Hiện nay, tỉ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ đang ngày càng tăng. Khi được chẩn đoán có nguy cơ cao hoặc đã mắc tiểu đường, bà bầu cần có máy đo đường huyết để tự theo dõi tình trạng sức khỏe ở nhà. Tuy nhiên, chỉ thao tác đúng thôi là chưa đủ để cho kết quả chính xác. Vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng Aplicaps tìm hiểu cách đo đường huyết tại nhà cho bà bầu chính xác nhất.
Các bước đo đường huyết tại nhà cho bà bầu
Sau đây là hướng dẫn chi tiết cách đo đường huyết tại nhà cho bà bầu chỉ với 6 bước đơn giản:
- Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc sát trùng tay bằng cồn trước khi thực hiện.
- Bước 2: Lắp kim chích máu vào đầu bút lấy máu, lấy sẵn que thử đặt vào máy đo. Lưu ý không mở hộp đựng que thử quá lâu làm hỏng các que thử chưa sử dụng đến.
- Bước 3: Xoa nhẹ đầu ngón tay, dùng bút lấy máu ấn nhẹ vào mặt bên của đầu ngón tay.
- Bước 4: Đặt nhẹ giọt máu lên que thử, đợi kết quả hiển thị trên máy đo sau vài giây.
- Bước 5: Trong lúc đợi kết quả, cầm máu bằng bông y tế hoặc khăn sạch.
- Bước 6: Tháo kim chích máu, que thử và bỏ vào thùng rác. Lau sạch dụng cụ nếu cần thiết.
Vì sao bà bầu cần đo đường huyết tại nhà?
Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng sản khoa cho cả mẹ và con. Bà bầu dễ mắc tăng huyết áp, sinh non, nhiễm khuẩn niệu, sảy thai hơn trong khi đó thai nhi dễ mắc bệnh lý hô hấp, bệnh lý chuyển hóa, dị tật bẩm sinh thậm chí tử vong sau sinh. [1]
Vì vậy, việc kiểm tra đường huyết định kỳ, đặc biệt với những bà bầu được chẩn đoán hoặc có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ, là vô cùng cần thiết. Việc này giúp những ai có nguy cơ cao có các biện pháp dự phòng tốt hơn đồng thời giúp những ai bị tiểu đường thai kỳ có biện pháp can thiệp kịp thời khi có biến chứng.
Cách đo đường huyết tại nhà cho bà bầu chi tiết nhất
Việc tự đo đường huyết tuy đơn giản, nhanh chóng nhưng nếu làm không đúng cách sẽ dẫn đến sai lệch kết quả rất nhiều. Để đo đường huyết tại nhà chính xác, bà bầu cầm nắm được những nguyên tắc cơ bản sau.
Nên đo đường huyết vào thời điểm nào?
Nồng độ glucose trong máu không giống nhau vào các thời điểm trong ngày nên việc chọn đúng thời điểm đo để đối chiếu thông số chuẩn rất quan trọng. Hiện nay, chỉ số glucose máu bình thường được tính dựa trên 3 mốc: lúc đói, sau ăn 1 giờ và sau ăn 2 giờ. Tương ứng với đó là 3 thời điểm mà bà bầu nên đo đường huyết: trước bữa ăn sáng, sau bữa ăn 1 giờ và sau bữa ăn 2 giờ.
Tuy nhiên bà bầu không bắt buộc phải đo đường huyết đủ cả 3 thời điểm trên. Theo Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ, với trường hợp không có biến chứng cấp chỉ cần đo đường huyết vào lúc đói và sau ăn 2 giờ.
Tần suất đo đường huyết tại nhà cho bà bầu
Trước khi đến giai đoạn chuyển dạ, việc đo đường huyết tại nhà nên được thực hiện với tần suất cố định. Nếu bà bầu chưa sử dụng thuốc điều trị, nên đo cách 3 ngày/lần. Nếu bà bầu đang trong giai đoạn điều trị bằng thuốc, cần kiểm tra đường huyết đều đặn hàng ngày. [2]
Những lưu ý cho bà bầu khi tự đo đường huyết tại nhà
Bà bầu nên lưu ý những điều sau trong quá trình tự đo đường huyết tại nhà:
- Không sử dụng lại que thử hoặc kim chích máu để tránh sai lệch kết quả hay nhiễm trùng.
- Nên đo đường huyết tại thời điểm cố định giữa các lần đo để kết quả chính xác hơn.
- Ghi lại đầy đủ kết quả để tiện theo dõi cũng như hỏi ý kiến bác sĩ khi thấy có điều bất thường.
- Không nên lấy máu ở một ngón tay nhiều lần mà nên luân phiên giữa các ngón tay. Không lấy máu ở ngón tay đang có cảm giác đau.
- Mỗi bộ que thử và máy đo có một mã vạch riêng. Nếu các mã này không khớp nhau, hãy liên hệ với nơi mua.
Cách đọc kết quả đo đường huyết tại nhà cho bà bầu
Bà bầu không bị đái tháo đường thai kỳ có chỉ số glucose máu tại các thời điểm tương ứng như sau:
- Lúc đói: < 5,1 mmol/l.
- Sau ăn 1 giờ: < 10,0 mmol/l.
- Sau ăn 2 giờ: < 8,5 mmol/l.
Với người đã được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ, mức đường huyết mục tiêu trong điều trị là:
- Lúc đói: < 5,3 mmol/l.
- Sau ăn 1 giờ: < 7,8 mmol/l.
- Sau ăn 2 giờ: < 6,7 mmol/l.
Nếu kết quả theo dõi trong 5 ngày không đạt mục tiêu, cần liên hệ với bác sĩ để được thay đổi chế độ điều trị phù hợp hơn.
Cách chăm sóc khi bị tiểu đường thai kỳ
Với các bệnh lý chuyển hóa, chế độ chăm sóc là một trong những yếu tố mang tính quyết định tiến triển bệnh. Sau đây là những thông tin cần thiết dành cho việc chăm sóc người bị tiểu đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?
Các loại thực phẩm mà bà bầu nên ưu tiên lựa chọn để đưa vào bữa ăn hàng ngày bao gồm:
- Gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen, ngô.
- Rau, hoa quả ít đường.
- Thịt cá nạc, đậu phụ.
- Sữa tươi ít/không đường, sữa chua, phomai.
Tiểu đường thai kỳ kiêng ăn gì?
Bên cạnh các thực phẩm cần được ưu tiên, bà bầu cũng nên kiêng những loại thực phẩm sau: [3]
- Bánh kẹo ngọt, hoa quả sấy.
- Đồ ăn chứa nhiều muối.
- Đồ ăn chứa đường trắng.
- Rượu, bia, đồ uống có ga.
Đồ ăn vặt cho bà bầu bị tiểu đường
Để hạn chế lượng đường hấp thu vào cơ thể, bà bầu nên lựa chọn những món ăn vặt thanh đạm mà vẫn bổ sung đủ dưỡng chất cho mẹ và bé như:
- Salad hoa quả.
- Sữa chua hoa quả.
- Sinh tố hoa quả.
- Socola đen.
Câu hỏi thường gặp về tiểu đường thai kỳ
Sau đây là giải đáp cho những thắc mắc của bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ đã được Aplicaps tổng hợp lại.
Tiểu đường thai kỳ khi nào cần tiêm insulin?
Tính đến thời điểm hiện tại, insulin là thuốc duy nhất được đưa vào sử dụng trong điều trị đái tháo đường thai kỳ ở nước ta. Những trường hợp được chỉ định tiêm insulin bao gồm:
- Đường huyết không đạt mục tiêu sau 1 – 2 tuần thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Thai to hơn so với tiêu chuẩn bình thường.
Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?
Nếu thực hiện tốt các hướng dẫn của bác sĩ và duy trì được đường huyết trong ngưỡng cho phép, người mẹ hoàn toàn có thể sinh thường. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn nhất cho cả mẹ và bé, bà bầu nên đi hỏi lại ý kiến bác sĩ khi đến gần ngày sinh.
Trên đây là những thông tin cơ bản và giải đáp thắc mắc xoay quanh chủ đề cách đo đường huyết tại nhà cho bà bầu. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào, vui lòng liên hệ số hotline 1900 636 985 (nhánh số 2) để được tư vấn 24/7 bởi các chuyên gia của Aplicaps.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Gestational diabetes. Truy cập ngày 28/06/2022. https://www.nhs.uk/conditions/gestational-diabetes/ |
---|---|
↑2 | Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ. Truy cập ngày 28/06/2022. https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2018/10/6a81da5f43944ad354051e2c69bb7e71-FINAL-%20HDQG%20Dai%20thao%20duong%20thai%20ky%2020.10.2018.pdf |
↑3 | Gestational Diabetes. Truy cập ngày 28/06/2022.https://www.webmd.com/diabetes/gestational-diabetes |