Trong quá trình mang thai, nếu mẹ bầu hiểu rõ về những thay đổi của thai nhi và bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ giúp mẹ luôn khỏe mạnh và bé phát triển toàn diện hơn. Mời bạn tham khảo bài bài viết dưới đây để tìm hiểu những thông tin chi tiết về các giai đoạn mang thai nhé!
Các giai đoạn mang thai? Lưu ý chung cho từng giai đoạn
Quá trình phát triển của thai nhi tương đối phức tạp được chia thành 3 giai đoạn chính: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Ở mỗi giai đoạn, thai nhi lại có những thay đổi khác nhau.
3 tháng đầu
Ba tháng đầu hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ nhất kéo dài từ lúc thụ thai đến tuần thứ 12. Đầu tiên, trứng được thụ tinh sẽ biến chuyển từ một nhóm tế bào thành bào thai, bắt đầu phát triển và có những đặc điểm riêng của con người. Các cơ quan như ổng thần kinh (sau này trở thành não và tủy sống), đầu, mắt, miệng và các chi dần hình thành.[1]
3 tháng giữa
Ba tháng giữa hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ hai kéo dài từ tuần thứ 13 đến tuần thứ 27. Trong thời điểm này, các cơ quan của em bé đang dần hoàn thiện. Bé cũng bắt đầu di chuyển, phản ứng với những kích thích bên ngoài như âm thanh, ánh sáng và hình thành chu kỳ thức ngủ.
Tình trạng ốm nghén ở hầu hết mẹ bầu trong tam cá nguyệt thứ hai đều biến mất. Những cảm giác khó chịu khi mang thai cũng đã dần giảm bớt. Bụng sẽ to nhanh hơn kèm theo sự xuất hiện các vết rạn ở vùng da bụng, đùi hoặc mông. Mẹ bầu bắt đầu cảm nhận được sự chuyển động của thai nhi một cách rõ ràng. Các phương pháp chẩn đoán như siêu âm có thể phát hiện được giới tính của em bé trong khoảng tuần thai thứ 20.
3 tháng cuối
Ba tháng cuối hay còn gọi là tam cá nguyệt thứ ba kéo dài từ tuần thứ 28 đến khi sinh. Trong thời gian này, thai nhi phát triển và tăng cân nhanh chóng khiến mẹ bầu gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Những chuyển động của em bé trở nên rõ ràng hơn.
Lúc này, những cơn gò Braxton Hicks xuất hiện thường xuyên và tăng dần cường độ, đặc biệt xảy ra nhiều vào buổi tối hoặc sau khi hoạt động thể chất. Mẹ bầu thường bị đau lưng, hụt hơi, ợ nóng, đi tiểu nhiều lần, có thể mắc bệnh trĩ, giãn tĩnh mạch ở chân.
Những lưu ý cho từng giai đoạn
3 tháng đầu
Đây là thời kỳ xuất hiện những triệu chứng tương đối khó chịu ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của mẹ bầu như: ốm nghén, mệt mỏi, thèm ăn hoặc không muốn ăn, đi tiểu nhiều hơn, ngực mềm, sưng tấy. Lúc này, mẹ cần quan tâm hơn đến chế độ ăn uống, bổ sung đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh, đặc biệt:
- Acid folic: Acid folic là hoạt chất quan trọng trong 3 tháng đầu thai kỳ để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
- Sắt: Mẹ bầu cần bổ sung hàm lượng sắt gấp đôi bình thường (khoảng 30 – 60 mg sắt mỗi ngày) để tạo ra nhiều tế bào hồng cầu cung cấp đủ oxi cho em bé.
- Canxi: Canxi là hoạt chất thiết yếu để thai nhi phát triển xương và răng chắc khỏe, cũng như hoàn thiện chức năng cơ và thần kinh. Bổ sung đủ 1300 mg canxi mỗi ngày trong giai đoạn này cũng là cách hạn chế nguy cơ loãng xương ở người mẹ sau sinh.
- Acid béo thiết yếu (DHA và EHA): Mẹ cung cấp đủ DHA và EPA để thai nhi phát triển não bộ, hệ thần kinh và võng mạc toàn diện hơn. Ngoài ra, DHA và EPA còn hỗ trợ duy trì sản xuất hormone như prostaglandin trong cơ thể mẹ bầu, ngăn ngừa rối loạn tâm trạng và hạn chế nguy cơ sinh non.
- Choline: Cung cấp đủ choline là cách cải thiện khả năng nhận thức của em bé ngay từ khi còn trong bụng mẹ.
- Vitamin B6: Vitamin B6 thường được dùng trong những tháng đầu thai kỳ để hạn chế các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn và nôn, giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn. Ngoài ra, vitamin B6 cũng hỗ trợ sự phát triển não bộ, hệ thần kinh và quá trình trao đổi chất của bé.
XEM THÊM: Điểm danh 7 tác dụng của acid folic đối với bà bầu
3 tháng giữa
Trong giai đoạn này, một chế độ ăn giàu dưỡng chất, đặc biệt là đủ sắt, canxi và DHA vẫn là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ bầu và thai nhi. Trong đó, hàm lượng canxi cần nhiều hơn trước, khoảng 1200 mg mỗi ngày để đảm bảo xương và răng của bé phát triển toàn diện.
Ngoài ra, từ tam cá nguyệt thứ hai, mẹ bầu cần nạp nhiều năng lượng hơn để phát triển mô mới cho bản thân và thai nhi. Nhu cầu calo của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng, độ tuổi và mức độ hoạt động thể chất.
3 tháng cuối
Trong giai đoạn này, các chất dinh dưỡng cần bổ sung gần tương tự với tam cá nguyệt thứ hai, nhưng với hàm lượng cao hơn. Bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia để biết được nhu cầu dinh dưỡng phù hợp với bản thân.
Thai nhi tháng thứ nhất (tuần 1 – 4)
Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, phôi thai dần hình thành. Khuôn mặt, đôi mắt của bé phát triển và tim bắt đầu đập. Đến cuối tháng thứ nhất, phôi thai sẽ nhỏ hơn hạt gạo một chút, khoảng 2 mm.[2]
Trong giai đoạn này, mẹ bầu hầu như không cảm nhận được bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ thể. Cách đơn giản nhất để phát hiện có mang thai hay không là dùng que thử thai. Đây cũng là thời điểm mẹ bầu cần bổ sung đủ axit folic để thai nhi phát triển khỏe mạnh, hạn chế tối đa nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh như: dị tật ống thần kinh, sứt môi, hở hàm ếch…
Thai nhi tháng thứ 2 (tuần 5 – 8)
Thai nhi tháng thứ 2 có những thay đổi như sau:
- Khuôn mặt của bé tiếp tục phát triển.
- Ống thần kinh (não, tủy sống, các mô khác của hệ thần kinh trung ương) và đường tiêu hóa bắt đầu hình thành.
- Sụn trong phôi dần được thay thế bằng xương.
- Phôi thai có những cử động đầu tiên nhưng mẹ bầu vẫn chưa cảm nhận được.
- Sau khoảng 6 tuần, nhịp tim có thể được phát hiện bằng phương pháp siêu âm.
- Đến cuối tháng thứ hai, kích thước của bào thai nằm trong khoảng 1.3 – 2.6 cm.
Trong thời kỳ này, mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, nôn, khó chịu khi ngửi thấy mùi đồ ăn. Hormone trong cơ thể người mẹ thay đổi khiến tâm trạng đi xuống và ham muốn tình dục suy giảm. Lúc này, mẹ cần thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống, đảm bảo bổ sung đủ các chất, đặc biệt là sắt và axit folic để mẹ và bé luôn khỏe mạnh.
Thai nhi tháng thứ 3 (tuần 9 – 12)
Thai nhi tháng thứ 3 phát triển bình thường với những thay đổi như sau:
- Bàn tay, bàn chân, ngón tay và ngón chân của thai nhi đã phát triển ổn định.
- Móng tay, móng chân, tai và răng bắt đầu hình thành.
- Hệ tuần hoàn và hệ tiết niệu đi vào hoạt động.
- Gan sản xuất mật.
- Vào cuối tháng thứ 3, kích thước trung bình của thai nhi nằm trong khoảng 6.4 – 7.6 cm.
Các triệu chứng ốm nghén như buồn nôn, nôn, tâm trạng buồn bã và chán ăn của mẹ bầu có thể vẫn còn nhưng thường thuyên giảm dần ở cuối tháng thứ 3. Trong giai đoạn này, mẹ vẫn cần duy trì chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, không thể thiếu sắt, axit folic, canxi và DHA.
Thai nhi tháng thứ 4 (tuần thứ 13 – 16)
Tháng thứ 4 là một trong những dấu mốc quan trọng trong các giai đoạn mang thai với những đặc điểm như sau:
- Tóc, lông mi, móng tay của bé đã phát triển gần như toàn diện.
- Hệ thần kinh và hệ sinh dục cũng dần hình thành.
- Bác sĩ có thể phát hiện giới tính của bé thông qua phương pháp siêu âm.
- Đến cuối tháng 4, kích thước thai nhi khoảng 12.7 cm, nặng khoảng 113.4 gram.
Trong giai đoạn này, nội tiết tố của mẹ bầu đã ổn định, cơn buồn nôn giảm bớt và thèm ăn hơn. Bụng cũng phát triển to hơn kèm theo vết rạn. Các hoạt chất không thể thiếu trong chế độ ăn mỗi ngày bao gồm: sắt, canxi và DHA.
Thai nhi tháng thứ 5 (tuần 17 – 20)
Thai nhi tháng thứ 5 có những thay đổi đặc trưng như sau:
- Tóc của thai nhi tiếp tục phát triển.
- Vai và lưng được bao phủ bởi một lớp lông mỏng gọi là lông tơ.
- Da của thai nhi được phủ bởi một lớp sáp vernix caseosa để bảo vệ da khỏi tiếp xúc với nước ối. Lớp sáp này sẽ bong ra trước khi em bé chào đời.
- Vào cuối tháng thứ 5, kích thước thai nhi khoảng 22.9 – 25.4 cm, nặng khoảng 226.8 – 453.6 gram.
Lúc này, mẹ bầu thường cảm thấy thèm ăn hơn. Cân nặng có thể tăng nhanh lên khoảng 2 – 6 kg. Nhiều người có thể bị đầy hơi, táo bón hoặc một số triệu chứng khó chịu khác. Mẹ bầu tiếp tục bổ sung các chất cần thiết, đặc biệt là canxi, sắt và DHA.[3]
Thai nhi tháng thứ 6 (tuần 21 – 24)
Khi bước sang tháng thứ 6, thai nhi có những thay đổi như sau:
- Làn da vẫn trong mờ những hơi đỏ và nhăn nheo.
- Dấu tay và dấu chân đã dần phát triển.
- Bé cũng có thể mở mắt.
- Đây là thời điểm bé bắt đầu phản ứng với các kích thích bên ngoài, đặc biệt là âm thanh bằng cách tăng nhịp tim hoặc chuyển động.
- Vào cuối tháng thứ 6, kích thước thai nhi khoảng 30.5 cm, nặng khoảng 1 kg.
Lúc này, tử cung phát triển, da bụng căng ra khiến mẹ bầu cảm thấy ngứa và khó chịu. Các triệu chứng như: chảy máu chân răng, ợ nóng, táo bón, chuột rút ở chân xuất hiện nhiều hơn. Cân nặng tăng nhanh, có thể khoảng 0.5 kg mỗi tuần khiến mẹ bầu có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ và giãn tĩnh mạch ở bất kỳ mô mềm nào, đặc biệt là chân. Chế độ ăn uống của mẹ tương tự như những tháng trước đó.
Thai nhi tháng thứ 7 (tuần 25 – 28)
Thai nhi tháng thứ 7 có những thay đổi như sau:
- Các cơ quan, đặc biệt là thính giác tiếp tục phát triển và hoàn thiện hơn.
- Thai nhi thường xuyên phản ứng với âm thanh, ánh sáng và thay đổi tư thế nhiều hơn.
- Lượng nước ối bắt đầu giảm.
- Vào cuối tháng thứ 7, kích thước thai nhi khoảng 35 – 38 cm, nặng khoảng 1 – 1.4 kg.
Mẹ bầu có thể thấy các khớp trở nên lỏng lẻo hơn do mềm đi khi chuẩn bị sinh nở. Đây cũng là thời điểm cơn gò Braxton Hicks xuất hiện. Mẹ đừng quên bổ sung chất dinh dưỡng cần thiết tương tự như những tháng trước đó.
Thai nhi tháng thứ 8 (tuần 29 – 32)
Thai nhi đã có thể nhìn thấy và bắt đầu đạp. Hầu hết các cơ quan và hệ thống nội tạng đã phát triển đầy đủ, nhưng phổi vẫn cần thời gian để hoàn thiện. Thai nhi tháng thứ 8 có kích thước khoảng 43 – 46 cm, nặng khoảng 2.3 kg.
Thai nhi phát triển lớn hơn và ảnh hưởng đến xương sườn cũng như các cơ quan xung quanh khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu. Da tiếp tục căng và các vết rạn hiện rõ. Ngoài ra, những cơn gò Braxton Hicks xuất hiện đều đặn ảnh hưởng đến tâm lý của mẹ. Các hoạt chất cần bổ sung tương tự như những tháng trước đó.
Thai nhi tháng thứ 9 (tuần 33 – 41)
Phổi của thai nhi đã hoàn thiện để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Thai nhi phản xạ phối hợp hơn, phản ứng nhanh với âm thanh, có thể chớp mắt và quay đầu. Trong thời gian này, bé ít chuyển động hơn và sẽ di chuyển vào tư thế chuẩn bị sinh, lý tưởng nhất là tư thế ngôi đầu trước – đầu của bé hướng xuống dưới, mặt úp vào lưng mẹ. Thai nhi tháng cuối cùng thường có kích thước khoảng 50 cm, nặng khoảng 2.7 – 3 kg.
Mẹ bầu có thể thở dễ dàng hơn khi thai nhi di chuyển vào vùng xương chậu. Thời điểm này, mẹ cần chuẩn bị tinh thần vì có thể chuyển dạ bất kỳ lúc nào. Chế độ dinh dưỡng của mẹ tương tự như những tháng trước đó, không thể thiếu canxi, sắt và DHA.
Mong rằng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết về “Các giai đoạn mang thaii”. Nếu có băn khoăn nào cần giải đáp, bạn đừng ngần ngại truy cập ngay vào website aplicaps.vn hoặc gọi điện cho hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.
Tài liệu tham khảo
↑1 | Baby Development Month By Month. Truy cập ngày 16/ 04/ 2024. https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/week-by-week/baby-development-month-by-month/ |
---|---|
↑2 | Fetal Development: Week-by-Week Stages of Pregnancy. Truy cập ngày 16/ 04/ 2024. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/7247-fetal-development-stages-of-growth |
↑3 | Pregnancy Month By Month. Truy cập ngày 16/ 04/ 2024. https://www.hunterdonhealth.org/services/maternity-and-newborn-care-center/pregnancy-month-month |