhiều,… Vì thế mẹ bầu nên ưu tiên ăn nhạt sẽ tốt cho sức khỏe thai kỳ của mẹ.
18. Hạn chế tiếp xúc động vật
Tiếp xúc với động vật có nguy cơ cao lây nhiễm giun sán, các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Do đó, phụ nữ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với động vật. Nếu có tiếp xúc, mẹ nên vệ sinh sạch sẽ chân, tay để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
19. Không kích thích đầu ti
Kích thích đầu ti là việc tối kỵ khi mang thai. Vì quá trình này làm kích thích tiết hormone oxytocin gây tiết sữa và co tử cung, dẫn đến sinh non, chuyển dạ sớm,…
20. Không uống sắt và canxi vào buổi tối
Các nghiên cứu đã chứng minh mẹ bầu không nên bổ sung sắt và canxi vào buổi tối. Nguyên nhân là do thời điểm này, cơ thể gần như không hấp thu được sắt, canxi nên bổ sung sẽ không có hiệu quả. Hơn nữa, lượng canxi, sắt dư thừa không được hấp thu có thể dẫn đến kích ứng đường tiêu hoá, táo bón, nóng trong,… Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến bị sỏi thận. [3]
21. Ăn uống thiếu khoa học
Dinh dưỡng là chìa khóa vàng cho thai kỳ khỏe mạnh. Do đó khi mang thai cần tránh tình trạng ăn uống thiếu khoa học, không lành mạnh. Thay vào đó nên đảm bảo cân bằng dinh dưỡng để bé đủ chất phát triển tốt nhất.
22. Không ăn kiêng giảm cân
Ăn kiêng, giảm cân khi mang thai sẽ khiến mẹ bầu rất khó chịu, mệt mỏi. Đặc biệt là không đủ dưỡng chất cho em bé phát triển, có thể gây suy thai và nhiều biến chứng nguy hiểm.
23. Không ăn quá nhiều
Ăn quá ít khiến con không đủ chất nhưng ăn quá nhiều cũng sẽ khiến mẹ bầu bị dư thừa chất, thừa cân, béo phì,… Không tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
24. Không tiếp xúc tia X-quang, phóng xạ
Mẹ bầu tuyệt đối không tiếp xúc với các tia X-quang, phóng xạ, thông báo cho bác sĩ về tình trạng mang thai khi thăm khám bệnh viện. Các tia này có thể dẫn đến dị tật thai nhi rất nguy hiểm và cần tránh tiếp xúc khi mang thai.
25. Hạn chế đến những nơi đông người
Khi mang bầu mẹ nên hạn chế đến những nơi đông người để phòng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm: Cúm, covid – 19, adenovirus,… Đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và vệ sinh chân, tay khi trở về nhà sẽ giúp mẹ đảm bảo an toàn và phòng ngừa bệnh.
26. Không vận động mạnh
Mẹ bầu không nên vận động mạnh, quá sức bởi chúng có thể gây căng thẳng cho bé. Ngoài ra, vận động mạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ dọa sảy, sinh non, không tốt cho thai kỳ.
27. Tránh xa tiếng ồn
Theo khuyến cáo, khi mang thai mẹ nên giữ môi trường yên tĩnh, thoải mái để nghỉ ngơi tốt nhất. Tránh trường hợp môi trường xung quanh quá ồn ào có thể khiến mẹ mệt mỏi, khó ngủ, mất ngủ và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và hoàn thiện các giác quan trong cơ thể của thai nhi.
28. Không thức quá muộn
Trong thai kỳ, mẹ cần lưu ý đảm bảo lên lịch sinh hoạt khoa học, không nên thức quá muộn. Ngủ đủ giấc sẽ giúp mẹ có thời gian nghỉ ngơi, tăng cường trao đổi chất và hỗ trợ sự phát triển của em bé trong bụng mẹ.
29. Những thực phẩm cần tránh
- Thực phẩm quá nhiều muối, đường và chất béo. Các chất này đều không tốt cho sức khỏe mẹ bầu, tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật và các biến chứng nguy hiểm.
- Các loại thực phẩm sống chưa qua chế biến: Sashimi, thịt sống, cá sống, rau sống,… Có thể chứa nhiều vi khuẩn, kí sinh trùng gây hại cho mẹ và bé.
- Thực phẩm chứa cafein, chất kích thích, đồ uống có ga,… cần tránh sử dụng trong suốt thai kỳ.
- Đồ ăn đóng hộp, đồ chế biến sẵn chứa nhiều chất bảo quản không tốt cho sức khỏe.
Kiêng kỵ tâm linh khi mang thai
Ngoài 28 điều kiêng kị khi mang thai về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, mẹ bầu có thể tham khảo thêm một số điều kiêng kỵ tâm linh theo quan niệm dân gian:
- Xem ảnh em bé dễ thương, nghĩ đến những người xinh đẹp sinh con ra cũng sẽ xinh đẹp, dễ thương như vậy.
- Ăn lựu sẽ giúp con sinh ra sau này có má lúm đồng tiền.
- Không nên thông báo sớm chuyện mang thai vì có thể mang lại xui xẻo, dễ sảy thai, ảnh hưởng không tốt đến em bé.
- Không nên ăn măng tránh sau này sinh con ra nhiều lông.
- Không nên đi xông nhà, xông đất, đi chơi với em bé mới sinh vì sẽ gặp xui xẻo.
- Không nên bước qua dây hoặc qua võng vì có thể làm dây rốn quấn cổ em bé.
Mang thai là một hành trình kỳ diệu nhưng cũng rất vất vả với nhiều điều cần học hỏi, lưu ý. Mỗi giai đoạn của thai kỳ lại có những đặc điểm khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Ngoài việc duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học thì ăn gì, kiêng gì, điều gì cần tránh cũng rất quan trọng.
Trên đây là 28 điều kiêng kỵ khi mang thai mẹ cần lưu ý. Nếu mẹ cần tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe khi mang thai, hãy liên hệ ngay tới HOTLINE 1900 636 985 (nhánh số 2) hoặc truy cập tại ĐÂY để được giải đáp chi tiết nhất.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Self-medication in pregnancy. Truy cập ngày 01/02/2023. https://fundaciondewaal.org/index.php/2021/12/27/self-medication-in-pregnancy/?lang=en |
---|---|
↑2 | Moderate daily caffeine intake during pregnancy may lead to smaller birth size. Truy cập 01/02/2023. https://www.nih.gov/news-events/news-releases/moderate-daily-caffeine-intake-during-pregnancy-may-lead-smaller-birth-size |
↑3 | Get the Calcium You Need During Pregnancy. Truy cập ngày 01/02/2023. https://www.webmd.com/baby/get-the-calcium-you-need-during-pregnancy |