Protein trong nước tiểu bao nhiêu là bình thường và cách làm giảm protein trong nước tiểu như thế nào đang là vấn đề nhiều mẹ bầu quan tâm. Tăng hàm lượng protein niệu là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Khi gặp tình trạng này, các mẹ thường hoang mang tìm biện pháp cải thiện. Bài viết sau sẽ giúp mẹ có góc nhìn khách quan và khoa học nhất về cách giảm protein trong nước tiểu khi mang thai.
Nguyên nhân gây protein niệu khi mang thai
Ở người bình thường, lượng protein trong nước tiểu trung bình khoảng 150 mg/ngày. Khi mang thai, hàm lượng này sẽ tăng lên khoảng 300 mg/ngày. Nếu protein niệu tăng vượt quá mức 300 mg/ngày là tình trạng bất thường. Khi đó mẹ cần thăm khám và theo dõi bởi bác sĩ.
Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng mức protein niệu ở phụ nữ mang thai Một số nguyên nhân thường gặp nhất như:
- Tiền sản giật: Tiền sản giật là hiện tượng các mạch máu phát triển không bình thường. Mạch máu ở phụ nữ bị tiền sản giật có thể hẹp hơn và cản trở máu lưu thông. Điều này có thể dẫn đến hiện tượng tăng tính thấm thành mao mạch cầu thận, khiến một số protein “lọt” vào. Từ đó dẫn đến tình trạng protein niệu.
- Sự thay đổi về mặt sinh ký khi mang thai: Khi mang thai, thai nhi lớn dần và bắt đầu chèn ép các cơ quan khác. Điều này ảnh hưởng đến hình dạng của thận, đài thận và bể thận bị giãn ra. Kết hợp với lưu lượng máu tăng gần 50% so với bình thường làm tăng khả năng tái hấp thu và tính thấm thành mao mạch, dẫn đến protein niệu.
- Người mẹ có bệnh lý về thận trước đó: Nếu trước khi mang thai, người mẹ mắc bệnh liên quan đến thận như viêm bể thận, viêm cầu thận hoặc hệ chứng thận hư,… cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng protein trong nước tiểu. Việc thận bị tổn thương trước đó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lọc và tái hấp thu của thận.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân trên, một số lý do như yếu tố di truyền, chế độ ăn uống, stress, sốt, tiểu đường thai kỳ hoặc tập thể dục quá sức,… cũng có khả năng dẫn đến tăng protein trong nước tiểu.
Vì sao protein niệu xuất hiện trong thai kỳ
Trước khi tìm hiểu cách giảm protein trong nước tiểu khi mang thai, các bạn cần nắm rõ nguyên nhân cốt lõi dẫn đến hiện tượng này. Ngoài những lý do trên, với mẹ bầu có sức khỏe bình thường, không có nguy cơ tiền sản giật hay bệnh lý về thận trước đó cũng có thể tăng lượng protein trong nước tiểu.
Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này là sự thay đổi về mặt tâm lý và sức khỏe của người mẹ khi thai nhi phát triển. Vì vậy, mẹ bầu bị protein niệu trong giai đoạn mang thai là điều khó tránh khỏi.
Khi thai càng lớn, nhất là vào tam cá nguyệt thứ ba, thai nhi sẽ chèn ép thận, có thể khiến thận bị “kéo giãn” ra, đài thận và bể thận cũng bị giãn theo. Đồng thời, lưu lượng máu tăng làm tăng gần 50% mức lọc cầu thận so với bình thường. Cả hai vấn đề trên đều dẫn đến tình trạng tăng tính thấm của thành mao mạch cầu thận và khả năng tái hấp thu, từ đó làm tăng nồng độ protein trong nước tiểu.[1]
Protein niệu khi mang thai có nguy hiểm không?
Theo Jee Shim, bác sĩ sản khoa tại bệnh viện Long Island Jewish Forest Hills, cho biết việc tăng protein trong nước tiểu ở thai kỳ là điều hoàn toàn bình thường nếu nồng độ dưới 300 mg/ ngày. Tuy nhiên, việc tăng protein niệu khi mang thai vào từng thời điểm khác nhau cũng có những ảnh hưởng khác nhau.
Theo các bác sĩ, nếu tăng protein niệu trong khoảng 20 tuần đầu thai kỳ thì hầu như không đáng lo ngại. Tuy nhiên, sau 20 tuần vẫn có hiện tượng trên thì sẽ tồn tại một số nguy cơ tiềm ẩn mà mẹ bầu cần quan tâm.
Nếu mẹ bầu bị tăng protein niệu bởi các nguyên nhân như stress, vận động quá sức, thay đổi sinh lý cơ thể,… thì tình trạng này ít nghiêm trọng và có thể dễ dàng khắc phục. Tuy nhiên nếu tăng protein niệu đi kèm với các triệu chứng như tăng huyết áp, sưng tấy, khó thở, mờ mắt thì đây có thể là dấu hiệu tiền sản giật.
Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe mẹ và bé. Tiền sản giật là nguy cơ hàng đầu dẫn đến thai lưu, sinh non,… Vì vậy, mẹ bầu mắc tăng protein niệu khi mang thai không được chủ quan vì bệnh có thể biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mẹ và bé.
Mức độ nguy hiểm của bệnh sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ và dấu hiệu tăng protein trong nước tiểu. Do đó, nếu mẹ đang gặp tình trạng protein niệu cao hơn bình thường, hãy tham vấn với bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có cách phòng ngừa, hạn chế biến chứng nguy hiểm.[2]
Cách giảm protein trong nước tiểu khi mang thai
Khi protein niệu tăng cao, các mẹ luôn tìm cách giảm protein trong nước tiểu khi mang thai. Tuy nhiên, các mẹ cần biết rằng rất khó để giảm hàm lượng protein niệu. Vì đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi mang thai và có thể cải thiện sau khi kết thúc thai kỳ. Khi đó, việc mẹ cần làm là thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tuy nhiên, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp giúp hạn chế tăng nồng độ protein niệu và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm:
- Hạn chế sử dụng thức ăn có chứa nhiều muối, đường hoặc gia vị đậm.
- Nên ăn gì để giảm protein trong nước tiểu? Các mẹ nên bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ và trái cây.
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Tránh vận động mạnh hoặc tập thể dục quá sức.
- Giữ tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ và lạc quan.
- Thường xuyên thăm khám định kỳ để bác sĩ nắm rõ tình hình và theo dõi sức khỏe thai kỳ.[3]
Làm sao để phòng ngừa protein niệu trong thai kỳ?
Mặc dù không có biện pháp phòng ngừa hoàn toàn tình trạng protein niệu trong thai kỳ. Tuy nhiên mẹ bầu có thể áp dụng một số biện pháp sau để hạn chế tối đa tình trạng mắc protein niệu trong thai kỳ:
- Thường xuyên theo dõi huyết áp qua những lần khám thai để phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sản giật.
- Nếu người mẹ có các bệnh lý liên quan đến thận trước khi mang thai thì cần theo dõi sức khỏe bệnh lý thường xuyên hơn và trao đổi với với bác sĩ về tình trạng bệnh. Báo ngay với bác sĩ nếu phát hiện thấy có triệu chứng bất thường.
- Mẹ bầu chủ động kiểm soát chế độ ăn uống và cân bằng dinh dưỡng. Để phòng ngừa protein niệu trong thai kỳ, bác sĩ khuyên mẹ bầu nên ăn nhạt, không nên ăn quá mặn.
- Tránh vận động quá sức hoặc tập thể thao quá nhiều. Đặc biệt, trước khi lấy nước tiểu xét nghiệm vì hoạt động quá sức dẫn đến tiết nhiều mồ hôi khiến kết quả xét nghiệm thiếu chính xác.
Vừa rồi là những thông tin và kiến thức liên quan đến protein niệu và cách giảm protein trong nước tiểu khi mang thai. Hy vọng rằng bài viết của Aplicaps đã cung cấp nhiều kiến thức có giá trị cho bạn và giúp bạn có những biện phòng ngừa sớm hiện tượng này. Hãy nhanh tay liên hệ 1900 636 985 hoặc truy cập TẠI ĐÂY để gặp chuyên gia tư vấn về các vấn đề liên quan.
Dược sĩ Anh Thư
Tài liệu tham khảo
↑1 | Detection of Proteinuria in Pregnancy: Comparison of Qualitative Tests for Proteins and Dipsticks with Urinary Protein Creatinine Index. Truy cập ngày 03/11/2022. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3809617/ |
---|---|
↑2 | What It Means If You Have Protein in Your Urine During Pregnancy. Truy cập ngày 03/11/2022. https://www.healthline.com/health/pregnancy/protein-in-urine-pregnancy |
↑3 | Can I Lower My Protein Levels? Truy cập ngày 03/11/2022. https://www.parents.com/pregnancy/my-body/pregnancy-health/protein-in-urine-during-pregnancy-what-it-means-and-when-to-worry/ |