buồng trứng đa nang

Livestream cùng bác sĩ: Buồng trứng đa nang và những điều cần biết

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một bệnh lý phổ biến, gặp ở 8-13% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này có cơ chế sinh bệnh học vô cùng phức tạp và bệnh cảnh đa dạng với sự đóng góp của 3 chuyên khoa lớn là Nội tiết, Sản phụ khoa và Tâm lý.

Để chẩn đoán buồng trứng đa nang thì với những trường hợp cơ bản chắc bệnh nhân cũng có thể tự mình chẩn đoán khi thấy kinh nguyệt không đều. Thực tế, 85% bác sĩ đều biết đến tiêu chuẩn chẩn đoán PCOS – Rotterdam nhưng chỉ 55% trong số đó là nhận diện đúng 3 tiêu chí trong tiêu chuẩn này, đó là:

  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Cường Androgen.
  • Hình ảnh siêu âm buồng trứng đa nang (PCOM).

Khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang, mặc dù bạn lo lắng cho khả năng mang thai của mình, nhưng dường như không được bác sĩ chẩn đoán và quản lý toàn diện, nhìn nhận tình trạng bệnh đầy đủ mọi thứ, khiến bạn mông lung.

buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang gây ra rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là gì? Dấu hiệu cảnh báo

Thực tế thì đặc điểm lâm sàng của buồng trứng đa nang cực kỳ đa dạng nhưng phổ biến nhất là rối loạn kinh nguyệt. Cụ thể:

  • Sau dậy thì 1 năm: Không tính vì đây là giai đoạn rối loạn kinh nguyệt.
  • Sau dậy thì 1-3 năm: Chu kỳ kinh nguyệt < 21 hoặc > 45 ngày.
  • Sau dậy thì > 3 năm – trước mãn kinh: Chu kỳ kinh nguyệt < 21 hoặc > 35 hoặc < 8 chu kỳ mỗi năm.

Lưu ý, rối loạn phóng noãn hay còn gọi là rối loạn rụng trứng có thể gặp ở cả những bạn có kinh nguyệt đều. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi nghĩ rằng kinh nguyệt đều là bản thân không có vấn đề gì xảy ra.

Bên cạnh đó, một số dấu hiệu khác cảnh báo rối loạn kinh nguyệt là:

  • Rậm lông, rụng tóc, hói, mụn,…
  • Tăng cân khó kiểm soát: Đây có lẽ là một trong những triệu chứng dễ nhận ra ở người mắc buồng trứng đa nang. Chúng ta cứ nghĩ rằng rối loạn chuyển hóa chỉ đơn thuần là tăng cân. Nhưng thực ra rối loạn nội tiết chuyển hóa ở bệnh nhân đa nang lại rất đa dạng, liên quan đến các chuỗi phản ứng chuyển hóa khác nhau như kháng insulin, cường androgen, rối loạn dung nạp đường huyết, rối loạn chức năng tuyến giáp, tim mạch,…
  • Xuất huyết tử cung bất thường.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Và quan trọng hơn cả, đó là hiếm muộn.
rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ có thể là một trong những dấu hiệu của buồng trứng đa nang

Người mắc đa nang buồng trứng có mang thai tự nhiên được không?

Bản thân người mắc buồng trứng đa nang vẫn hoàn toàn có thể có thai tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian để mang thai tự nhiên có thể sẽ kéo dài rất lâu nên khiến cho các bạn có đa nang không đủ kiên nhẫn chờ đợi, thậm chí ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Đa nang buồng trứng có ảnh hưởng gì?

Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng mang thai (khó có con), đa nang buồng trứng còn tác động tới sinh sản và thai nghén, cụ thể:

  • 70% phụ nữ bị PCOS là có rối loạn phóng noãn hoặc không phóng noãn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm có con nhé, điều này được thể hiện rất rõ qua các chỉ số nội tiết. Và nguy cơ hiếm muộn cao hơn 15 lần so với bình thường nhé
  • Tăng nguy cơ sảy thai.
  • Tăng nguy cơ sinh non.
  • Tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
  • Tăng nguy cơ rối loạn huyết áp thai kỳ.

Ngoài ra, buồng trứng đa nang có sự liên quan mật thiết đến đái tháo đường tuýp 2 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin. Đây cũng là lý do mà tại sao người mắc buồng trứng đa nang có biểu hiện thừa cân béo phì hay những đối tượng có rối loạn dung nạp đường huyết thì có thể sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường như thuốc Glucophase hoặc Metfomin.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh đường huyết trong bệnh lý đái tháo đường là sự kết hợp của nhiều loại thuốc chứ không phải đơn thuần chỉ sử dụng một loại thuốc mà đạt được mục đích điều trị. Chính vì vậy, bạn đừng quá lo lắng rằng thuốc đái tháo đường sẽ làm hạ đường huyết.

tăng nguy cơ sảy thai
Người mắc buồng trứng đa nang có thể tăng nguy cơ sảy thai

Điều trị buồng trứng đa nang như thế nào?

Mục đích điều trị buồng trứng đa nang thường không phải là giảm cân hay phòng đái tháo đường mà là có thai. Và mục đích điều trị mong con thì từ trước đến nay có 3 cách:

Điều trị nội khoa: đó là sử dụng thuốc cải thiện chất lượng buồng trứng như metformin, inositol, myositol này. Cách này thì mất thời gian nếu dùng đơn thuần, hiệu quả phải tầm 6 tháng mới có thể thấy được. Hơn nữa, trong quá trình điều trị, bạn vẫn cần được bác sĩ đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp.

  • Metformin: Làm tăng nhạy cảm Insulin nên sử dụng khi chẩn đoán xác định PCOS, kết hợp với điều chỉnh lối sống khi BMI > 25kg/m2. Thuốc có tác dụng tăng tỉ lệ thai lâm sàng và giảm nguy cơ quá kích khi kích thích buồng trứng. Tuy nhiên nếu dùng với thời gian quá dài có thể gây giảm vitamin B12.
  • Inositol: Giúp tăng nhạy cảm của tế bào với Insulin, trong đó Myo-Inositol được chứng minh làm giảm LH, giảm cường Androgen và giảm đề kháng insulin ở phụ nữ PCOS, Myo-Inositol được chuyển hóa 1 phần thành D-chiro-Inositol.

Điều trị ngoại khoa: Trước đây có một quan điểm là nhiều trứng thì đốt bớt đi cho hết, nên sinh ra một kỹ thuật là đốt điểm buồng trứng. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian áp dụng thì mọi người nhận ra một điều rằng đốt điểm không có giá trị nhiều nên hiện nay không còn được áp dụng.

Điều trị Hỗ trợ sinh sản: Đây là cách mà được nhiều người lựa chọn với sự can thiệp để trước mắt là tăng khả năng trứng lớn và kiểm soát việc phóng noãn để quan hệ tự nhiên hoặc bơm IUI (Bơm tinh trùng vào buồng tử cung) hoặc cao cấp hơn là làm thụ tinh ống nghiệm (IVF).

kỹ thuật bơm tinh trùng
Người mắc buồng trứng đa nang có thể được điều trị hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng

Tuy nhiên, người mẹ nào cũng đều mong muốn có thể mang thai tự nhiên được nên bác sĩ sẽ nhận định xem bạn có khả năng có thai tự nhiên được không để tư vấn và điều trị. Cho nên về cơ bản, khi tiếp cận một cặp vợ chồng có người vợ bị đa nang thì bác sĩ cần đánh giá toàn diện về khả năng sinh sản của hai vợ chồng để có thể định hướng điều trị.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ cần đánh giá yếu tố đe dọa có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, yếu tố nguy cơ từ lối sống, công việc, tiền căn của gia đình, các chỉ số chỉ điểm cho các rối loạn. Từ đó vạch ra được mục tiêu điều trị tiếp cận từng mục tiêu cụ thể và có thể điều chỉnh đến mục đích cuối cùng.

Ngoài ra, các bạn cũng đừng đánh giá thấp hiệu quả của các liệu pháp bổ trợ trong điều trị hội chứng buồng trứng đa nang vì đây không chỉ đơn thuần là rối loạn phóng noãn. Liệu pháp bổ trợ đầu tay chính là thay đổi lối sống của chính bản thân mỗi người bệnh nên các bạn mới nghe thấy rằng sử dụng chế độ ăn KETO cho người mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, bạn cần hiểu thực chất của keto là gì để có thể áp dụng cho phù hợp vì không phải ai cũng đều có thể áp dụng keto.

Bạn có thể sử dụng các chất chống oxy hóa để làm giảm stress oxy hóa trong cơ thể, giảm sinh mạch, giảm viêm, tăng nội tiết tình dục, tăng chuyển hóa, tăng các chỉ số sinh trắc,… Đồng thời, tăng khả năng phóng noãn, tăng khả năng sinh sản. Một số chất ví dụ như Vitamin E, Co-enzymQ10, vitamin D, curcumin,…

Buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

Hầu hết mọi người chỉ nghe nói đến việc giảm khả năng có thai ở phụ nữ do buồng trứng đa nang chứ ít người nghe đến biến chứng thai kỳ. Các biến chứng thai kỳ ở phụ nữ có buồng trứng đa nang có thể là:

  • Biến chứng đầu tiên là Sảy thai, PCOS làm tăng nguy cơ lên 1,59 lần.
  • Đái tháo đường thai kỳ: Tăng 3 lần bình thường và tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 lên 8,8 lần.
  • Tăng huyết áp thai kỳ: Tăng 2-4 lần.
  • Sinh non: Tăng nguy cơ 2-3 lần.
  • Biến chứng khác: Tăng tỉ lệ mổ lấy thai 1,2 lần; Tăng nguy cơ con bị tăng động giảm chú ý, tăng động, tự kỷ,…

Tuy nhiên, không phải ai mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng gặp phải vấn đề này nhưng sẽ có nguy cơ cao mắc phải những biến chứng trên.

tăng nguy cơ sinh non
Người mắc buồng trứng đa nang có nguy cơ sinh non lên 2-3 lần

Hỏi – đáp

1. Tính đến hiện tại thì em đã mất kinh gần 5 tháng. Lần mới đây đi khám thì bs bảo em bị đa nang buồng trứng. Em hỏi xin thuốc uống thì bác sĩ nói sao năm nay cứ thả nếu không dính thì đúng 1 năm thì điều trị. Em thì mong con lắm, bác sĩ cho em hỏi trường hợp của em có thể điều trị luôn được không?

Đa nang sẽ có những thuốc điều trị để tăng nhạy cảm của các hormon, đồng thời tăng khả năng tiếp nhận hormon của trứng, cải thiện tình trạng về rối loạn phóng noãn. Vì vậy, người bị đa nang buồng trứng cần điều trị thêm bằng các thuốc nội khoa.

2. Em vừa viêm lộ tuyến vừa đa nang chữa liệu có khỏi được không?

Bạn có thể điều trị khỏi viêm lộ tuyến nhưng buồng trứng đa nang thì không thể chữa khỏi được. Mục đích điều trị buồng trứng đa nang là bác sĩ giải quyết một trong hai vấn đề do đa nang gây ra. Đó là kinh nguyệt không đều hoặc chậm có con.

3. Em 23 tuổi bị đa nang nhưng kinh nguyệt đều, có uống thuốc gì cải thiện được không?

Đầu tiên cần phải chúc mừng bạn khi đã có kinh nguyệt đều, điều này giúp bạn tăng khả năng mang thai tự nhiên. Bên cạnh đó, đa nang thì bạn cần phải điều trị, có thể uống thuốc có thành phần inositol, myositol,… cùng với sự hướng dẫn và điều trị của bác sĩ.

4. Em đang mang thai 17 tuần và đi siêu âm định kỳ thì có nang đám rối mạch mạc bên trái. Bác sĩ bảo về sau tự hết nhưng em về đọc trên mạng thấy hơi lo, liệu có tự hết được không?

Tùy theo kích thước của đám rối mạch mạc nhưng đa phần là nó sẽ tự hết. Tuy nhiên, bạn vẫn phải theo dõi thêm.

5. Em bị đa nang buồng trứng với mới bị thai lưu. Tình trạng như của em thì nên bổ sung gì để hồi phục?

Đầu tiên bạn nên bổ sung sắt, axit folic. Ngoài ra thì bạn cần bổ sung inositol, myositol để cải thiện tình trạng buồng trứng. Vì chắc chắc bạn vừa bị lưu thai thì chưa thể có thai ngay được và để nội tiết trong cơ thể trở về mức bình thường.

6. Em có bầu 3 lần nhưng đều dừng phát triển ở tuần thứ 5-7, em có đi kiểm tra thì bị đa nang và chỉ số AMH 11.3, các chỉ số khác bác sĩ đều kết luận bình thường.

Buồng trứng đa nang là một trong những nhân dẫn đến tình trạng sảy thai, thai lưu liên tiếp. Các chỉ số nội tiết có thể vẫn ở trong ngưỡng bình thường nhưng cần xem là tỷ lệ giữa các chỉ số hormon nội tiết có bất thường hay không?

7. Em đi khám bị đa nang, kinh không đều, trứng lép và chồng em có tinh trùng hơi yếu. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em?

Bạn cần đi kiểm tra vòi tử cung có bị tắc hay không. Còn chồng tinh trùng yếu cần cải thiện và bổ sung, đồng thời nên làm xét nghiệm nội tiết.

8. Đa nang buồng trứng thì có mang thai tự nhiên được không?

Người mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoàn toàn có thể mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian để mang thai được tự nhiên sẽ diễn ra khá lâu nên phải xem bạn có đủ kiên nhẫn hay không. Thực tế, việc điều trị có thai tự nhiên trong bao lâu thì bạn sẽ được bác sĩ tiên lượng và tư vấn. Nếu trường hợp không có thai tự nhiên được, bắt buộc bạn phải sử dụng đến biện pháp hỗ trợ.

9. Bị kinh ít, 3 tháng có kinh 1 lần thì điều trị như thế nào?

Buồng trứng đa nang gây ra hai vấn đề lớn là rối loạn kinh nguyệt và muộn có con. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể lựa chọn điều trị một trong hai vấn đề mà thôi. Nếu điều trị kinh nguyệt đều rất dễ tuy nhiên bạn sẽ không có thai tự nhiên được. Nếu điều trị có con thì bạn sẽ không có kinh nguyệt đều như những người khác nhưng sẽ có tiến triển nhất định.

10. AMH cao là bị buồng trứng đa nang phải không?

AMH không phải tiêu chuẩn đánh giá buồng trứng đa nang. Vì vậy khi bạn có AMH cao chưa chắc sẽ mắc buồng trứng đa nang. AMH là hocmon gián tiếp để đánh giá dự trữ buồng trứng và khi chỉ số này tăng cao sẽ là gợi ý để giúp bác sĩ nghĩ đến bạn có mắc hội chứng buồng trứng đa nang hay không.

Thông thường AMH tăng cao sẽ có buồng trứng đa nang nên dẫn đến nhiều người lầm tưởng rằng cứ AMH tăng cao là mắc buồng trứng đa nang.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ