Đa ối là tình trạng tích tụ dư thừa lượng nước ối vượt quá chỉ số ối bình thường. Mặc dù nước ối có vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi, tuy nhiên dư thừa nước ối có thể tiềm ẩn một số nguy cơ, ảnh hưởng đến sản phụ và bào thai.
Chức năng sinh lý nước ối
Túi ối được tạo ra khoảng ngày thứ 12 sau khi trứng thụ tinh. Trong quý đầu của thời kỳ thai nghén, nước ối có tính đẳng trương và tương tự như huyết tương của người mẹ. Trong quý hai và nửa sau của thời kỳ thai nghén dịch ối trở nên nhược trương.
Thể tích nước ối tăng dần cho đến đầu của 3 tháng cuối thai kỳ và từ đó hằng định đến khi thai đủ tháng. Trong giai đoạn tuần thứ 37 đến tuần thứ 41, thể tích nước ối giảm đi 10%. Từ tuần thứ 42 trở đi, thể tích nước ối giảm đi rất nhanh, khoảng 33% trong một tuần.
Đa ối là gì?
Đa ối hay rối loạn nước ối là tình trạng có quá nhiều nước ối hình thành trong thời gian thai kỳ. Dư nước ối hiện là tình trạng khá thường gặp. Nước ối được cho là bình thường khi đạt 250 – 600ml lúc thai nhi từ 16 – 32 tuần tuổi.
Lượng nước ối tăng dần theo tuổi thai và đến khoảng tuần thứ 34 của thai kỳ nước ối sẽ lên 800ml và duy trì cho đến khi thai nhi 36 tuần tuổi sẽ đạt mức cao nhất 1000ml. Sau đó, sẽ giảm dần còn khoảng 600 – 800ml vào khoảng thời gian trước khi sinh. Bà bầu bị dư nước ối khi lượng nước ối vượt quá trên 2000ml.
Để chẩn đoán đa ối, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm và lấy kết quả ước lượng gián tiếp về thể tích nước ối. Mẹ được chẩn đoán dư ối khi chỉ số nước ối (AFI: amniotic fluid index) qua siêu âm từ 12-25cm . Đa ối là quá 25cm.
Thiểu ối là gì ?
Thiểu ối là hiện tượng lượng nước ối ít hơn mức sinh lý bình thường, khi chỉ số ối AFI nhỏ hơn 5cm và màng ối còn nguyên vẹn. Thiểu ối tiềm ẩn những nguy cơ như thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn, khoèo chi,…. Nặng hơn là tình trạng cạn ối khi lượng nước ối đo được qua siêu âm (chỉ số AFI nhỏ hơn 3cm).
Thiểu ối đa phần xuất hiện ở những thai quá ngày sinh, thai chậm phát triển trong tử cung, một số ít xuất hiện sớm trong những tháng đầu thai kỳ. Trường hợp này tiên lượng thường xấu hơn và liên quan đến bất thường của thai nhi. Thiểu ối tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên việc phát hiện sớm giúp cho quá trình điều trị tiên lượng tốt.
Nguyên nhân đa ối khi mang thai?
Nước ối là dịch bao quanh và đệm cho thai nhi bên trong tử cung, xuất phát từ thận của em bé và vào tử cung từ nước tiểu của em bé. Chất dịch được hấp thụ khi bé nuốt và qua cử động thở.
Lượng dịch tăng lên cho đến tuần thứ 36 của thai kỳ, sau đó giảm dần. Nếu bào thai tạo ra quá nhiều nước tiểu hoặc không nuốt đủ, nước ối sẽ tích tụ lại và gây ra đa ối. Đôi khi các bác sĩ không tìm ra được nguyên nhân của tình trạng đa ối. Các yếu tố có liên quan đến đa ối bao gồm:
- Bệnh tiểu đường khi mang thai.
- Những bất thường về đường tiêu hóa ngăn chặn việc nuốt nước ối.
- Nuốt bất thường do các vấn đề với hệ thần kinh trung ương hoặc bất thường về nhiễm sắc thể.
- Hội chứng truyền máu song sinh.
- Suy tim.
- Nhiễm trùng bẩm sinh (mắc trong thai kỳ).
Những ai thường mắc phải tình trạng đa ối?
Đa ối có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi của mẹ bầu. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc tình trạng đa ối?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đa ối như:
- Đa thai
- Đa thai làm tăng nguy cơ mắc tình trạng đa ối:
- Dị tật bẩm sinh của não và cột sống.
- Tắc nghẽn hệ tiêu hóa.
- Vấn đề di truyền (vấn đề với các nhiễm sắc thể được di truyền).
Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng đa nước ối ở bà bầu là gì?
Đa ối nhẹ thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, mỗi phụ nữ có thể gặp các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Bụng sản phụ to hơn so với tuổi thai, khó nghe được nhịp tim thai.
- Số đo vòng bụng (qua rốn) lớn hơn 100cm, bụng căng bóng, đau bụng, khó thở, ăn uống khó tiêu, việc hô hấp cũng khó khăn hơn.
- Tĩnh mạch bị giãn có thể dẫn đến bệnh trĩ khi mang thai.
Thông thường mẹ bầu sẽ bị dư ối ở tuần thứ 30, tuy nhiên cũng có một số mẹ bầu bị dư ối ở tuần thứ 20 của thai kỳ.
Nguyên nhân gây thiểu ối
Nguyên nhân thiểu ối có thể do mẹ, do thai hoặc các yếu tố khác. Cụ thể:
Nguyên nhân từ phía mẹ:
- Mẹ mắc một số bệnh như tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý gan thận làm cho thai nghén kém phát triển và giảm chức năng tái tạo nước ối.
- Mẹ dùng một số thuốc trong quá trình mang thai: Ức chế men chuyển, ức chế tổng hợp prostaglandin, hóa trị ung thư,…
Nguyên nhân từ phía thai:
- Bất thường nhiễm sắc thể.
- Dị tật bẩm sinh: Tiết niệu, tiêu hóa, hô hấp như não vô sọ, não úng thủy, thoát vị não màng não, thoái vị rốn, dò thực quản – khí quản, teo hành tá tràng, giảm sản phổi, không có thận, bất sản thận, nghịch sản thận, thận đa nang.
- Thai chậm phát triển trong tử cung.
- Thai quá ngày dự kiến sinh.
- Nhiễm trùng thai.
- Nguyên nhân do phần phụ của thai (bánh rau):
- Vỡ ối non, vỡ ối sớm.
- Nhồi máu bánh rau.
- Hội chứng truyền máu thai nhi trong song thai.
Tuy nhiên, có khoảng 30% trường hợp mắc thiểu ối nhưng không rõ nguyên nhân.
Đối tượng nguy cơ bệnh Thiểu ối
- Mẹ mắc một số bệnh như: Tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh lý gan thận, dùng một số thuốc như prostaglandin, hóa xạ trị ung thư,…
- Uống ít nước, dưới 2 lít/ngày.
- Dinh dưỡng kém ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Lao động quá sức.
- Song thai, đa thai.
- Thai quá ngày dự kiến sinh.
Hậu quả của đa ối
Quá nhiều nước ối có thể làm cho tử cung của người mẹ trở nên căng và dẫn tới sinh non hoặc vỡ màng ối sớm (túi nước ối). Đa ối cũng có liên quan đến dị tật bẩm sinh ở bào thai. Khi túi nước ối vỡ, một lượng lớn dịch ứ lại tử cung có thể làm tăng nguy cơ bong nhau thai (bong nhau sớm) hoặc sa dây rốn (khi dây rốn sa qua lỗ cổ tử cung).
Đa ối làm cho bào thai dễ dàng xoay trở vì có nhiều nước ối bao xung quanh. Điều này có nghĩa là bạn có nguy cơ sinh ngôi ngược khá cao. Hầu hết các trường hợp đa ối là nhẹ và do sự tích tụ nước ối dần dần trong nửa sau của thai kỳ. Đa ối nặng có thể gây khó thở, sinh non hoặc các dấu hiệu và triệu chứng khác.
Nếu bạn được chẩn đoán bị đa ối thì bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận việc mang thai để giúp ngăn ngừa các biến chứng. Bác sĩ sẽ điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Hậu quả của thiểu ối
Thiểu ối có thể ảnh hưởng đến cả thai nhi và mẹ bầu. Những ảnh hưởng này tùy thuộc vào tuổi thai và tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.
Ảnh hưởng trong nửa đầu thai kỳ: Nếu thiểu ối xảy ra vào nửa đầu thai kỳ có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng:
- Tăng áp lực đến các cơ quan, nội tạng của thai nhi đang trong quá trình hình thành và có thể gây dị tật bẩm sinh.
- Tăng tỉ lệ sảy thai và thai chết lưu.
Ảnh hưởng trong nửa sau thai kỳ:
- Thiểu ối làm thai nhi chậm phát triển trong tử cung.
- Đẻ non: Thường xảy ra khi tình trạng thiểu ối nặng.
- Gây nên các biến chứng khi chuyển dạ bao gồm: Chèn ép tủy, hội chứng hít phân su, tăng tỉ lệ mổ lấy thai.
Khi bị đa ối cần làm gì?
Trong hầu hết các trường hợp đa ối nhẹ thì không có gì đáng lo ngại. Bác sĩ sẽ dặn bạn thăm khám thường xuyên và cho bạn uống một số thuốc lợi tiểu. Nếu có thể xác định được nguyên nhân do nhiễm khuẩn hoàn toàn có thể điều trị bằng kháng sinh an toàn cho thai nhi.
- Đối với tình trạng đa ối nặng, bác sĩ sẽ theo dõi kỹ lượng nước ối của bạn, nếu tăng quá nhanh bạn có thể phải phẫu thuật, chọc ối để rút bớt nước ối. Sinh con khoảng 39 tuần.
- Có thể rút bớt nước ối (amnioreduction).
Các khuyến cáo về theo dõi trước sinh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đa ối, dựa trên AFI:
- AFI ≥ 30 cm (làm tăng nguy cơ tử vong ở thai nhi): Vì đa ối làm tăng nguy cơ tử vong của thai nhi nên theo dõi thai trước khi sinh bắt đầu sớm từ 30 tuần (đặc biệt nếu AFI ≥ 32 cm) và nên bao gồm test không căng thẳng ít nhất một lần/tuần. Tuy nhiên, giám sát như vậy đã không được chứng minh để làm giảm tỷ lệ tử vong của thai.
- AFI ≥ 24 đến <30 cm: Theo dõi trước sinh với test không áp lực không còn được khuyến cáo.
Tất cả các mức độ đa ối: Siêu âm nên được thực hiện mỗi 4 tuần để kiểm tra macrosomia và để đánh giá giải phẫu của thai nhi.
Các biện pháp điều trị bệnh Thiểu ối
Thiểu ối điều trị theo nguyên nhân. Ở mỗi giai đoạn thai kỳ mà có những nguyên nhân khác nhau, từ đó đưa ra cách xử trí và chữa trị kịp thời, cụ thể:
- Hỏi bệnh sử, khám lâm sàng và làm xét nghiệm dịch âm đạo để loại trừ rỉ ối, vỡ ối.
- Siêu âm tiền sản nhằm khảo sát và phát hiện các bất thường hình thái thai, đặc biệt bệnh lý hệ niệu của bào thai như các trường hợp loạn sản thận, tắc nghẽn đường niệu.
- Siêu âm tim thai, siêu âm Doppler (AFI, Doppler động mạch não giữa), monitor sản khoa trong trường hợp có kèm thai chậm phát triển trong tử cung.
Tùy vào tuổi thai và có hướng xử trí, điều trị khác nhau, cụ thể như sau:
- Thiểu ối trong 3 tháng đầu: Khả năng bệnh lý về thai nhi là cao, nguyên nhân từ trong trứng phôi và bệnh lý của mẹ. Vì vậy cần xác định nguyên nhân, có thể chấm dứt thai kỳ khi phát hiện nguyên nhân từ mẹ hay từ phôi thai, sau đó điều trị nguyên nhân triệu chứng để kiểm soát bệnh lý.
- Thiểu ối trong 3 tháng giữa: Xác định nguyên nhân gây ra thiểu ối, đặc biệt bệnh lý dị tật ở hệ tiết niệu kèm các dị tật bẩm sinh khác cần thiết có thể chấm dứt thai kỳ, siêu âm định kỳ 1-2 lần/tuần cho đến lúc sinh. Có thể dùng thuốc trở thành phổi từ tuần 34 trở đi.
- Thiểu ối 3 tháng cuối: Nghỉ ngơi, uống nhiều nước mỗi ngày trung bình 3l nước/ngày, có thể nhập viện truyền dịch. Siêu âm định kỳ 1-2 lần/tuần cho đến lúc sinh.
Có thể tiến hành truyền ối trong trường hợp nước ối quá ít, mẹ bầu cần cân nhắc vì có thể xảy ra tai biến trong quá trình thực hiện thủ thuật.
Phương pháp chấm dứt thai kỳ:
- Khởi phát chuyển dạ để chấm dứt thai kỳ ở thai thiểu ối đã trưởng thành hay đã đủ liều hỗ trợ phổi ở thai non tháng có thể nuôi được.
- Mổ lấy thai ở những thai hết ối (AFI < 2cm) hoặc có những dấu hiệu nghi ngờ thai suy cấp, thiểu ối.
Hỏi – Đáp
1. Em bầu được 37 tuần đi siêu âm bác sĩ nói là canxi hóa bánh rau cấp 3 thì có nguy hiểm không?
Canxi hóa bánh rau không đánh giá về thai chậm phát triển hay không, chỉ đánh giá sự trưởng thành của bánh rau. Khi em bé đủ ngày đủ tháng để ra đời thì bánh rau sẽ trưởng thành. Vì vậy trong trường hợp 37 tuần canxi hóa bánh rau cấp 3 là hoàn toàn bình thường.
2. Đa ối với dư ối có phải là 1 không?
Đa ối và dư ối là khác nhau. Chỉ số ối AFI 12-25 cm là dư ối, AFI > 25 cm là đa ối
3. Em phát hiện đa ối lúc 33 tuần, bác sĩ bảo kiêng như tiểu đường mà mặc dù em ăn kiêng và uống rất ít nước nhưng tại sao em vẫn bị đa ối?
Đa ối là bệnh lý có thể gây ra bởi tiểu đường thai kỳ hay những các bất thường khác như bất thường ở thai, nhiễm sắc thể. Vì vậy, với tình trạng của em cần được tầm soát. Tuy nhiên, trong trường hợp tầm soát mà các chỉ số đều bình thường thì đây có thể là đa ối vô căn. Nhưng bạn cũng cần được kiểm soát để không ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
4. Thai được 6 tuần đi siêu âm, bác sĩ kết luận em bị tụ dịch màng nuôi, màng nuôi mỏng, túi ối không tròn. Tình trạng của em như vậy có nguy hiểm không bác sĩ?
Tình trạng của bạn được coi là dấu hiệu của dọa sảy thai. Trường hợp của bạn cần phải sử dụng đến thuốc nội tiết, giảm co bóp,… để duy trì sự phát triển của thai nhi một cách tốt nhất.
5. Biểu hiện rỉ ối như thế nào vậy bác sĩ, em thấy khó phần biệt với ra dịch âm đạo.
Trong quá trình mang thai, nội tiết của bạn tăng cao nên âm đạo tiết ra dịch nhầy nhiều hơn. Điều này khiến nhiều bạn bị rỉ ối nhưng không phát hiện ra và nghĩ đó là dịch âm đạo.
Tuy nhiên, bạn có thể kiểm tra và phát hiện được bằng quỳ tím (giấy quỳ). Nếu là dịch âm đạo thì quỳ không đổi màu và quỳ sẽ đổ màu khi là rỉ ối.