Hiện nay, tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng nhanh chóng. Vì thế, rất nhiều người đã chủ động thực hiện xét nghiệm đo nồng độ glucose trong máu, ngay cả khi chưa có triệu chứng gì, để tầm soát bệnh đại trà. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đọc kết quả sao cho đúng. Vậy chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao? Hãy cùng Aplicaps tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết này.
Chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao?
Chỉ số đường huyết phụ thuộc vào thời điểm lấy máu để thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Mỗi thời điểm khác nhau sẽ có mức chỉ số chuẩn khác nhau để so sánh. Cụ thể như sau:
Chỉ số đường huyết bình thường ở bà bầu
Đối với bà bầu không mắc đái tháo đường thai kỳ, cần đảm bảo được các chỉ số đái tháo đường sau:
- Nồng độ HbA1c < 6.5%: Đây là chỉ số thể hiện tình trạng đường huyết trong vòng 3 tháng có được kiểm soát tốt hay không. Với những bà bầu không có nguy cơ cao hoặc không có triệu chứng lâm sàng, có thể thực hiện xét nghiệm này 3 tháng/lần để tầm soát.
- Nồng độ glucose trong huyết tương lúc đói < 5.1 mmol/l (đối với máu tĩnh mạch) hoặc < 5.3 mmol/l (đối với máu mao mạch).
- Nồng độ glucose trong huyết tương sau ăn 1h < 10 mmol/l (đối với máu tĩnh mạch) hoặc < 7.8 mmol/l (đối với máu mao mạch).
- Nồng độ glucose trong huyết tương sau ăn 2h < 8.5 mmol/l (đối với máu tĩnh mạch) hoặc < 6.7 mmol/l (đối với máu mao mạch).
Chỉ số đường huyết ở bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ
Dựa vào các chỉ số ở trên, ta có tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ khi có ít nhất một trong các chỉ số dưới đây vượt ngưỡng cho phép (đối với lấy máu tĩnh mạch): [1]
- Nồng độ glucose trong huyết tương lúc đói ≥ 5.1 mmol/l.
- Nồng độ glucose trong huyết tương sau ăn 1h ≥ 10 mmol/l.
- Nồng độ glucose trong huyết tương sau ăn 2h ≥ 8.5 mmol/l.
Đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
Với những đối tượng dễ mắc tiểu đường thai kỳ, việc theo dõi kết quả nồng độ đường huyết lại càng quan trọng hơn so với những bà bầu khỏe mạnh. Vậy những ai là người có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ?
Bà bầu có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ
Đây là một dấu hiệu thuộc về tiền sử sản khoa. Nếu ở lần mang thai trước, bà bầu từng được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì nguy cơ mắc bệnh ở những lần mang thai sau là khá cao.
Bà bầu có chỉ số BMI trên 25
Chỉ số BMI > 25 cho thấy bà bầu đang bị thừa cân. Ở mức này, Viện Y học khuyến nghị bà bầu nên kiểm soát mức tăng cân trong khoảng 7 – 11,5 kg. Chỉ số BMI > 30 cho thấy bà bầu đang bị béo phì. Với tình trạng này, để đảm bảo sức khỏe, mẹ bầu nên kiểm soát mức tăng cân trong khoảng 5 – 9 kg.
Thai nhi lớn
Thai nhi được coi là lớn khi có cân nặng trên 4 kg. Dù bà bầu có thai to trong các lần mang thai trước hay trong lần mang thai này, đó đều là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cho họ.
Biến chứng khi đường huyết tăng mất kiểm soát
Khi nồng độ đường huyết tăng nhanh mất kiểm soát, cả thai phụ lẫn thai nhi đều phải đối mặt với nguy cơ gặp phải những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Các biến chứng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.
Biến chứng trên bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ
Sau đây là những biến chứng hay gặp nhất với người bị đái tháo đường thai kỳ. Tỉ lệ gặp các biến chứng này cao hơn ở những bà bầu bị tiểu đường và không kiểm soát được nồng độ đường huyết.
- Sảy thai: Nguy cơ sảy thai ở bà bầu bị tiểu đường sẽ cao nhất trong 3 tháng đầu nên bà bầu cần chú ý nếu được chẩn đoán bệnh trong giai đoạn này.
- Sinh non: Tỷ lệ sinh non ở phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ cao gấp gần 3 lần so với phụ nữ không có đái tháo đường thai kỳ.
- Tăng huyết áp: Biến chứng này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác như sinh non, tiền sản giật, sản giật, tai biến não… Vì thế, dù bị tiểu đường hay không thì bà bầu cũng nên chú ý ổn định huyết áp của mình trong suốt thai kỳ.
- Nhiễm khuẩn niệu: Tỷ lệ gặp biến chứng này cao hơn ở những mẹ bầu phát hiện bệnh muộn hoặc không kiểm soát tốt nồng độ đường huyết khi đã mắc bệnh.
- Các biến chứng lâu dài: Sau một khoảng thời gian dài sau sinh nở, người mẹ dễ bị đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy giảm thị giác, suy chức năng thận…
Biến chứng trên thai nhi có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ
Những biến chứng thường xuất hiện trên thai nhi có mẹ mắc tiểu đường thai kỳ là:
- Dị tật bẩm sinh: Tỷ lệ này cao hơn ở những trẻ có mẹ không kiểm soát được nồng độ đường huyết.
- Tử vong ngay sau khi sinh: Trường hợp xấu nhất là em bé tử vong ngay khi vừa chào đời do thiếu oxy và nhiễm toan máu.
- Các biến chứng lâu dài: Sau một vài năm đầu đời, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị béo phì, đái tháo đường type 2…
Biện pháp chăm sóc bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ
Để kiểm soát tốt lượng đường có trong máu, hạn chế các biến chứng xảy ra, bà bầu cần có các biện pháp chăm sóc phù hợp dựa trên khoa học. Cụ thể như sau:
Biện pháp không dùng thuốc
- Chế độ ăn uống: Mẹ bầu nên kiêng các món ăn quá mặn hay quá ngọt. Nên bổ sung nhiều rau quả, thịt cá nạc… vào chế độ ăn và chia nhỏ cho các bữa ăn sao cho đảm bảo đủ 15 – 20 loại thực phẩm hàng ngày. [2]
- Chế độ sinh hoạt: Dễ thực hiện nhất là vận động nhẹ nhàng ít nhất 30 phút/ngày. Ngoài ra, mẹ bầu có thể tham khảo các bài tập yoga, máy đạp xe tại chỗ… [3]
- Kiểm soát đường huyết tại nhà: Bà bầu có thể theo dõi đường huyết thai kỳ tại nhà bằng các loại máy đo đường huyết cầm tay. Tuy nhiên cần phải nắm rõ cách đo đường huyết tại nhà để co kết quả chính xác nhất.
Sử dụng thuốc cho bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ
Với người bị tiểu đường thai kỳ, lượng glucose huyết tương mao mạch cần được duy trì ở mức sau:
- Trước ăn: ≤ 5,3 mmol/l.
- Sau ăn 1 giờ: ≤ 7,8 mmol/l.
- Sau ăn 2 giờ: ≤ 6,7 mmol/l.
Nếu bà bầu có tiểu đường thai kỳ không đạt glucose huyết tương mục tiêu sau khi thực hiện các biện pháp trên, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ dùng insulin. Liều lượng insulin được hiệu chỉnh trên từng bà bầu cụ thể. Vì vậy, chỉ được dùng insulin theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trên đây là những thông tin căn bản cho câu hỏi chỉ số tiểu đường thai kỳ bao nhiêu là cao. Nếu có thắc mắc, vui lòng gọi tới số hotline 1900 636 985 (nhánh số 2) để được các chuyên gia sản khoa hàng đầu của Aplicaps tư vấn 24/7.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Bộ Y tế – Hướng dẫn Quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ 2018. Truy cập ngày 17/08/2022. https://mch.moh.gov.vn/Upload/Documents/2018/10/6a81da5f43944ad354051e2c69bb7e71-FINAL-%20HDQG%20Dai%20thao%20duong%20thai%20ky%2020.10.2018.pdf |
---|---|
↑2 | Gestational diabetes diet. Truy cập ngày 17/08/2022. https://medlineplus.gov/ency/article/007430.htm |
↑3 | Exercising with Gestational Diabetes. Truy cập ngày 02/08/2022. https://www.diabetes.co.uk/gestational-diabetes/exercising-with-gestational-diabetes.html |