chi-so-dai-thao-duong-thai-ky

[Cảnh báo] chỉ số đái tháo đường thai kỳ tăng cao gây nguy hiểm đến thai nhi

Chỉ số đái tháo đường thai kỳ là chỉ số đo lường và phản ánh nồng độ glucose (đường) có trong máu của phụ nữ mang thai. Tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu nồng độ glucose trong máu tăng cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của thai nhi? Hay cùng theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn mẹ nhé.

Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng như thế nào tới mẹ và bé

Đái tháo đường thai kỳ (tiểu đường thai kỳ) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose, được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Bệnh ảnh hưởng đến khả năng sử dụng glucose của các tế bào trong cơ thể. Đây chính là nguyên nhân khiến lượng đường cao trong máu có thể gây những biến chứng cho cả mẹ, thai, trẻ sơ sinh và cả khi trẻ lớn lên. 

Ảnh hưởng đến mẹ 

Khi mẹ bầu bị tiểu đường có thể gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như:

  •  Có thể gây ra tiền sản giật – sản giật.
  • Thai nhi phát triển quá lớn dẫn đến khó sinh, gây sang chấn đường sinh dục khi sinh.
  • Khả năng sinh mổ cao.
  • Khả năng băng huyết sau sinh.
  • Thuyên tắc ối.
  • Mẹ có nguy cơ bị đái tháo đường típ 2 sau sinh.
tieu-duong-anh-huong-gi-den-ba-bau
Tiểu đường ảnh hưởng gì đến bà bầu?

Ảnh hưởng đến bé

Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ khiến đường huyết tăng cao gây ảnh ảnh hưởng lớn đến thai nhi, bởi bé nhận dinh dưỡng hoàn toàn từ máu mẹ. Điều này có thể khiến cơ thể thai nhi dự trữ lượng đường dư thừa dưới dạng mỡ khiến thai to hơn bình thường. Do đó, thai nhi của những mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ có thể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe sau:

Thai tăng trưởng quá mức

Việc tăng vận chuyển glucose từ mẹ vào thai kích thích tụy của thai nhi bài tiết insulin, làm tăng nhu cầu năng lượng của thai nhi, kích thích thai phát triển quá mức. Điều này khiến việc sinh nở có thể gặp các khó khăn như phải sinh mổ, sinh khó do kẹt vai, bé bị chấn thương khi sinh…

Hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị hạ đường huyết. Nguyên nhân thường do gan thai nhi đáp ứng kém với glucagon, dẫn đến tình trạng giảm tân tạo glucose từ gan.

ha-duong-huyet-o-tre-so-sinh
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ các bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ bị hạ đường huyết.

Suy hô hấp

Trước đây, hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ được sinh ra từ các mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ. Hiện nay, nhờ có các thiết bị đánh giá độ trưởng thành phổi của thai nhi mà các bác sĩ có thể can thiệp thành công.

Tăng hồng cầu

Đây là một tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh được sinh ra từ các mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ.

Vàng da sơ sinh

Tình trạng tăng hủy hemoglobin dẫn đến tăng bilirubin huyết tương gây vàng da sơ sinh, thường xảy ra ở những trẻ được sinh ra từ mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ.

Chỉ số đái tháo đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm?

Trong lần khám thai đầu tiên

Các thai phụ có nhiều yếu tố nguy cơ sẽ được chỉ định thử đường huyết đói, HbA1C hoặc đường huyết bất kỳ.

  • Nếu một trong các giá trị đường huyết lúc đói > 7,0mmol/L, HbA1c > 6,5%, đường huyết ngẫu nhiên > 11,1 mmol/L thì thai phụ được chẩn đoán là đái tháo đường lâm sàng.
  • Nếu đường huyết lúc đói từ 5,1 đến 7,0mmol/L thì thai phụ được chẩn đoán bị đái tháo đường thai kỳ.
  • Nếu đường huyết lúc đói < 5,1mmol/L, đợi đến tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ, cho thai phụ làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.
kham-thai-lan-dau-tieu
Trong lần khám thai đầu tiên các thai phụ có yếu tố nguy cơ bị sẽ xét nghiệm đường huyết lúc đói.

Xem thêm bài viết: Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối – Phải làm gì khi chưa đến lần khám thai đầu tiên

Thai kỳ khi đến tuần 24-28 

Nếu mẹ bầu có đường huyết lúc đói < 5,1mmol/L sẽ phải thực hiện tiếp nghiệm pháp dung nạp glucose.

Cách thực hiện: Đầu tiên, các mẹ bầu được đo nồng độ glucose máu khi đói. Tiếp theo, sẽ sử dụng một lượng glucose khoảng 75 g trong vòng 5 phút. Bác sĩ lấy mẫu máu để đo nồng độ glucose huyết sau 1 và 2 tiếng kể từ khi uống glucose.

Thai phụ bị đái tháo đường lâm sàng nếu glucose trong máu lúc đói > 7,0mmol/L.

Thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ nếu đáp ứng một hoặc nhiều hơn 3 chỉ số dưới đây:

  • Lúc đói ≥ 5,1 mmol/L
  • Ở thời điểm 1 giờ ≥ 10,0 mmol/L
  • Ở thời điểm 2 giờ ≥ 8,5 mmol/L

Cách phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ

Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai

Khi quyết định có em bé, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng. Thừa cân không phải là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ, nhưng đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu của căn bệnh này. Cụ thể, người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) lớn hơn 30 thì có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với người có BMI nhỏ hơn 25.

Ngoài ra, việc giảm cân nên được thực hiện trước khi quyết định mang thai, đặc biệt là khi bạn bị thừa cân, béo phì. Giảm cân trong khi đang có thai là không được khuyến khích, bởi vì điều này không an toàn cho sức khỏe của mẹ và quá trình mang thai.

duy-tri-can-nang-ly-tuong-khi-mang-thai
Duy trì cân nặng lý tưởng khi mang thai.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ mà còn cải thiện sức khỏe của thai phụ trong những ngày bầu bí mệt mỏi. Hãy cố gắng cân bằng lượng đường bột và các nhóm chất còn lại để chỉ số đường huyết không tăng quá cao sau khi ăn.

Không có thực đơn chung cho tất cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung mà bạn có thể thực hiện, chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, sử dụng chất béo tốt cho sức khỏe, đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Cách đơn giản nhất để có thể kiểm soát lượng thức ăn mỗi ngày, đó là nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng. Từ đó, bạn lập ra kế hoạch ăn uống cho bản thân và tuân thủ nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Như vậy, bạn sẽ không phải lo chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng quá cao và hạn chế nguy cơ xảy ra đái tháo đường khi mang thai. Nếu cả 3 thông số đều nhỏ hơn các giá trị nêu trên, thai phụ hoàn toàn bình thường.

Trên đây là những thông tin về chỉ số đái tháo đường thai kỳ bao nhiêu là nguy hiểm? Hy vọng rằng, qua bài viết này các mẹ sẽ có thêm những thông tin hữu ích khi mang thai.

Kiểm soát đường huyết tại nhà mỗi ngày

Việc kiểm soát lượng đường trong máu bà bầu mỗi ngày là vô cùng cần thiết ở bà bầu đang mắc tiểu đường thai kỳ hoặc đã mắc tiểu đường trước khi mang thai. Vậy cách đo tiểu đường thai kỳ như thế nào? Xem thêm tại đây.

Chúc mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh.

__Vũ Thoa__

Nguồn tham khảo

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1279988/

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33157117/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20355345

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ