Để tìm hiểu về những vị trí bánh nhau đặc biệt mẹ bầu cần lưu ý, đầu tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bánh nhau là gì? Cấu tạo của bánh nhau như thế nào?
Bánh nhau là gì?
Bánh nhau là bộ phận hình thành từ bên trong tử cung khi mang thai để cung cấp cho thai nhi oxy và chất dinh dưỡng. Nhau thai có thể tự gắn vào bất kỳ vị trí nào ở tử cung:
- Phía sau lòng tử cung (nhau bám mặt sau tử cung)
- Phía trước lòng tử cung (nhau bám mặt trước tử cung)
- Về phía bên lòng tử cung (nhau bám mặt bên tử cung)
- Nhau bám thấp
- Nhau bám đáy
Mỗi vị trí bánh nhau bám đều có thể phát triển bình thường nhưng không phải vị trí nào cũng có thể đem lại hiệu quả về nuôi dưỡng, an toàn cho thai nhi và thuận lợi cho thai nhi trong quá trình đi ra khỏi bụng mẹ.
Cấu tạo của bánh nhau
Bánh rau thai hình tròn, đường kính khoảng 15 cm, nặng 1/6 trọng lượng thai nhi (khoảng 400-500 gram), dày 2,5-3 cm, mỏng hơn ở ngoại vi. Mỗi bánh rau gồm 15-20 múi, giữa các múi rau là các rãnh nhỏ. Bánh rau thường bám vào đáy tử cung. Bánh rau hình thành do sự phát triển của màng rụng nền và màng đáy.
- Màng rụng ở vùng bánh rau có 3 lớp: lớp đáy, lớp xốp, lớp đặc.
- Lớp xốp: đây là đường bong sau khi sinh của rau.
- Trong lớp đặc có sản bào và hồ huyết.
Đại đa phần màng này rụng sau sinh và có chảy máu kèm theo.
Chức năng của bánh nhau thai
Bánh nhau thai đảm nhận nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, vận chuyển dưỡng chất từ mẹ qua thai và các chất thải từ thai về mẹ. Nhau thai có khả năng khiến cho chất dinh dưỡng đến với thai nhi nhanh và hiệu quả hơn. Nuôi dưỡng em bé phát triển hoàn thiện đến khi kết thúc thai kỳ. Ngoài ra, bánh nhau còn bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ bị tác động của nhiều yếu tố từ trong cơ thể mẹ và từ ngoài môi trường vào.
Nhau thai đảm bảo cho thai nhi sống và phát triển. Trao đổi O2 và CO2 giữa máu mẹ và máu con. Nhau thai có tác dụng như lá phổi của con người, truyền oxy cho thai nhi. Cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi
Bảo vệ. Một số kháng nguyên kháng thể trong cơ thể của mẹ có thể đi qua rau thai. Nhờ đó thai có khả năng miễn dịch thụ động, nhưng cũng có khi nguy hiểm cho thai nhi nếu có sự bất đồng nhóm máu Rh hoặc nhóm máu ABO.
Giữ vai trò nội tiết. Trong giai đoạn đầu thai kỳ, thai nhi không thể tự sản sinh nội tiết nên cần dựa vào nội tiết, hoàng thể, buồng trứng của người mẹ để phát triển. Từ tuần thứ 12 trở đi, bánh nhau sẽ đảm nhận vai trò như hoàng thể.
Những vị trí bánh nhau đặc biệt
Có 2 vị trí bánh nhau đặc biệt mà bạn cần quan tâm. Đó là:
Bánh nhau thai bám thấp
Vị trí: Bánh thai nằm phía dưới tử cung.
Nguyên nhân: Do người mẹ có tử cung dị dạng hoặc đã từng nạo hút thai.
Nguy cơ:
- Vị trí bánh nhau thấp cản trở đường đi của thai khi mẹ chuyển dạ.
- Khiến thai phụ mất máu, thậm chí có thể gây tử vong.
- Tăng nguy cơ sảy thai hay sinh non.
- Những trường này cần được mổ đẻ hoặc nhập viện sớm để được theo dõi.
Nhau thai tiền đạo
Vị trí: Bánh nhau tiền đạo có vị trí nằm ngay cổ tử cung, chắn trước lối ra của thai nhi. Tỷ lệ mắc nhau tiền đạo chiếm khoảng 3,5-4,6/1000 ca sinh sống.
Nguyên nhân: Hiện y học vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân mắc nhau tiền đạo. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng này như người có có tiền sử bị nhau tiền đạo; tử cung có sẹo mổ, đặc biệt là các ca mổ lấy thai; người có đa thai, đa sản; người từng nạo hút thai; thai phụ hút thuốc lá…
Nguy cơ:
- Gây chảy máu trong ở ba tháng cuối thai kỳ, khi chuyển dạ và sau sinh.
- Gây nên tình trạng đẻ khó, khả năng điều chỉnh ngôi thai không tốt, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
- Gây xuất huyết âm đạo, choáng mất máu, rối loạn đông máu ở người mẹ.
- Có thể bị suy thai do thiếu máu, sinh non.
- Tỷ lệ tử vong của con trong nhau tiền đạo tương đối cao, lên tới 30 – 40%.
Biểu hiện nhau thai tiền đạo
Xuất huyết âm đạo bất thường (máu có màu đỏ tươi, đôi khi có lẫn máu cục) nhưng không gây đau đớn cho nửa sau của thai kỳ. Xuất huyết có thể từ nhẹ đến nặng, ít hoặc nhiều. Xuất huyết có thể tự hết mà không cần điều trị nhưng có thể tái phát nhiều lần.
Nếu mẹ xuất huyết âm đạo trong ba tháng đầu hoặc giữa thai kỳ thì cần đến gặp ngay bác sĩ để kiểm tra. Trường hợp chảy máu nặng có thể cần phải cấp cứu.
Nhau bám mặt trước
Nhau bám mặt trước là tình trạng nhau thai bám ở vị trí trước của thành tử cung. Điều này khiến:
- Gây khó khăn trong việc cảm nhận những cử động của thai nhi.
- Khó nghe được nhịp tim.
- Cản trở những thủ thuật y khoa.
Siêu âm bánh nhau
Siêu âm là cách để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé cũng như vị trí bánh nhau. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, thai phụ cần phải tuân thủ tuyệt đối hưỡng dẫn của bác sĩ để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. 3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:
- Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
- Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
- Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
Hỏi – Đáp
1. Em 2 ngày nữa con được 15 tuần. Vị trí nhau bám mặt trước, bác sĩ cho em hỏi bao nhiêu tuần em cảm nhận được con đạp vậy?
Bạn mang thai được 15 tuần mà vị trí nhau bám mặt trước là không sao, bạn vẫn theo dõi bình thường. 15 tuần là khá sớm để nói về bánh nhau.
2. Em bị U nang buồng trứng (nang thực thể) 5cm, bác sĩ chỉ định uống thuốc cho nhỏ rồi mổ bóc tách sau. Chưa kịp làm gì thì bất ngờ có em bé. Em thấy bảo u nang to có thể đè vào em bé khiến em bé bị sảy hoặc sinh non. Giờ em mới được 7 tuần mà bụng đã cảm giác bị trướng, nặng, đau hông và bụng lâm râm thường xuyên. Em lo lắng quá, không biết có nên giữ bé không?
Các cảm giác bị trứng, nặng, đau hông, bụng lâm râm gặp ở hầu hết mẹ bầu trong đầu thai kỳ. Điều này xảy ra là do sự thay đổi nội tiết và tử cung của cơ thể. Vì vậy, thai 7 tuần sẽ không ảnh hưởng bởi u nang buồng trứng nên bạn cần tiếp tục theo dõi bình thường nhé.
3. Bác sĩ cho em hỏi là rau bám mặt trước và mặt sau khác gì nhau. Bé đầu nhà em rau bám mặt sau giờ sang bé thứ 2 thì mặt trước. Không biết có ảnh hưởng gì không vì em không thấy bác sĩ khám nói gì cả?
Thực tế là rau bám mặt trước và mặt sau không khác gì nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp rau bám mặt trước, mẹ sẽ cảm nhận các cử động của thai nhi kém hơn so với rau bám mặt sau.
4. Tuần thứ 18, rau bám mép thì có nguy cơ trở thành rau tiền đạo không bác sĩ?
Trường hợp này vẫn cần theo dõi thêm, bởi lúc này tử cung vẫn tiếp tục phát triển to ra và bánh rau có thể vẫn tiếp tục thay đổi đến tuần 28.