Bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn có sao không

Bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn có sao không? Làm sao để vết hở mau lành

Sau khi sinh, vết khâu tầng sinh môn thường mất khoảng 2-3 tuần để lành lại. Tuy việc đứt chỉ khâu là rất hiếm, nhưng trong một số trường hợp, do vận động quá mạnh hoặc do chỉ khâu tự tiêu sớm, chỉ khâu tầng sinh môn vẫn có thể bị đứt. Vậy bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn có sao không? Những hệ quả và cách xử lý nào mẹ bầu nên biết? Mời mẹ cùng đọc bài viết dưới đây!

Nguyên nhân chỉ khâu tầng sinh môn bị đứt

Vết khâu tầng sinh môn giống với vết khâu ở các vị trí khác trên cơ thể, thường liền lại và biến mất sau 2 – 3 tuần nếu người mẹ chăm sóc cẩn thận. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn bị đứt chỉ khâu.

Dấu hiệu chỉ khâu tầng sinh môn bị đứt đó là:

Mẹ thấy xuất hiện một lỗ hở nhỏ trên miệng vết khâu hoặc vết khâu bị rách rộng ra, hở miệng và có thể thấy các mô bên trong. [1]

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do:

  • Vận động quá mạnh: Trong quá trình vết thương lành lại, các mô mới hình thành rất dễ bị tổn thương. Nếu mẹ vận động mạnh như chạy, bước chân quá rộng, ngồi lệch hoặc đi lại nhiều khiến vết thương bị rách hoặc đứt chỉ khâu.
  • Kỹ thuật khâu không đảm bảo: Trường hợp này chủ yếu xảy ra khi chị em sinh nở tại các cơ sở không uy tín, do bác sĩ chuyên môn thấp thực hiện.
  • Chỉ tự tiêu trước khi vết thương lành: Khi quá trình lành lại của vết thương quá chậm hoặc do việc lựa chọn loại chỉ khâu chưa phù hợp, chỉ có thể tự tiêu trước khi vết thương lành lại.
  • Bị hở sau khi cắt chỉ khâu: Đây là do cắt chỉ khâu khi vết rạch tầng sinh môn chưa lành lại hoàn toàn. Đồng thời, nếu cắt chỉ không đảm bảo đúng quy trình và khử trùng không tốt có thể khiến vết thương khó lành và bị hở.
Hình ảnh bị đứt chỉ vết khâu tầng sinh môn
Hình ảnh bị đứt chỉ vết khâu tầng sinh môn

Dấu hiệu chỉ khâu tầng sinh môn bị đứt

Ngoài dấu hiệu lỗ hở trên miệng vết thương, mẹ có thể chú ý đến các tình trạng dưới đây để biết chỉ khâu tầng sinh môn bị đứt:

  • Xuất hiện cơn đau nhói khi đứt chỉ hoặc vết thương bị rách miệng.
  • Chảy máu, thậm chí xuất hiện dịch vàng trên miệng vết khâu.
  • Vết khâu sưng đỏ, người mẹ cảm thấy không khỏe như sốt nhẹ, nôn, buồn nôn,…
  • Thậm chí nhiều trường hợp không xuất hiện bất kỳ triệu chứng gì ngoài một lỗ nhỏ trên vết khâu.

Qua đó mới thấy được tầm quan trọng của việc kiêng cữ sau sinh của mẹ bầu. Một chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp không chỉ giúp mẹ bầu mau khỏe mà còn giúp vết khâu tầng sinh môn mau lành lại và không bị hở, nhiễm trùng.

Bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn có sao không?

Bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể để lại nhiều nguy cơ như:

  • Vết thương khó lành lại: Do quá trình tái tạo tế bào và hình thành mô mới bị gián đoạn khiến cho quá trình hồi phục cần nhiều thời gian hơn.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Các vết thương hở rất dễ bị vi khuẩn, vi trùng xâm nhập gây nhiễm trùng. Dấu hiệu điển hình của tình trạng này là vết thương sưng đỏ, chảy mủ, có mùi hôi, mẹ có thể bị sốt, nôn hoặc buồn nôn.
  • Người mẹ phải chịu đau đớn: Vết thương càng lâu hồi phục thì sản phụ càng phải chịu đau đớn lâu hơn.
  • Để lại sẹo: Việc tái tạo tế bào mới bị ảnh hưởng có thể khiến lớp tế bào collagen và tế bào biểu bì dần đẩy lên dẫn đến hình thành sẹo.

Thông thường, các vết rách tầng sinh môn sẽ được khâu bằng chỉ tự tiêu. Tuy nhiên vẫn còn một số phòng khám sử dụng chỉ không tự tiêu để khâu vết thương. Vì vậy, sau một thời gian, người mẹ phải trở lại phòng khám để thực hiện cắt chỉ. Vết thương cần cắt chỉ có tỷ lệ bị hở vết khâu cao hơn so với vết thương dùng chỉ tự tiêu.

Ngoài ra, với vết thương mới thì vết khâu bị đứt chỉ khó lành hơn và dễ gặp biến chứng nhiễm trùng hơn. Đó là do quá trình tái tạo mô mới bị gián đoạn, các mô mới bị tổn thương khiến thời gian lành lại bị kéo dài. Thậm chí, vết thương bị hở dễ bị vi khuẩn, vi trùng xâm nhập dẫn đến nhiễm trùng.

Vì vậy, nếu mẹ sau sinh phát hiện chỉ khâu tầng sinh môn bị đứt, mẹ nên đến cơ sở y tế để được khám và kiểm tra, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Bị đứt chỉ vết khâu tầng sinh môn có sao không
Bị đứt chỉ vết khâu tầng sinh môn có thể để lại sẹo hoặc nhiễm trùng

Bác sĩ xử lý vết khâu tầng sinh môn bị đứt chỉ như thế nào?

Mẹ bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn không nên tự ý xử lý tại nhà. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ có đủ dụng cụ và thiết bị y tế để chẩn đoán tổn thương và kê thuốc hợp lý. Theo quy trình thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành lấy dịch vết thương để xét nghiệm xem có bị viêm hay không. Một số loại thuốc mẹ có thể được kê nếu bị nhiễm trùng như: [2]

  • Thuốc kháng sinh.
  • Thuốc giảm đau.
  • Thuốc kháng viêm nhóm NSAIDS như ibuprofen. Thuốc này an toàn với cả mẹ đang cho con bú.

Trường hợp bị nhiễm trùng và viêm nặng, mẹ sẽ được đề xuất nhập viện để truyền kháng sinh và theo dõi thường xuyên. Lúc này nguy cơ biến chứng do viêm nhiễm là cao nên mẹ cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ.

Bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn có bị khâu lại không?

Nhiều mẹ thắc mắc liệu sau khi bị đứt chỉ khâu có cần khâu lại vết thương hay không?

Trường hợp mẹ bị nhiễm trùng thì không nên khâu lại. Nếu bị khâu lại, vi khuẩn xâm nhập có thể bị giữ lại bên trong khiến các mô bị nhiễm trùng nặng hơn và không thể liền lại được.

Nếu không bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể giúp mẹ khâu lại vết thương bị hở, tùy theo độ hở cũng như chỉ định của bác sĩ. Mẹ có thể được kê thêm một số loại thuốc giảm đau hoặc thuốc kháng sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Đồng thời, theo dõi tình trạng tổn thương của vết khâu sau đó rất quan trọng để mẹ sớm nhận biết biến chứng có thể xảy ra.

Nên chăm sóc vết khâu tầng sinh môn bị đứt chỉ như thế nào?

Sau khi được bác sĩ xử lý vết khâu tầng sinh môn bị đứt chỉ, nếu được phép về nhà, mẹ cần chăm sóc vết thương thật cẩn thận. Trong đó, mẹ nên chú ý: [3]

  • Vệ sinh vết thương bằng nước rửa sinh lý dịu nhẹ mỗi ngày. Sau khi rửa, mẹ nên dùng khăn sạch, mềm để lau khô vết thương.
  • Chườm đá lạnh giúp giảm khả năng lưu thông máu đến vêt thương, hạn chế sưng bầm và đau nhức.
  • Sau khi đi vệ sinh, mẹ cần rửa vết thương nhẹ nhàng bằng nước sạch và lau khô ngay.
  • Vết khâu tầng sinh môn có vị trí đặc biệt nên thường bị bí và ẩm, khiến cho vết thương thường khó lành hơn. Do đó, mẹ nên sử dụng quần lót rộng rãi, vải mềm mại để không cọ xát vào vết khâu, đồng thời giữ vết thương luôn được khô thoáng.
  • Sau khi sinh, phần sản dịch còn sót lại có thể tiếp tục chảy ra khỏi âm đạo nên mẹ phải sử dụng băng vệ sinh. Để đảm bảo vùng kín được sạch sẽ, khô thoáng, mẹ nên thay băng vệ sinh thường xuyên, khoảng 2 – 4 giờ/lần.
  • Uống thuốc và bôi thuốc theo chỉ định của bác sĩ (nếu có).
  • Đi lại nhẹ nhàng, ngồi và nằm đúng tư thế (nằm nghiêng), không vận động mạnh để tránh chỉ khâu bị đứt và vết thương bị hở lần nữa.
  • Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng từ thức ăn hoặc các viên uống bổ sung để tăng cường đề kháng và hỗ trợ đẩy nhanh quá trình làm liền vết thương và tái tạo mô mới. Một số vitamin và khoáng chất điển hình là vitamin C, chất xơ, vitamin A, vitamin B, E,…
Nhóm vitamin tốt cho việc phục hồi vết thương
Nhóm vitamin tốt cho việc phục hồi vết thương

Kiêng gì khi bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn?

Để mau lành tầng sinh môn, mẹ cần tránh:

  • Ngâm mình quá lâu trong nước nóng hoặc tắm bằng nước muối.
  • Thuốc kháng sinh, trừ khi có hiện tượng nhiễm trùng.
  • Sử dụng túi giữ nhiệt
  • Quán hệ tình dục trước khi đáy chậu đã hoàn toàn lành.
  • Khiêng vật nặng, vận động quá mức hoặc căng thẳng.
  • Ngồi xổm hoặc bất kỳ tư thế nào khiến vùng hạ bọ cần phải kéo dài.
  • Không thay bằng vệ sinh đều đặn. Việc giữ cho vùng hạ bộ sạch và khô thoáng là rất quan trọng. Bởi vậy, sau mỗi 2 – 3 tiếng, bn nên thay thế mới nhé!

Với những thông tin trên đây, Aplicaps tin rằng mẹ đã có câu trả lời cho câu hỏi “Bị đứt chỉ khâu tầng sinh môn có sao không?”. Nếu cần thêm các thông tin khác về sức khỏe sau sinh, mẹ có thể truy cập website của Aplicaps hoặc liên hệ qua hotline 1900 636 985!

Chúc mẹ sức khỏe và bình an!

Dược sĩ Tú Oanh

Tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo
1 What to know about degrees of perineal tears. Truy cập ngày 20/11/2022.
https://www.webmd.com/baby/what-to-know-degrees-of-perineal-tears
2 Repair of Obstetric Perineal Lacerations. Ngày truy cập: 20/11/2022.
https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2003/1015/p1585.html
3 Episiotomy and perineal tears. Ngày truy cập: 20/11/2022.
https://www.nhs.uk/pregnancy/labour-and-birth/what-happens/episiotomy-and-perineal-tears/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ